'Địa đàng xanh' chảy máu

'Địa đàng xanh' chảy máu
TP - Vườn Quốc gia Pù Mát (Nghệ An) có hệ động, thực vật phong phú với nhiều loài quý hiếm như sa mu nghìn năm tuổi, hổ Đông Dương… Tuy nhiên, chốn "địa đàng xanh" này đang trở thành chiến địa của kiểm lâm với những kẻ săn cây thuốc, thú rừng…

> Phát hiện loài vượn đen má trắng ở vườn Quốc gia Pù Mát

VQG Pù Mát có 50 cây sa mu cao hơn 70m, đường kính 5,5m, trên 1.000 năm tuổi
VQG Pù Mát có 50 cây sa mu cao hơn 70m, đường kính 5,5m, trên 1.000 năm tuổi .

Gần đây, do một số thương gia Trung Quốc móc nối với các đầu nậu trong nước thu gom, mua dược liệu nên bà con địa phương ngày đêm đi săn những cây thuốc quý.

Nhiều loài có nguy cơ bị xóa sổ

Mỗi chiều tà, dọc theo QL7, từ thị trấn Con Cuông ngược lên thị trấn Hòa Bình (huyện miền núi Tương Dương, Nghệ An) rất dễ bắt gặp dòng người dân địa phương bắt đầu từ rừng ra. Trong số đó, không ít người vào rừng chủ yếu là để khai thác nguồn dược liệu quý hiếm đem về bán kiếm tiền.

Chị Vi Thị Yến (trú tại bản Tín, xã Lục Dạ, huyện Con Cuông) cho biết, trước đây bà con dân bản chỉ biết săn bắt động vật hoặc đi chặt gỗ rừng, ít ai biết ở Pù Mát còn vô số cây thuốc quý. Gần đây, có người ngoài thị trấn Con Cuông vào tận bản đặt vấn đề với bà con là mua cây dược liệu, chủ yếu dây máu chó, hoằng đằng, quả bo bo, củ thiên niên kiện, hạt sa nhân…

Ban đầu chỉ có ít người đi tìm cây dược liệu, sau thấy có tiền nên cả bản, cả xã thi nhau vào rừng Pù Mát. Chị Yến cho biết, ngày nào kiếm được nhiều, gia đình chị thu về khoảng vài ba trăm nghìn đồng.

Bà Gấm đang giải thích quy trình sấy của lò sấy dược liệu
Bà Gấm đang giải thích quy trình sấy của lò sấy dược liệu.
 

Anh Lương Văn Kha (trú xã Yên Khê, Con Cuông) gùi đống dược liệu trên lưng vừa từ rừng Pù Mát ra không ngần ngại tiết lộ: “Trước đây, tôi thường đi chặt gỗ pơ mu, sau đó gùi ra bán cho các chủ xưởng gỗ ở Con Cuông. Gần đây, do kiểm lâm kiểm soát rát quá nên không mấy khi chui vào rừng nữa. Gần đây, thấy bà con khắp nơi ồ ạt vào rừng tìm kiếm cây dược liệu quý về bán nên tôi cũng đi theo”.

Cây thuốc ở VQG Pù Mát có 226 loài, dùng chữa các bệnh về gan, dạ dày, tiêu hóa hay gãy xương, trật khớp. Nhóm dây leo bò có 127 loài, có thể sử dụng thân, rễ, hoa, quả, vỏ hoặc cả cây. Có 321 loài dùng rễ chữa bệnh như ráy, nghệ, bồ cốt toái…

 

Theo anh, cây dược liệu vừa dễ khai thác vừa dễ vận chuyển ra ngoài, ra khỏi rừng là bán được ngay, chẳng mất nhiều thời gian, công sức như đi săn gỗ pơ mu. Ngày ít cũng kiếm được hơn 3 trăm nghìn đồng, hôm nào trúng quả, kiếm cả triệu đồng, anh Kha nói.

Một cán bộ Vườn quốc gia (VQG) Pù Mát cho biết, ban đầu, bà con khai thác ở vùng đệm, chủ yếu trên nương rẫy; khi nguồn dược liệu cạn dần, không ít người tràn sang khu vực bảo vệ nghiêm ngặt để săn tìm. Dù lực lượng kiểm lâm của VQG Pù Mát luôn ngày đêm tuần tra gắt gao nhưng do lực lượng mỏng nên không thể kiểm soát hết người dân địa phương vào rừng đào, chặt.

