Điểm sàn bao nhiêu là vừa?

Thí sinh làm bài thi tại điểm thi Đại học Giao thông Vận tải. Ảnh: Như Ý.
Thí sinh làm bài thi tại điểm thi Đại học Giao thông Vận tải. Ảnh: Như Ý.
TP - Hôm nay, 20/7/2015 là hạn chót các trường nộp dữ liệu điểm thi lên Bộ GD&ĐT. Theo cán bộ của Cục khảo thí, Cục sẽ tập hợp dữ liệu và đến giờ G, Bộ GD&ĐT sẽ đẩy toàn bộ dữ liệu lên hệ thống. Câu hỏi nóng nhất hiện nay là ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào thế nào là đủ?

Cụm thi ĐH: Điểm cao và rất cao

Các trường thi, cụm thi đã bắt đầu gửi dữ liệu lên Cục khảo thí từ ngày 19/7. Nhìn chung, điểm thi năm nay tại các cụm thi ĐH cao hơn năm trước nhiều là nhận xét của các hội đồng chấm. Lấy ĐH Bách khoa Hà Nội làm ví dụ, trường này chấm thi cho 2 quận Hoàn Kiếm và Hoàng Mai của Hà Nội và thí sinh tỉnh Nam Định. Kết quả chấm thi cho thấy:  các môn thi trắc nghiệm không có điểm liệt; các môn lịch sử, địa lý, sinh học có trên 80% từ 5 điểm trở lên; môn toán 74% và môn văn trên 70% từ điểm 5 trở lên. Môn toán của thí sinh ở trường thi này có điểm rất cao: trên 1.600 thí sinh có điểm từ 8 trở lên (chiếm 10,5 %). Nhận xét về điều này, một cán bộ nói, “Bách khoa là một trường luôn chấm thi rất chặt, đúng quy chế nhưng điểm cao hơn mọi năm nhiều, đúng theo dự báo!”.

Để giải quyết tình trạng có quá nhiều thí sinh điểm cao, những trường ĐH tốp đầu đã đặt thêm điều kiện nhân đôi một số môn trong các tổ hợp khác nhau để chọn thí sinh, phòng khi chỉ hạ xuống 0,25 điểm chuẩn sẽ có thêm cả nghìn người đỗ. ĐH Bách khoa Hà Nội, ngoài nhân hệ số 1 môn như toán chẳng hạn, đang nghĩ đến việc chặn bằng điều kiện học bạ. Theo đó, ngoài việc quy định điểm cộng của 3 môn học trong tổ hợp môn xét tuyển phải từ  20 điểm trở lên, trường này có khả năng chặn thêm:  điểm  3 môn xét tuyển phải có điểm tối thiểu từ  4 điểm trở lên. Dự kiến thứ hai hoặc thứ ba trường này sẽ thông báo chính thức mặc dù mấy ngày nay, theo ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng đào tạo, đã có cả nghìn thí sinh gửi câu hỏi về phương án xét tuyển vào trường này.

Ông Nguyễn Hội Nghĩa, Phó GĐ ĐHQG TPHCM cho biết, ĐH này còn phải chờ ngưỡng đảm bảo chất lượng của Bộ GD&ĐT mới có kế hoạch xét tuyển, nhưng đã rậm rạp đặt ra tiêu chí thí sinh phải đạt 6,5 cho điểm trung bình 6 học kỳ THPT. Ông Nghĩa cho biết thêm, mọi năm  có một vài ngành của ĐH này tuyển sinh sát “điểm sàn” của Bộ GD&ĐT nên năm nay sẽ tùy tình hình thực tiễn điểm nộp xét tuyển của thí sinh để xét từ điểm cao  xuống đến hết chỉ tiêu.  Các trường ĐH Sư phạm HN, ĐH Xây dựng đều đặt thêm điều kiện xét tuyển là điểm học bạ THPT.

Câu hỏi nóng nhất hiện nay là ngưỡng đảm bảo chất lượng thế nào là đủ. Có ý kiến cho rằng hiện nay Bộ GD&ĐT có hướng đặt ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào theo tổ hợp xét. Như ý kiến của nhiều nhà  tuyển sinh, ông Nguyễn Phong Điền nói: nếu ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào theo tổ hợp xét sẽ khó cho các trường xác định điểm khi có môn  chính nhân hệ số. Ông Điền đề nghị, Bộ nên đặt ngưỡng cho từng môn, sẽ dễ hơn cho các phương án tuyển sinh linh hoạt của các trường.

Cụm thi địa phương: Nhiều thí sinh bị điểm liệt

Theo thông tin ban đầu từ các cụm thi địa phương, năm nay nhiều thí sinh bị điểm liệt, do vậy nhiều khả năng dẫn đến tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT tại cụm địa phương sẽ không cao.

