Địa phương dồn sức tạo nguồn nhân lực cho công nghiệp hỗ trợ

TPO - Để phát triển công nghiệp hỗ trợ, tự chủ nguồn nguyên liệu, Bình Dương đã và đang xây dựng các khu công nghiệp chuyên ngành, thu hút nhà đầu tư. Song song đó, tỉnh cũng tạo cơ chế, dồn nguồn lực tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng.

Bình Dương là một trong những địa phương có sự phát triển mạnh về công nghiệp ở Việt Nam với hơn 70.000 doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực. Trong đó, có 2.277 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực có liên quan đến ngành công nghiệp hỗ trợ.

Đến nay, tỉnh đã thu hút nhiều dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ từ các doanh nghiệp cả trong nước và quốc tế. Việc áp dụng đồng bộ các giải pháp thu hút đầu tư và chuẩn bị hạ tầng đã tạo điều kiện cho sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh, đặc biệt cho các ngành sản xuất phụ tùng, linh kiện cho ngành ô tô, điện tử và cơ khí.

Một số khu công nghiệp nổi bật như khu công nghiệp VSIP, khu công nghiệp Bình Dương, khu công nghiệp Nam Tân Uyên đã thu hút được nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ vào hoạt động. Hiện Bình Dương đang tiếp tục xây dựng khu công nghiệp Cây Trường, Khu công nghiệp Bắc Tân Uyên… chuyên ngành công nghiệp hỗ trợ.

Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tại Bình Dương đang ngày càng chú trọng đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm và áp dụng công nghệ mới. Tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ tiên tiến và nâng cao năng lực cạnh tranh.

“Phát triển nguồn nhân lực là yếu tố cốt lõi, chìa khóa quyết định sự thành công và hiện nay, Bình Dương đang chú trọng đến việc đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu của ngành công nghiệp hỗ trợ. Các trường đào tạo nghề và các cơ sở giáo dục đã phối hợp với doanh nghiệp để cung cấp kỹ năng cần thiết cho lao động”, đại diện UBND tỉnh Bình Dương cho hay.

Địa phương dồn sức tạo nguồn nhân lực cho công nghiệp hỗ trợ ảnh 1

Bình Dương dành nhiều cơ chế để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Theo ông Alexius Oh - Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới Công nghiệp 4.0 Việt Nam - Singapore, Bình Dương đã xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo hoàn chỉnh để phát triển bền vững và thu hút thêm cơ hội cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Nhấn mạnh vai trò của nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố quyết định đến việc thu hút doanh nghiệp FDI, ông Alexius Oh cho rằng, các doanh nghiệp FDI yêu cầu ngày càng cao về chất lượng nguồn nhân lực. Do đó nhân công giá rẻ sẽ không còn là lợi thế cạnh tranh của Việt Nam. Việt Nam cần phải chuẩn bị cho xu hướng mới. Hai yếu tố để các doanh nghiệp FDI xem xét và quyết định đầu tư chính là hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và chuỗi cung ứng.

Ông Alexius Oh cho rằng, chiến lược tiếp theo của Bình Dương là xây dựng tốt nguồn nhân lực chất lượng cao; trong đó có vai trò của các viện, trường đào tạo đội ngũ nguồn nhân lực trong tương lai. Đặc biệt, Trung tâm Đổi mới sáng tạo có sứ mệnh thực hiện các hoạt động kết nối, định hướng, tạo môi trường nghiên cứu khoa học và công nghệ, giúp doanh nghiệp chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh, tăng năng suất lao động… sẽ là nơi dẫn dắt đổi mới sáng tạo trong toàn tỉnh.

Một số nhiệm vụ cụ thể khác mà Trung tâm Đổi mới sáng tạo được "đặt hàng" như: Thu hút, đào tạo và giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao; nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất lao động, chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh.

Cần chính sách hỗ trợ phù hợp

Ông Nguyễn Thanh Toàn – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương cho biết, về phát triển công nghiệp hỗ trợ có quy định nhiều chính sách, cơ chế, trong đó có chính sách phát triển nguồn nhân lực. Theo đó, dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển được hỗ trợ kinh phí từ Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ cho đào tạo nguồn nhân lực.

“Cá nhân trực tiếp thực hiện nhiệm vụ của Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ được ưu tiên đào tạo nâng cao trình độ ở trong nước và nước ngoài theo các chương trình đào tạo của nhà nước. Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư, liên doanh, liên kết để xây dựng các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực phục vụ trực tiếp cho sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ”, ông Toàn cho hay.

Theo lãnh đạo Sở Công Thương Bình Dương, tỉnh cũng có cơ chế hỗ trợ các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho sản xuất sản phẩm công nghiệp, hỗ trợ từ các Quỹ về khoa học và công nghệ, đào tạo và các quỹ khác tham gia vào việc đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp hỗ trợ.

Tuy nhiên, quá trình triển khai trong thực tế còn nhiều vướng mắc, khó khăn, khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp tại Nghị định số 111 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ. Các quy định cũng chưa thật sự mở để các địa phương tùy thuộc vào tình hình thực tế đề xuất các chính sách đặc thù để phát triển công nghiệp hỗ trợ của địa phương.

Do đó, để hỗ trợ doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, Bình Dương kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định số 111. Cần có chính sách ưu đãi phát triển công nghiệp hỗ trợ riêng biệt, cụ thể như chính sách ưu đãi về thuế, tài chính, cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ, chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực…; trên cơ sở đó, UBND tỉnh tham mưu HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về các chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Lộc Hà cho biết, trong giai đoạn phát triển mới, địa phương luôn quan tâm, khuyến khích việc tích cực triển khai các giải pháp đón đầu xu hướng công nghiệp 4.0; trong đó tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

MỚI - NÓNG