Ngồi bên dòng khe Kèm, anh Bùi Hữu Hoàng, cán bộ lâm nghiệp huyện Con Cuông, than thở: “Ngày trước, một số loài như cây dây máu chó mọc khắp nơi, nhưng bà con nơi đây chẳng ai thèm để ý, mỗi khi trong nhà có người bị đứt tay, chảy máu thì mới ngắt chút ít nhai nhỏ ra đắp vào vết thương.

Gần đây bỗng rộ lên chuyện mua bán loài thân cây dây này nên người dân Tương Dương mới biết thu gom lại. Chỉ vì chút lợi ích riêng, không ít người dân địa phương đã ngày đêm tràn vào cả VQG Pù Mát để tàn sát loài cây này”.

Ông Võ Công Tuấn Anh, Phó phòng Nghiên cứu khoa học VQG Pù Mát, cho biết, qua điều tra của các nhà khoa học, VQG Pù Mát đã bổ sung các loài cây thuốc quý cho danh lục cây thuốc quý Việt Nam là 72 loài, thuộc 63 chi, 39 họ.

Nhiều loại cây thuốc quý ở VQG Pù Mát đang có nguy cơ bị xóa sổ do người dân khai thác trộm ồ ạt để bán cho thương gia Trung Quốc. Một số cây thuốc quý hiếm sau khi bán sang Trung Quốc được chiết xuất làm thuốc chữa ung thư tụy, sỏi thận, dạ dày…

Dây máu chó được xắt thành miếng Ảnh: Phan Sáng
Dây máu chó được xắt thành miếng. Ảnh: Phan Sáng.
 

Một đầu nậu gom 15 tấn/ngày

Cách cổng vào trung tâm VQG Pù Mát chưa đầy 100m, một cơ sở công khai thu mua nguồn dược liệu quý nằm sát QL7, đoạn cuối thị trấn huyện Con Cuông. Bà Nguyễn Thị Gấm, chủ cơ sở, nói: Ở miền tây Nghệ An, đây là nơi thu mua dược liệu rừng lớn nhất. Hầu như mọi loài cây dược liệu đều được cơ sở này thu mua, chủ yếu là dây máu chó tươi, củ thiên niên kiện, hạt sa nhân, cây hoàng đằng, quả bo bo...

Khi được hỏi số lượng thu mua mỗi ngày, bà Gấm cho biết: “Khoảng 15 tấn, hôm nào nhiều có khi lên tới 30 đến 40 tấn”. Hai loại dược liệu được bà Gấm thu mua nhiều nhất là dây máu chó và hạt sa nhân. Giá mỗi cân dây máu chó tươi là 30 nghìn đồng, khô 90 nghìn; hạt sa nhân tươi 35 nghìn đồng, khô 250 nghìn đồng…

Để mua được nhiều hàng bà Gấm nhờ một số mối lái ở các bản làng có người dân đi săn dược liệu. Dọc theo QL7 đoạn qua huyện Con Cuông và Tương Dương, một số cơ sở ở xã Châu Khê (huyện Con Cuông), Tam Quang, Tam Đình, thị trấn Hòa Bình (huyện Tương Dương) đứng ra thu mua, sau đó bán lại cho cơ sở bà Gấm.

Sau khi đầu nậu lớn gom hàng xong, bà Gấm cho xe đến tận từng bản để lấy. Tập kết dược liệu xong là cho lên lò sấy. Cứ khoảng một tuần hoặc 10 ngày bà Gấm cho đóng gói vào bao tải rồi chất lên ôtô hàng trăm tấn dược liệu đưa ra biên giới, nơi thương lái Trung Quốc chờ sẵn.

VQG là vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển miền tây Nghệ An do UNESCO công nhận, có vành đai xanh lớn nhất Đông Nam Á. VQG Pù Mát có 2.494 loài thực vật, trong đó có 68 loài nằm trong Sách Đỏ Việt Nam. Có hơn 132 loài thú, trong đó có voi, hổ, sao la, vượn bạc má, chà vá chân nâu, khỉ đuôi lợn, mang Trường Sơn…

Có 324 loài chim, trong số này có 10 loài ở mức bảo tồn sắp nguy cấp hoặc sắp bị đe dọa như trĩ sao, công, gà lôi trắng, gà tiền. Có khoảng 86 loài lưỡng cư và bò sát, 83 loài cá, 459 loài bướm và 78 loài kiến.

 
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG