Địa phương muốn dừng tinh giản biên chế giáo dục, Bộ đề nghị thí điểm cơ chế tự chủ

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Bộ GD&ĐT cho biết, đã phối hợp với Bộ Nội vụ chỉ đạo các địa phương rà soát, tổng hợp số liệu thừa, thiếu giáo viên và đề xuất Chính phủ bổ sung giáo viên mầm non, phổ thông theo lộ trình từ nay đến năm 2026.
Địa phương muốn dừng tinh giản biên chế giáo dục, Bộ đề nghị thí điểm cơ chế tự chủ ảnh 1

Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực Nội vụ, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV.

Bộ GD&ĐT nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Gia Lai gửi tới trước kỳ họp thứ 4, đề nghị Chính phủ bổ sung đủ biên chế giáo viên cho tỉnh để đáp ứng quy mô phát triển trường, lớp và nhu cầu học tập của học sinh.

Trường hợp Trung ương không bổ sung đủ biên chế giáo viên cho năm học 2022- 2023, đề nghị có văn bản cho phép địa phương không tiếp tục tinh giản biên chế giáo dục và được phép hợp đồng giáo viên đứng lớp trong định mức quy định, kinh phí trả lương hợp đồng trong phạm vi ngân sách địa phương tự cân đối.

Trả lời vấn đề này, Bộ GD&ĐT cho biết, đã phối hợp với Bộ Nội vụ chỉ đạo các địa phương rà soát, tổng hợp số liệu thừa, thiếu giáo viên và đề xuất Chính phủ bổ sung giáo viên mầm non, phổ thông theo lộ trình từ nay đến năm 2026.

Trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, Bộ Chính trị đã giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ 2022 đến năm 2026, riêng năm học 2022- 2023 giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công, trong đó tỉnh Gia Lai được bổ sung 1.244 biên chế giáo viên năm học 2022- 2023.

Thời gian tới, các địa phương tiếp tục rà soát, xác định cụ thể số lượng, cơ cấu giáo viên còn thiếu của địa phương theo từng cấp học, môn học đến năm 2026, báo cáo để bổ sung biên chế giáo viên trong tổng số biên chế giáo viên bổ sung đến năm 2026, nhằm bảo đảm lộ trình và cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của địa phương.

Cùng với đó, Bộ cũng đề nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh có ý kiến với UBND tỉnh khẩn trương tổ chức tuyển dụng giáo viên theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT; có ý kiến với UBND tỉnh tập trung đẩy mạnh sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông gắn với nâng cao chất lượng giáo dục, hình thành trường phổ thông nhiều cấp học (tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của mỗi địa phương, địa bàn cụ thể;

Đồng thời cần xây dựng nhà công vụ giáo viên để tạo điều kiện cho giáo viên dạy liên trường, giúp giáo viên yên tâm công tác, giải quyết tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ.

Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu tỉnh Gia Lai thí điểm và đẩy mạnh cơ chế tự chủ trong trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông. Đặc biệt, ưu tiên biên chế giáo viên đối với địa bàn vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn hoặc bố trí kinh phí để hợp đồng lao động đối với những trường còn thiếu biên chế.

MỚI - NÓNG