Nhóm ngành sư phạm: cao hơn 0,5 điểm
Ngày 17/9, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc, Hội đồng tư vấn xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với các ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên trình độ đại học và ngành giáo dục mầm non trình độ cao đẳng năm 2020, đã họp thảo luận, phân tích dữ liệu, xác định và thống nhất ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào.
Theo đó, điểm sàn từ điểm thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh ngành, nhóm ngành đào tạo giáo viên trình độ ĐH là 18,5 điểm. Riêng đối với các ngành Giáo dục Thể chất, Huấn luyện thể thao, Sư phạm Âm nhạc và Sư phạm Mỹ thuật thấp hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng chung 1 điểm. Điểm xét tuyển vào ngành Giáo dục Mầm non trình độ CĐ năm 2020 là 16,5 điểm.
Điểm mới của năm nay là lần đầu tiên Bộ GD&ĐT đưa ra ngưỡng đảm bảo chất lượng trình độ ĐH các ngành Giáo dục thể chất, Huấn luyện thể thao, sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật. Theo ông Đào Đăng Phượng, trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật T.Ư, năm ngoái khi cào bằng điểm sàn, nhiều thí sinh có điểm văn hóa cao, điểm năng khiếu thấp vẫn trúng tuyển. Trong khi đó, qua phân tích, thí sinh có nhu cầu thi vào các trường năng khiếu thường có điểm thi tốt nghiệp thấp hơn mặt bằng chung, do tập trung cho rèn luyện năng khiếu.
Việc xác định điểm sàn của ngành âm nhạc, thể thao thấp hơn điểm sàn chung khối đại học 1 điểm rất khoa học, thuận lợi cho các trường trong công tác tuyển sinh. Năm 2020, toàn hệ thống có 102 cơ sở tham gia đào tạo các ngành đào tạo giáo viên trình độ ĐH, CĐ giáo dục mầm non với tổng chỉ tiêu đề xuất là 84.475. Căn cứ nhu cầu địa phương và trên cơ sở các nguyên tắc, tiêu chí, Bộ GD&ĐT xác định phân bổ 69.630 chỉ tiêu, tương đương với 64% nhu cầu sử dụng của địa phương.
Ðiểm sàn khối ngành sức khỏe: Không nhiều ý nghĩa với trường tốp trên
Sau khi thảo luận, phân tích dữ liệu, Hội đồng điểm sàn khối ngành đào tạo sức khỏe xác định và thống nhất ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ngành Y khoa và Răng hàm mặt là 22 điểm; Y học cổ truyền và Dược học là 21 điểm; ngành còn lại 19 điểm. Năm 2019, điểm sàn đối với nhóm ngành Sức khỏe có chứng chỉ hành nghề là từ 18 đến 21 điểm.
Về ngưỡng điểm sàn sức khỏe năm 2020, GS.TS Tạ Thành Văn, Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội, cho rằng, điểm sàn tăng so với năm ngoái là hợp lý, đảm bảo mặt bằng chung tuyển sinh giữa các trường ĐH nhóm công lập và nhóm ngoài công lập.Theo ông Văn, ngưỡng điểm sàn không có quá nhiều ý nghĩa với ĐH Y Hà Nội bởi năm nào điểm trúng tuyển vào trường cũng cao hơn nhiều so với mức điểm sàn. Tuy nhiên, với các trường khác, nhất là khối dân lập, đây là việc quan trọng, quyết định số lượng thí sinh trúng tuyển và quyết định sự phát triển của các trường.
Đồng tình với phương án điểm sàn năm nay, TS. Phạm Văn Tác, Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế), nhìn nhận, quyết định của Hội đồng về mức điểm sàn khối sức khỏe mỗi nhóm tăng thêm 1 điểm so với năm ngoái là phù hợp với thực tế của năm nay.
Ông Tác cho biết, tới đây, các trường tốp dưới sẽ phải cố gắng vì sẽ Bộ Y tế sẽ xây dựng và triển khai hệ thống thi và cấp chứng chỉ hành nghề y khoa theo năng lực. Thí sinh dù học xong ĐH nhưng không có chứng chỉ sẽ không được hành nghề. “Vì thế quá trình đào tạo mới là yếu tố quan trọng và quyết định”, ông Tác nói.
Ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố điểm sàn, các trường đào tạo khối ngành y dược, sư phạm sẽ xây dựng mức điểm sàn riêng từng trường. Tuy nhiên, theo thống kê của phóng viên, năm 2019, cơ bản các trường khối ngành sức khỏe xác định điểm sàn các ngành của trường bằng với điểm sàn của Bộ GD&ĐT quy định.