Điểm danh ba lực lượng không quân mạnh nhất châu Á

Điểm danh ba lực lượng không quân mạnh nhất châu Á
Không quân Nhật Bản, Ấn Độ và Trung Quốc được cho là có khả năng tác chiến uy lực nhất khu vực châu Á trong thế kỷ 21.

Nhật Bản, Ấn Độ và Trung Quốc không chỉ có những tiêm kích đầy uy lực, mà còn đủ khả năng vận hành lực lượng hỗ trợ quy mô lớn và ngành công nghiệp hàng không phát triển, theo War is Boring.

Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản (JASDF)

Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản được thành lập ngày 1/7/1954, là bộ phận đảm nhận tác chiến trên không trực thuộc lực lượng phòng vệ Nhật Bản (JSDF). Trong nhiều thập kỷ qua, Nhật Bản đã kết hợp công nghệ nội địa tiên tiến với khung thân máy bay chiến đấu từ Mỹ để hình thành một lực lượng đáng gờm.

JASDF sở hữu hơn 300 máy bay chiến đấu thế hệ 4 và 4,5 như  F-15 và F-2, cũng như tiêm kích thế hệ cũ F-4 Phantoms. Nhật Bản cũng sử dụng lượng lớn máy bay cảnh báo sớm (AEW) và tiếp dầu trên không.

JASDF nổi tiếng nhờ chất lượng huấn luyện và trình độ phi công. Lực lượng này thường xuyên tham dự tập trận Red Flag tại Mỹ và tổ chức diễn tập chung với không quân Hàn Quốc. Trong thời gian gần đây, nhịp độ hoạt động của JASDF còn vượt qua thời Chiến tranh Lạnh.

Chương trình mua sắm trang bị Nhật đã gặp một số trở ngại. Dự án F-2 cho ra đời mẫu tiêm kích có một số ưu thế hơn bản gốc F-16 của Mỹ, trong khi chi phí lại cao hơn rất nhiều. Bù lại, toàn bộ máy bay F-2 là sản phẩm nội địa Nhật, thay vì sử dụng thiết bị nước ngoài. Tokyo cũng dự định mua lượng lớn máy bay tàng hình F-35 để tăng cường tiềm lực không quân.

Không quân Ấn Độ (IAF)

Đây là một trong số ít lực lượng sử dụng hiệu quả khí tài Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh. Ấn Độ đã kết hợp công nghệ Liên Xô với hệ thống đào tạo quản lý của Anh.

Ấn Độ đang sở hữu hơn 300 tiêm kích thế hệ 4 và 4,5 cùng nhiều phi đoàn máy bay MiG-21 và 200 cường kích chuyên tấn công mặt đất. Nước này đã đầu tư mua nhiều vận tải cơ chiến lược Boeing C-17 Globemaster, cũng như phi cơ tiếp dầu trên không và cảnh báo sớm từ Nga vàp hương Tây.

IAF đang gặp khó khăn trong việc mua tiêm kích Dassault Rafale từ Pháp. Việc sở hữu Rafale sẽ tăng cường năng lực chiến đấu của IAF, cũng như dự phòng trường hợp dự án hợp tác chế tạo tiêm kích thế hệ 5 PAK-FA với Nga bị đổ vỡ.

Không quân Trung Quốc (PLAAF)

Cách đây 30 năm, PLAAF bị coi là lực lượng đông đảo nhưng kém chất lượng. Họ sở hữu số lượng khổng lồ máy bay đánh chặn cổ lỗ, cùng lực lượng phi công có trình độ kém cỏi. Ngành công nghiệp hàng không Trung Quốc phải chật vật để chế tạo tiêm kích thế hệ 3.

Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi rất nhiều. Trung Quốc đang sở hữu hơn 600 máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 và 4,5, thêm vào đó là lượng lớn tiêm kích đánh chặn và cường kích đời cũ. Phần lớn số này đều là sản phẩm nội địa, do Trung Quốc tự sản xuất. Nước này cũng nghiên cứu phát triển hai dòng máy bay tàng hình mới là J-20 và J-31.

PLAAF cũng liên tục gia tăng quy mô các phi đội máy bay vận tải chiến lược, chiến thuật và cảnh báo sớm. Trong 10 năm qua, Bắc Kinh cố gắng cải thiện khả năng tiếp liệu trên không với tham vọng tăng cường phạm vi hoạt động của các tiêm kích. PLAAF cũng chủ động tổ chức tập trận với quy mô tương đương với Red Flag của Mỹ. Phi công Trung Quốc ngày nay có số giờ bay cao hơn rất nhiều so với cách đây 10 năm, thậm chí là vượt trội hơn cả phi công Mỹ.

Tuy nhiên, nền công nghiệp Trung Quốc vẫn còn nhiều vấn đề, nhất là ở chất lượng các thiết bị cao cấp như động cơ phản lực. Họ cũng phải dựa nhiều vào việc đánh cắp và sao chép công nghệ nước ngoài.

Ngoài ba lực lượng này, không quân Hàn Quốc (ROKAF) cũng là đối thủ lớn ở châu Á. Nhưng Seoul chưa có dự án tiêm kích tàng hình nội địa nào, trong khi khả năng tiếp dầu trên không và vận tải chiến lược chưa được phát triển. Điều đó khiến họ không được xếp vào danh sách không quân mạnh nhất châu Á, chuyên gia quân sự Robert Farley nhận xét.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG