Điềm xấu trong quan hệ Mỹ - Trung

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sắp gặp lại nhau tại Đức. Ảnh: CNN.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sắp gặp lại nhau tại Đức. Ảnh: CNN.
TP - Trong cuộc điện đàm hôm qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thúc giục Tổng thống Mỹ Donald Trump tôn trọng chính sách “một Trung Quốc” khi căng thẳng giữa hai cường quốc về vấn đề Đài Loan, tranh chấp trên biển Đông và cách thức đối phó chương trình hạt nhân Triều Tiên lại trỗi dậy.

Ông Tập nói rằng, quan hệ Trung - Mỹ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố tiêu cực từ khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau lần đầu tiên tại bang Florida vào tháng 4, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin.

“Chúng tôi rất chú trọng việc chính phủ Mỹ tái khẳng định chính sách “một Trung Quốc” và hy vọng phía Mỹ sẽ xử lý đúng đắn vấn đề Đài Loan bằng cách tuân theo nguyên tắc “một Trung Quốc” và 3 thông cáo chung giữa hai bên”, CCTV dẫn lời ông Tập.

Cuộc điện đàm diễn ra chỉ vài ngày trước khi diễn ra lần gặp thứ hai giữa ông Trump và ông Tập tại hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hamburg (Đức) cuối tuần này, và sau khi chính quyền Mỹ đồng ý bán số vũ khí trị giá 1,4 tỷ USD cho Đài Loan.

Quan hệ quốc phòng của Mỹ với Đài Loan là vấn đề cực kỳ nhạy cảm. Cuộc điện đàm cũng diễn ra trong bối cảnh chính quyền của ông Trump ngày càng nóng giận với Trung Quốc khi Washington thấy Bắc Kinh không có tiến triển trong việc gây thêm sức ép với Bình Nhưỡng để kiềm chế chương trình hạt nhân.

Nhà Trắng tuyên bố, trong cuộc điện đàm, Tổng thống Trump thúc giục Trung Quốc gia tăng sức ép với Triều Tiên. “Cả hai nhà lãnh đạo tái khẳng định cam kết về một bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân hóa. Tổng thống Trump nhắc lại quyết tâm tìm kiếm quan hệ thương mại cân bằng hơn với các đối tác thương mại của Mỹ”, Nhà Trắng thông báo. Tuyên bố ngắn gọn của Nhà Trắng không cung cấp thông tin chi tiết về cuộc nói chuyện hay việc ông Trump có thuyết phục được ông Tập gây áp lực hết cỡ lên Triều Tiên hay không.

Trong khi đó, Bắc Kinh đưa ra phản đối sau khi Washington thông báo về thương vụ bán vũ khí đầu tiên của chính quyền Trump cho Đài Loan. Trung Quốc cũng phản đối việc Mỹ đưa vào danh sách đen một ngân hàng nhỏ của Trung Quốc bị cáo buộc có giao dịch bất hợp pháp với Triều Tiên. Bắc Kinh cũng tức giận với dự luật mà Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ đưa ra nhằm cho phép tàu chiến Mỹ thăm các cảng Đài Loan thường xuyên. Một khúc mắc khác giữa hai nước là những đòi hỏi chủ quyền thái quá của Trung Quốc đối với các đảo trên biển Đông sau khi Mỹ vừa thực hiện chuyến tuần tra tự do hàng hải trên biển Đông vào cuối tuần qua.

Ông Trump hôm qua cũng có cuộc điện đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Cuộc nói chuyện tập trung vào mối đe dọa từ chương trình hạt nhân mà Triều Tiên đang tăng tốc. “Họ tái khẳng định rằng, quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật luôn sẵn sàng đáp trả bất kỳ mối đe dọa hay hành động nào từ Triều Tiên”, Nhà Trắng tuyên bố.

“Con bài” Đài Loan

Giới phân tích cho rằng, Bắc Kinh trong tương lai sẽ phải đối mặt cách hành xử đối đầu hơn từ chính quyền Trump. Theo họ, Washington có vẻ sẽ dùng Đài Loan làm công cụ chống lại Bắc Kinh.

Cựu quan chức quốc phòng Đài Loan Lin Chong-pin cho rằng, các bước đi của Mỹ cho thấy ông Trump đang thay đổi chính sách với Trung Quốc theo hướng cứng rắn hơn. “Rõ ràng ông Trump vẫn muốn tăng áp lực lên Bắc Kinh để có được sự hỗ trợ của Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải chờ xem ông ấy sẽ sẵn sàng cứng rắn với Trung Quốc đến mức nào”, ông Lin nói.

Ông Robert Daly, Giám đốc Viện Kissinger về Trung Quốc tại Trung tâm Wilson (Mỹ), nói rằng, việc Washington gần đây phê bình Trung Quốc về tình trạng nhân quyền, áp đặt biện pháp trừng phạt thứ cấp lên Trung Quốc, quyết định bán vũ khí cho Đài Loan và hoãn xử lý vấn đề thuế đối với mặt hàng thép Trung Quốc xuất sang Mỹ cho thấy ông Trump đang cứng rắn hơn với Bắc Kinh.

“Họ đang trở lại bình thường trong chính sách với Trung Quốc. Điều này phù hợp với tính toán lâu dài của Trung Quốc nhưng sẽ làm thất vọng những hy vọng ngắn hạn của Trung Quốc trong việc kiềm chế chính quyền Trump”, ông Daly nói. “Dĩ nhiên, việc chính quyền Trump trở về bình thường trong quan hệ với Trung Quốc có thể ngắn ngủi giống như việc ông Trump nói sẽ vứt bỏ chính sách “một Trung Quốc” và nồng ấm với ông Tập Cận Bình. Quan hệ này vẫn cực kỳ bất ổn”, ông nói thêm.

Ông Richard Bush, nhà nghiên cứu cấp cao ở Viện Brookings tại Washington, cho rằng, thời điểm Mỹ chuyển chính sách rất thú vị. “Tuần trước, Mỹ thông báo các bước đi của họ chỉ một tuần sau cuộc đối thoại an ninh và ngoại giao đầu tiên giữa Mỹ và Trung Quốc và vài ngày trước khi ông Trump gặp ông Tập tại Hamburg. Theo một cách nào đó, Washington đang “dọn bàn” cho cuộc gặp sắp tới”, ông Bush nói.

Theo Theo SCMP
MỚI - NÓNG
Chính sách vượt trội của Phú Yên
Chính sách vượt trội của Phú Yên
TPO - Hiệp hội Xúc tiến Phát triển Điện ảnh Việt Nam công bố kết quả thực hiện chỉ số thu hút đoàn làm phim. Tỉnh Phú Yên dẫn đầu cả nước ở bộ chỉ số thu hút đoàn làm phim (PAI). Danh sách Top 10 còn có nhiều địa phương hấp dẫn như TPHCM, Đà Nẵng, Ninh Bình.