Ông Nguyễn Đức Hiền, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Giang thông tin, sau khi thống kê, phổ điểm trung bình của thí sinh khoảng từ 3-4 điểm. Trong đó, môn Toán nhiều thí sinh bị điểm liệt, thí sinh có điểm thi môn này cao nhất là 6,5 điểm.

Ông Đồng Ngọc Lập, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tây Ninh thông tin, năm nay đơn vị có 2.200 thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp thì trong đó nhiều thí sinh bị điểm liệt ở một số môn. Trong đó, môn Toán thí sinh bị điểm liệt chiếm tới khoảng 19%, môn Lịch sử có 1 thí sinh bị điểm liệt, các môn còn lại điểm liệt lẻ tẻ. Cũng theo ông Lập, phổ điểm của học sinh thi để xét tốt nghiệp tại cụm thi địa phương này không cao lắm, chủ yếu nằm trong khung 3-6 điểm, trong đó lượng thí sinh có từ 3-4 điểm khá cao. Ông Lập dự đoán, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp chỉ khoảng 75%, thấp hơn những năm trước. “Tuy nhiên, đây cũng chỉ là con số dự đoán, chưa chính xác bởi năm nay địa phương cập nhật điểm theo phần mềm của Bộ GD&ĐT cung cấp. Sau đó, phải chờ xét kết quả học tập của học sinh nữa mới có tỉ lệ đỗ tốt nghiệp chính xác”, ông Lập cho hay.

Bà Nguyễn Thị Hiền, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hải Dương chia sẻ, đơn vị đã hoàn thành khâu chấm điểm, lên điểm trong đó đơn vị có phổ điểm trung bình từ 4- 6 điểm. Bà Hiền thông tin, đơn vị cũng có thí sinh bị  điểm liệt nhưng tỉ lệ rất thấp. “Tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm nay có giảm nhẹ so với năm trước”, bà Hiền nói. Cũng theo bà Hiền, năm 2014, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp của Hải Dương là 90,2%, năm nay Hải Dương dự đoán có khoảng 90% thí sinh đỗ tốt nghiệp.

Tại điểm thi tỉnh Vĩnh Phúc, có tới 250 bài thi bị điểm liệt trong đó cũng tập trung chủ yếu ở môn Toán. Phổ điểm trung bình của đơn vị này cũng tập trung ở khoảng 3-6 điểm. Với nhiều thí sinh bị điểm liệt, đơn vị này dự đoán tỉ lệ đỗ tốt nghiệp năm nay sẽ thấp hơn năm trước.

Theo lãnh đạo các Sở GD&ĐT, nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ đỗ tốt nghiệp tại các cụm thi địa phương năm nay giảm do nhiều học sinh có học lực trung bình khá trở lên đã đăng ký thi ở cụm thi đại học. Có nơi, lượng thí sinh đăng ký thi tốt nghiệp không bằng 1/3 những năm trước. Vì thế nếu nhập cả điểm thi của thí sinh thi ở cụm thi đại học thì tỉ lệ đỗ tốt nghiệp cũng không thấp hơn năm ngoái.

Cũng theo lãnh đạo một Sở GD&ĐT, năm nay chỉ cần thí sinh không bị điểm liệt là đỗ tốt nghiệp bởi các em còn được xét điểm quá trình học. Mà điểm quá trình học trước đó đã được cô thầy “ưu ái” hơn trong năm thi “hai trong một” này để đảm bảo các em chỉ cần đạt 2-3 điểm cũng có thể tốt nghiệp.

Trường ĐHBK Hà Nội chấm thi cho 2 quận Hoàn Kiếm và Hoàng Mai của Hà Nội và thí sinh tỉnh Nam Định. Kết quả chấm thi cho thấy: các môn thi trắc nghiệm không có điểm liệt; các môn lịch sử, địa lý, sinh học có trên 80%  từ 5 điểm trở lên; môn toán 74% và môn văn trên 70% từ điểm 5 trở lên. Môn toán của thí sinh ở trường thi này có điểm rất cao: trên 1.600 thí sinh có điểm từ 8 trở lên (chiếm 10,5 %).

MỚI - NÓNG
Thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương: Nhiều thách thức nhưng cơ hội rất lớn
Thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương: Nhiều thách thức nhưng cơ hội rất lớn
TPO - Dự ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại TP. Huế, ông Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương - cho biết, sắp tới khi Trung ương cho chủ trương, Quốc hội ban hành nghị quyết thành lập thành phố trực thuộc Trung ương sẽ đặt ra nhiều thách thức nhưng cũng có cơ hội rất lớn cho Thừa Thiên - Huế.