Tổng công trình sư của 'đại học toàn cầu'

TP - Lâu lắm rồi tôi mới có cảm giác lặng người khi xem một bộ phim tài liệu. Dù một trong hai nhân vật chính tôi đã thân thuộc từ ngót 30 năm trước. Phim là cuộc đối thoại miên man về quá khứ, hiện tại và tương lai giữa hai vị Chủ tịch của hai trường Đại học cách nhau nửa vòng trái đất, và cũng là những người từng chĩa súng vào nhau thời chiến tranh.

GS.TS Jack Hawkins, Jr. – Chủ tịch Hội đồng kiêm Hiệu trưởng Đại học Troy (bang Alabama, Hoa Kỳ), và Anh hùng Lao động,Nhà giáo Ưu tú Lê Công Cơ – Chủ tịch Hội đồng cũng là người sáng lập ra Đại học Duy Tân.

Tổng công trình sư của 'đại học toàn cầu' ảnh 1

Từ hai đầu chiến tuyến, giờ đây ông Lê Công Cơ và TS Jack Hawkins, Jr. cùng chung sự nghiệp giáo dục

Những lời tự sự của đôi bên dắt người xem quay lại thời gian hơn nửa thế kỷ trước, với cậu bé Lê Công Cơ mồ côi mẹ lúc mới 6 tuổi, đi chăn trâu ở đợ, 13 tuổi rời làng quê nghèo Giáng La bên dòng Thu Bồn xứ Quảng theo các anh bộ đội làm giao liên.

Cũng khoảng thời gian đó ở một nơi tại miền Nam nước Mỹ, cậu bé Jack Hawkins ngày ngày theo cha vào rừng đốn củi mưu sinh. Bước vào tuổi đôi mươi, chàng thanh niên Lê Công Cơ với bí danh hoạt động Lê Phương Thảo đã dọc dài bước đường cách mạng khắp Sài Gòn, miền Nam, miền Trung, từ đô thị, bưng biền tới núi rừng Trường Sơn...

Nửa đầu thập niên 1960, khi mới 23 tuổi, ông đã là Chủ tịch Liên hiệp Học sinh sinh viên giải phóng Trung Trung Bộ, Bí thư Thành Đoàn Đà Nẵng, năm 28 tuổi là Bí thư Tỉnh Đoàn Thừa Thiên-Huế,... Đó cũng là thời gian chàng trai Jack Hawkins rời trường đại học bước vào quân ngũ trong màu áo lính thủy đánh bộ, tháng 4/1968 được tung sang chiến trường Việt Nam với tư cách trung úy, trung đội trưởng đóng quân ở căn cứ quân sự Chu Lai (Quảng Nam).

Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó Hiệu trưởng thường trực Đại học Duy Tân cho biết, hiện Duy Tân có 7 trường thành viên và 2 Viện nghiên cứu, với 8 cơ sở đào tạo tại trung tâm thành phố Đà Nẵng. Đội ngũ cơ hữu của Duy Tân gồm 1.526 người, trong đó có 1.079 giảng viên. Đến nay, Duy Tân đã hợp tác nghiên cứu, đào tạo với hơn 50 trường đại học trên thế giới; hợp tác và chuyển giao 13 chương trình tiên tiến các lĩnh vực với nhiều trường đại học uy tín quốc tế. Duy Tân hiện có 4chương trình đạt kiểm định quốc tế theo chuẩn ABET và 1 chương trình đạt chuẩn TedQual của Tổ chức Du lịch Thế giới. Trong số 12.008 sản phẩm được công bố, xuất bản, có 8.932 bài đăng tạp chí quốc tế uy tín thuộc danh mục ISI/Scopus; Trong 65 kết quả nghiên cứu được đăng ký bảo hộ trong nước và quốc tế, có 63 bằng sáng chế, 1 bằng giải pháp hữu ích và 1 chứng nhận quyền tác giả.

“Bom B.52 đánh suốt ngày đêm. Tôi chỉ chậm mấy giây là đã chết trong trận B.52 đó. Tôi xuống khe súc miệng, vừa lên gần tới miệng hang thì bom xối xả, đẩy bật tôi vào hang...

Tôi đã tham gia vào những trận đánh, mà ác liệt nhất là ở núi rừng Thừa Thiên. Tôi bị thương mấy lần, có lần tưởng như chết rồi. Cả đơn vị còn có mấy người...”, ông Lê Công Cơ bùi ngùi.

“Mỗi buổi sáng sớm, chúng tôi bắt đầu đi tuần tra và rà mìn dọc theo con đường. VC đã chôn 8-10 quả mìn dọc theo đường. Và khi họ bắt đầu bắn, chúng tôi nhảy vào hố.

Một số lính Nam Hàn chết, một số lính Mỹ bị thương. Đó là một trải nghiệm siêu thực, bởi bạn không thể nghe và thấy gì cả. Chúng tôi đã bị thiệt hại nặng vào buổi sáng hôm ấy. Nó xảy ra tại đây, vào ngày 4/5/1968”, ông Hawkins trầm ngâm. Một năm sau đó, Hawkins rời chiến trường Việt Nam với những vết thương trên cơ thể...

*

Tổng công trình sư của 'đại học toàn cầu' ảnh 2

Hình ảnh ông Lê Công Cơ tại phòng làm việc của TS Jack Hawkins. Ảnh: TL

Sau bao năm gần gũi tiếp xúc với ông Lê Công Cơ, tôi càng chắc chắn một điều, đó là chỉ một cuộc đời ông đã bằng bao nhiêu cuộc đời khác cộng lại.

Cuộc đời của một chính khách với các chức vụ trong kháng chiến, sau đó là Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, Đại biểu Quốc hội (tự ứng cử) khóa VIII (1987-1992)... Cuộc đời một doanh nhân, từ vị trí Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ Du lịch Quảng Nam-Đà Nẵng, đến nhiều dấu ấn trong việc lần đầu tiên tổ chức liên kết du lịch quốc tế, trực tiếp sáng lập và viết luận chứng kinh tế thành lập Khu nghỉ dưỡng du lịch Furama đầu tiên tại Việt Nam. Và là một nhà văn với hàng chục đầu sách đã xuất bản, hiện vẫn đang viết. Bộ nhật kí chiến trường viết tay của ông là nguyên liệu để nhà văn Nguyễn Khắc Phục dựng thành bộ tiểu thuyết gây xôn xao “Học phí trả bằng máu”, sau in lại với cái tên “Thành phố đứng đầu gió”...

Nhưng rồi ông đã bỏ tất cả, buông tất cả xin nghỉ hưu ở tuổi 51. Để cứ 1 giờ sáng ông đạp xe vào lò bánh mì của một cơ sở cách mạng cũ của mình làm thuê, sáng ra được giao cho trăm chiếc bánh đem đi bán dạo. Rồi đi làm thợ mộc, làm nước mắm nhĩ. Hai giờ sáng xuống bến mua cá về làm nước mắm đi bỏ cho những cơ sở hoạt động cũ, mỗi nơi mua giùm một ít giúp ông và gia đình sống qua ngày.

Nhưng như ông từng viết trong một cuốn sách “Sau chiến tranh, có dịp nhìn lại, bên cạnh những điều phũ phàng đến độ đắng cay, mà bản thân đã phải nếm trải, trước sau tôi vẫn cảm nhận được một điều không bao giờ thay đổi đối với tôi, và có lẽ với hầu hết những người thuộc thế hệ chúng tôi, những người đã hiến cả tuổi thanh xuân cho đất nước, đó là, không có gì có thể lớn lao hơn tình yêu đất nước!”.

Tình yêu ấy được cụ thể hóa bằng con đường học tập, bởi như ông hằng tâm niệm “phải học thì mình mới tự giải phóng mình được”. Cái thời vừa đi đánh giày, bán báo vừa hoạt động ở Sài Gòn, cậu thiếu niên xứ Quảng vẫn tìm mọi cách để học, kể cả đứng học lỏm ngoài cửa lớp. Học băng như vậy vẫn đỗ tú tài 1, rồi tú tài 2, đi dạy trung học ở Cần Thơ khi mới 18 tuổi, rồi thi đỗ vào ngành kỹ sư điện trường Kỹ thuật Phú Thọ, tiền thân của ĐH Bách khoa TPHCM ngày nay.

Ông kể ngay khi tiếng súng chiến tranh chấm dứt, về lại quê nhà đứng từ cầu Vĩnh Điện nhìn lên Đại Lộc, suốt 15 cây số nhà không vườn trống, khung cảnh tiêu điều, nung nấu lớn nhất trong ông khi đó là người dân chỉ có học, có văn hóa mới có thể vượt lên được...

Tổng công trình sư của 'đại học toàn cầu' ảnh 3

Ông Lê Công Cơ (thứ 3 từ phải sang) và TS Hawkins khai giảng chương trình đào tạo của ĐH Troy tại ĐH Duy Tân

“Trong những ngày tháng khói lửa, tôi vẫn thầm mong ước: Hòa bình lập lại, nếu còn sống trở về, tôi quyết tâm sẽ lại tiếp tục với cuộc đời của một nhà giáo”. Sau khi “rũ áo quan trường”, từ năm 1992 ông Lê Công Cơ là một trong những thành viên đầu tiên của Ban vận động thành lập Hội Khuyến học Việt Nam, được bầu vào Ban chấp hành khóa 1, tiếp đến những khóa sau.

Câu chuyện ông Lê Công Cơ cơm nắm muối vừng lặn lội ra vào Hà Nội – Đà Nẵng bằng tàu hỏa tới 37 chuyến trong suốt 3 năm trời từ 1992-1994, ở khách sạn rẻ tiền, rồi nhà trọ ở nhà ga, bến xe... để được xin giấy phép thành lập Đại học Duy Tân chắc sẽ được ghi vào lịch sử của trường. Cái thời ngay cả bậc tiểu học, trung học còn chưa được mở trường tư thục, nói gì đại học.

Để mở trường, ông thế chấp căn nhà cấp 4 duy nhất của gia đình được 132 triệu đồng. Trong lúc chờ đợi cơ chế, ông cùng những người bạn trí thức mở Trung tâm Anh ngữ thực hành tư thục đầu tiên của Đà Nẵng và miền Trung. Rồi với 2 cái máy tính đời 286 xin được của mấy người bạn ở Canada (mà phải chạy đôn đáo xin phép), Trung tâm Kỹ thuật điện tử - tin học ra đời, là hai đơn vị tiền thân của Đại học Duy Tân ngày nay.

Chỉ là trung tâm, nhưng đã liên kết đào tạo cao đẳng, cử nhân, kỹ sư với các trường đại học lớn trong nước. Rồi chuyện ông “liều mình” xin gặp Thủ tướng Võ Văn Kiệt để xin được giữ hai chữ “Duy Tân” tên trường, khi trước đó đã có ý kiến chỉ đạo phải đổi tên khác.

Ngày 11/11/1994, Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký Quyết định số 666/TTg cho phép thành lập Trường Đại học dân lập Duy Tân, ông Lê Công Cơ làm Chủ tịch HĐQT kiêm Hiệu trưởng đầu tiên. Năm 2015, trường đổi sang loại hình tư thục, thành Trường Đại học Duy Tân.

Và sáng nay, Chủ nhật ngày 10/11/2024, nhà trường long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập, và đón nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ chuyển Trường Đại học Duy Tân thành Đại học Duy Tân. Vậy là Duy Tân đã trở thành Đại học tư thục đầu tiên trên cả nước, và là 1 trong 8 cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam theo mô hình “Đại học đa ngành, đa lĩnh vực”.

*

Tổng công trình sư của 'đại học toàn cầu' ảnh 4

TS Hawkins trao tấm bằng tốt nghiệp đầu tiên cho sinh viên tại ĐH Duy Tân

Bộ phim tài liệu nhắc ở trên có tên “Còn lại chữ tình” của đạo diễn Trương Vũ Quỳnh (kịch bản Trương Minh Khuê – Tuệ Hằng) do VTV8 Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất, vừa được trao giải Cánh diều Bạc tại Lễ trao Giải thưởng Cánh diều Vàng 2024 tại Nha Trang tháng 9/2024. Phim cũng được chiếu tại Đại học Troy ở Mỹ cuối tháng 9 vừa rồi với tựa đề “Beyond a War” (Vượt qua cuộc chiến).

Đoạn cuối phim, TS. Hawkins nhớ lại “Khi chúng tôi tổ chức lễ tốt nghiệp đầu tiên của Đại học Troy tại Việt Nam là ngày 2/2/2008, một nữ phóng viên truyền hình bước đến đưa micro về phía tôi và hỏi “Ông thấy thế nào khi trở lại đây sau 40 năm?”. Lúc ấy không nghĩ ngợi gì cả, tôi nói luôn “Lần đầu tiên đến đây chúng tôi đã mang theo những viên đạn, và lần này trở lại, chúng tôi mang theo những cuốn sách”.

Một sự trùng hợp, ngày 11/11/1994 Trường Đại học Duy Tân ra đời, thì cũng năm ấy, Tổng thống Hoa Kỳ quyết định bãi bỏ lệnh cấm vận thương mại với Việt Nam, mở đầu cho bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Và sau một thời gian chuẩn bị, năm 2014 Đại học Duy Tân và Đại học Troy ký kết chương trình Du học tại chỗ tại Duy Tân.

Từ hai chiến tuyến, hai cựu binh đã gặp lại nhau trong khát vọng giáo dục vì hòa bình và hội nhập toàn cầu. Đúng theo những gì mà người sáng lập Duy Tân đã vạch ra, đó là “quốc tế hóa Đại học Duy Tân”.

Trong hai năm 2022-2023, Đại học Duy Tân là 1 trong 2 trường đại học đầu tiên tại Việt Nam được Times Higher Education (THE)xếp hạng trong top 500 trường đại học tốt nhất thế giới,và nằm trong top 100+ đại học tốt nhất châu Á; năm 2024 xếpvị trí top 601-800 thế giới.Theo bảng xếp hạng của Tổ chức Quacquarelli Symonds (QS), năm 2023 Đại học Duy Tân là 1 trong 3 trường đại học tại Việt Nam lần đầu tiên được QS xếp trong top 801-1000 trường đại học tốt nhất thế giới, năm 2024 thăng tiến lên top 500 với thứ hạng 514, cũng là trường đại học duy nhất của Việt Nam nằm trong top này. Cũng trong bảng này, Duy Tân ở vị trí 115 trường đại học tốt nhất châu Á. Đại học Duy Tân cũng nằm trong top 500-600 thế giới của các bảng xếp hạng Shanghai Ranking và Study Abroad Aide...

MỚI - NÓNG