Điểm sáng trong hợp tác kinh tế Việt Nam – Liên bang Nga

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Năng lượng là lĩnh vực hợp tác truyền thống chiến lược và hiệu quả giữa Việt Nam và Liên bang Nga, trong đó nổi bật là những tên tuổi Vietsovpetro hay Rusvietpetro.
Điểm sáng trong hợp tác kinh tế Việt Nam – Liên bang Nga ảnh 1

Cụm giàn DGCP-RP3, Mỏ Rồng của Vietsovpetro. (Ảnh: PetroTimes)

Vietsovpetro được thành lập trên cơ sở Hiệp định liên chính phủ, trở thành biểu tượng của tình hữu nghị, hợp tác bền chặt giữa Việt Nam và Liên bang Nga, là đơn vị tiên phong trong ngành dầu khí Việt Nam.

Vietsovpetro sở hữu tiềm lực lớn mạnh về cơ sở vật chất hạ tầng, tài chính và nhân lực, là nơi hội tụ những chuyên gia, kỹ sư hàng đầu của ngành dầu khí Việt Nam với trình độ chuyên môn cao.

Liên doanh được thành lập vào tháng 11/1981, với trụ sở đặt tại Vũng Tàu. Nga (khi đó là Liên Xô) và Việt Nam đóng góp mỗi bên một nửa trong tổng vốn đầu tư 1,5 tỷ USD. Đại diện cho phía Việt Nam trong liên doanh là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, còn đại diện phía Nga là Liên đoàn Kinh tế đối ngoại Liên bang Nga Zarubezkhneft.

Cho đến nay, Vietsovpetro vẫn là mảng hợp tác hiệu quả của hai nước, đóng góp khoảng 80% lượng dầu thô xuất khẩu hằng năm của Việt Nam.

Tháng 12/2010, Vietsovpetro đồng ý tiếp tục hợp tác với Công ty cổ phần Zarubezhneft của Nhà nước Nga trong 20 năm cho đến năm 2030. Theo thỏa thuận mới, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Petrovietnam nắm 51% cổ phần trong liên doanh và công ty của Nga chiếm 49%.

Bên cạnh việc tiếp tục hợp tác trong khuôn khổ liên doanh Vietsovpetro đến năm 2030, các tập đoàn dầu khí lớn của Nga như Gazprom và Zarubezneft đang triển khai nhiều dự án tại thềm lục địa của Việt Nam. Tại Nga, Liên doanh Rusvietpetro đang triển khai dự án khai thác dầu khí tại Khu tự trị Nhenhetxky.

Tính luỹ kế đến tháng 4 năm nay, Nga có 186 dự án đầu tư tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký đạt 984,98 triệu USD, xếp thứ 28/146 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Các dự án của Nga tập trung vào lĩnh vực dầu khí, khai khoáng, công nghiệp chế biến, chế tạo…

Việt Nam hiện có 18 dự án đầu tư tại Nga, với tổng vốn đăng ký đạt 1,63 tỷ USD, đứng thứ 4/180 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư của Việt Nam. Các dự án đầu tư của Việt Nam vào Nga chủ yếu tập trung vào Liên doanh dầu khí Rusvietpetro, Trung tâm Văn hoá – Thương mại Hà Nội – Mátxcơva; dự án chăn nuôi bò sữa và nông nghiệp của TH.

Hợp tác kinh tế - thương mại Việt – Nga thời gian qua phát triển năng động, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng hai nước. Theo thống kê chính thức, trao đổi thương mại năm 2023 đạt 2,63 tỷ USD, tăng 2,3%; trong quý I năm nay đạt 1,11 tỷ USD, tăng 51,6%.

Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Nga gồm điện thoại, điện tử, dệt may, giầy dép, nông thuỷ hải sản; các mặt hàng nhập khẩu chính gồm than đá, lúa mì, sắt thép, phân bón, ô tô, máy móc, thiết bị các loại.

MỚI - NÓNG