Điểm số và sự vỡ vụn niềm tin

Niềm tin dành cho thế hệ trẻ cần được xây dựng trên nền tảng của sự chân thật (Ảnh minh họa: Thầy trò trao đổi về những cuốn sách hay).
Niềm tin dành cho thế hệ trẻ cần được xây dựng trên nền tảng của sự chân thật (Ảnh minh họa: Thầy trò trao đổi về những cuốn sách hay).
Vì “thương” học trò, lãnh đạo một trường THPT ở TPHCM đã yêu cầu giáo viên nâng điểm bài thi giữa kỳ môn Sử cho học sinh lớp 12. Sự giả dối này mang lại cho các em điều gì ngoài niềm tin vỡ vụn?

Sau những chứng cứ thu thập được, mới đây Sở GD-ĐT TPHCM xác nhận có việc nâng điểm giữa kỳ môn Sử cho học sinh (HS) lớp 12 tại một trường THPT ở quận 6. Lý giải của lãnh đạo nhà trường, nâng điểm là do “thương” học trò. Điểm trung bình của HS lớp 12 năm nay sẽ được đưa vào xét điểm tốt nghiệp.

Đáng sợ hơn, khi sự việc bại lộ, thanh tra ngành đang vào cuộc, tổ trường môn Sử của nhà trường lại tổ chức cho các em làm bài kiểm tra lại, cung cấp tài liệu cho HS chép. Sự gian dối tiếp tục được dùng nhằm che đậy sự dối trá.

Từ câu chuyện nâng điểm vỡ lẽ ra quá nhiều điều đang tồn tại trong giáo dục lâu nay, làm vỡ nát hết mọi thứ và tệ hại nhất là đạp đổ mọi niềm tin - không chỉ của học trò mà của toàn xã hội.

Khi được yêu cầu phải nâng điểm cho HS trong sự việc nói trên, không ít giáo viên đã phản ứng, không chấp nhận. Họ biết rõ hơn ai hết năng lực của HS, hiểu rõ hơn ai hậu quả của sự dối trá. Mà rồi lương tri của họ bị vùi tả tơi khi ở trong “vòng siết” của lãnh đạo.

Sự dối trá đó mang lại cho HS một hai điểm nằm ở trên giấy, nhiều em nhờ vậy sẽ đủ điểm để vượt qua kỳ thi tốt nghiệp THPT. Những người làm giáo dục lại cho rằng đó là những thứ các em cần? Họ đưa đến các em không cần nhưng lấy đi của các em quá nhiều thứ quan trọng cho cuộc đời. Đó là sự tự trọng, tự lập và nhất là niềm tin trong các em bị vỡ vụn.

Hãy nghe tâm sự chua xót của một HS được (bị) nâng điểm: “Mới đầu con không tin, vẫn ra sức bảo vệ nhà trường. Nhưng giờ thì đổ vỡ hết rồi thầy cô ơi. Hóa ra con cũng được nâng điểm. Con đâu cần sự gian dối ấy?”.

Em hoang mang, ghê sợ bởi hàng ngày vẫn thường xuyên nghe thầy cô giảng dạy về sự trung thực, liêm chính. Giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ đang phải trả giá đắt khi người lớn nói một đằng, làm một nẻo.

Sự việc bị phanh phui, điểm số gốc sẽ được trả lại cho học trò. Còn niềm tin, ai trả cho các em? Cái giá của sự giả dối là mất niềm tin. Mất niềm tin, lại là mảnh đất màu mỡ sinh sôi, nảy nở sự giả dối, vô cảm.

Theo lời một hiệu trưởng ở TPHCM, hiện nay nhiều gia đình tìm đường “tháo chạy” cho con em đi du học không phải vì chương trình của chúng ta nặng, không phải do giáo viên của chúng ta kém. Mà bởi họ mất niềm tin khi những tiêu cực tồn tại như một sự hiển nhiên và còn được "đỡ" bởi căn bệnh thành tích, hình thức. Đến mức cho điểm để làm hại học trò, nhiều người thầy vẫn tin rằng để tốt cho các em.

Việc đổi thi tốt nghiệp THPT năm nay đang theo hướng giảm tải, giảm áp lực thi cử cho học trò và giáo viên. Chỉ còn 4 môn thi, trong đó 2 môn HS được lựa chọn theo khả năng, sở thích của mình và điểm trung bình cuối năm của HS cũng được đưa vào xét. Một cơ hội để học thật, dạy thật, thi thật lại trở thành dịp để nhà trường thể hiện “quyền lực” điểm số của mình.

Những tiêu cực đó còn làm lung lay cả những hy vọng của xã hội về những đổi mới trong giáo dục. Bệnh thành tích, hình thức trong giáo dục đã sản sinh ra sự giải dối và bây giờ nó trở thành ung nhọt thách thức mọi chủ trương đổi mới, cải cách là hậu quả mà chúng ta đang phải đối diện.

Theo Lê Đăng Đạt

Theo Dân Trí
MỚI - NÓNG
Đoạn đường Nguyễn Trãi bên cạnh hầm chui Thanh Xuân mênh mông nước tối 7/9. Ảnh: Thái An.
Mưa tối ngập đường Hà Nội, xe chết máy, rác trôi đầy
TPO - Tối nay (7/9), thêm nhiều cây xanh đổ gãy trên đường phố Hà Nội, nhưng người đi đường sợ hơn cả vẫn là tình trạng ngập nước ở một số nơi. Xe chết máy, nhiều người bì bõm, hì hục dắt xe cả đoạn phố dài, trong khi rác sinh hoạt, phế thải xây dựng lững lờ trôi…