Địa phương thất thu ngân sách trước 'cơn lốc' nhập ôtô giá rẻ

Một số doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô đã chuyển sang nhập khẩu, khiến ngân sách hụt thu.
Một số doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô đã chuyển sang nhập khẩu, khiến ngân sách hụt thu.
Ngân sách các địa phương giảm cả nghìn tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm do doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước kinh doanh khó khăn.

Tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương ngày 3/7, ông Đinh Văn Thu – Chủ tịch tỉnh Quảng Nam cho biết, 6 tháng đầu năm chỉ số công nghiệp của tỉnh cũng giảm 0,45% so với cùng kỳ; thu ngân sách địa phương không đạt mục tiêu. Ông Thu tính toán, ngân sách tỉnh này năm nay sẽ hụt thu khoảng 1.600 tỷ đồng, do giảm thu từ các doanh nghiệp sản xuất ôtô.

Thực tế này không chỉ riêng Quảng Nam, mà lãnh đạo một số tỉnh như Hải Dương, Vĩnh Phúc... cũng cho biết, ngân sách địa phương giảm đáng kể trong nửa đầu năm do các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô trên địa bàn giảm đóng ngân sách. 

Chia sẻ với các địa phương, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa nhận thực tế, đang có sự chuyển dịch cơ cấu sản xuất tại các doanh nghiệp liên doanh sản xuất, lắp ráp ôtô, để đón thời cơ và ứng phó khi thuế suất nhập khẩu về 0% từ đầu năm 2018. Đây cũng là sự thay đổi trong chính sách kinh doanh để ứng phó với việc ôtô Thái Lan, Indonesia... được nhập ồ ạt vào Việt Nam vừa qua. 

"Thay vì sản xuất, lắp ráp, số doanh nghiệp này chuyển sang nhập khẩu, khiến ngân sách địa phương hụt thu", Bộ trưởng Tài chính nói và cho rằng, cần có giải pháp kiểm soát kịp thời lượng ôtô giá rẻ tràn vào thị trường trong nước. 

Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng, cần theo dõi chặt chẽ tình hình nhập xe nguyên chiếc dưới 9 chỗ từ Thái Lan, Indonesia... để có giải pháp kiểm soát kịp thời, bảo vệ sản xuất trong nước, giảm mất cân đối thương mại với thị trường ASEAN, góp phần giảm nhập siêu.

Số liệu của cơ quan thống kê cho thấy, 5 tháng đầu năm lượng ôtô nhập khẩu nguyên chiếc từ các nước như Thái Lan, Indonesia... đạt 24.613 chiếc, vượt xa so với con số 16.622 chiếc được nhập khẩu từ 10 quốc gia và vùng lãnh thổ còn lại. Về giá trị kim ngạch, 2 nước này cũng áp đảo khi đạt gần 438 triệu USD, vượt mức 397 triệu USD của phần còn lại. 

Ở góc độ địa phương, Chủ tịch tỉnh Quảng Nam - Đinh Văn Thu kiến nghị, Chính phủ nên sớm tính lại thuế nhập khẩu linh kiện cho ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước và áp dụng mức thuế này sớm hơn thời điểm 1/1/2018, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lĩnh vực này tận dụng thời cơ sản xuất, kinh doanh.

“Nên áp dụng mức thuế suất mới với linh kiện ôtô từ tháng 10/2017”, ông Thu đề nghị.

Riêng chính sách thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt với xe bán tải (pick-up), ông Thu nêu thực tế đang tồn tại nhiều bất cập khi thời gian qua mức thuế đưa ra thí điểm ngang với thuế suất áp dụng cho xe dưới 9 chỗ ngồi. Tuy nhiên, chính sách thuế với loại xe này đang không đảm bảo tính cạnh tranh theo quy định tại Luật Cạnh tranh, vì thế cần điều chỉnh lại. 

Hiện, xe bán tải nhập vào Việt Nam chỉ chịu thuế nhập khẩu 5%. Cùng với đó, thuế tiêu thụ đặc biệt với xe có dung tích xi-lanh dưới 2,5 lít là 15%; 2,5-3 lít là 20% và trên 3 lít là 25%. Mức phí trước bạ đang áp dụng với loại xe này là 2%...

Đáp lại, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, cơ quan này đã có báo cáo tổng hợp về thuế tiêu thụ đặc biệt với xe bán tải, nhưng sửa thuế như thế nào lại do Quốc hội quyết định. 

Chỉ đạo tại phiên họp, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, ngành cần nghiên cứu chính sách để có ngành công nghiệp ôtô Việt Nam. "Dứt khoát chúng ta phải có ngành công nghiệp ôtô Việt Nam, không thể chậm trễ hơn", ông nói. 

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG