Vài giờ sau khi Tổng thống Putin kết thúc bài phát biểu thông điệp liên bang, chính phủ Nga bất ngờ tuyên bố giải thể. Ông Dmitry Medvedev từ chức Thủ tướng, được bổ nhiệm chức Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang. Và ông Mikhail Mishustin - người đứng đầu Cơ quan Thuế liên bang được đề cử vào vị trí đứng đầu chính phủ.
Tất cả những động thái trên diễn ra chỉ trong buổi chiều 15/1.
Nga sắp có tân thủ tướng
Trước đó vài tiếng, ông Mishustin vẫn còn là cái tên xa lạ trên bản đồ chính trị thế giới. Thậm chí, không thể tìm được trang riêng về ông trên bách khoa toàn thư mở Wikipedia tiếng Anh.
Dù vậy, theo RT, không thể phủ nhận Mishustin là một nhà quản lý có năng lực. Dưới thời Mishustin, Cơ quan Thuế Liên bang Nga đã đạt được những thành tựu đáng kể.
Năm ngoái, tờ Thời báo Tài chính đặt biệt danh cho Mishustin là “người thu thuế của tương lai”, nhờ vai trò của ông trong việc đưa hệ thống thu thuế Nga trở thành một trong những hệ thống tiên tiến và hiệu quả nhất trên thế giới.
Ông Mikhail Mishustin. Ảnh: Sputnik
Ông Mishustin, giống Tổng thống Putin, là một người thích chơi khúc côn cầu, nhưng khá ẩn dật và nguyên tắc.
Ông Putin từng được mô tả bằng những đặc điểm tương tự hồi năm 1999. Và 21 năm sau, ông trở thành một trong những Tổng thống quyền lực nhất trên thế giới.
Lộ trình từ chức
Cũng trong hôm nay, tổng thống Putin dần vạch ra lộ trình cho việc rời khỏi Điện Kremlin.
Ông sẽ từ chức vào năm 2024, hoặc thậm chí sớm hơn, và ông dự định sẽ xóa bỏ mô hình “quyền lực tập trung” trong tay Tổng thống, từng được Boris Yeltsin giới thiệu vào năm 1993 với sự ủng hộ của Mỹ.
Theo RT, Tổng thống Putin có kế hoạch trao nhiều quyền lực hơn cho cấp dưới, đặc biệt là thủ tướng.
Ông cũng muốn tăng cường vai trò của Hội đồng Nhà nước - cơ quan mà ông có thể sẽ tham gia sau khi rời ghế Tổng thống.
Cơ quan này bao gồm những người đứng đầu các khu vực của Nga và các thành viên của chính quyền, thực hiện chức năng tư vấn.
Tổng thống Nga Putin và Thủ tướng Medvedev chiều 15/1. Ảnh: Sputnik
Ngoài ra, ông Putin còn muốn giới hạn nhiệm kì Tổng thống, để mỗi Tổng thống chỉ được nắm quyền tối đa 2 nhiệm kì, tương đương 12 năm ở Điện Kremlin.
Bản thân ông Putin đã giữ chức Tổng thống 16 năm.
Nhiệm kì Tổng thống của ông Putin gợi nhớ đến Franklin Delano Roosevelt, tổng thống bốn nhiệm kỳ duy nhất của Mỹ đã có công vực dậy đất nước sau thảm họa tài chính & xã hội.
Một trong những đề nghị sửa đổi Hiến pháp đáng chú ý khác của ông Putin là Tổng thống Nga tương lai phải sống ở Nga trong 25 năm liên tiếp trước khi nhậm chức, không có quốc tịch hoặc giấy phép cư trú nước ngoài.
Việc này giúp ngăn chặn phe đối lập ở Moscow nghiêng về phương Tây. Trên thực tế, nhiều chính trị gia Nga đã từng có thời gian sống bên ngoài lãnh thổ Nga.
Nếu quy định này được đưa ra từ năm 2000, thì bản thân ông Putin cũng không thể trở thành Tổng thống Nga, vì ông từng có thời gian sống ở Đức từ năm 1985 đến 1990.
Các điều khoản Hiến pháp sẽ được sửa đổi sau khi bỏ phiếu công khai, để đảm bảo dân chủ. Có thông tin cho rằng cuộc bỏ phiếu sẽ được tổ chức vào tháng Chín.
Trong thông điệp liên bang, ông Putin cũng đề cập đến một số vấn đề trong nước, như hứa tăng lương cho giáo viên, mở thêm nhiều cơ sở chăm sóc trẻ em, cung cấp bữa trưa miễn phí cho trẻ em trong 4 năm học đầu tiên, và kéo dài trợ cấp trẻ em thêm 48 tháng.
Về phần Medvedev, cựu Thủ tướng rời vị trí cánh tay phải của ông Putin, để chuyển sang một vị trí khác ít “sóng gió” hơn nhưng vẫn có uy tín nhất định, là Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang.
Sự ra đi của Thủ tướng Medvedev đã kết thúc quá trình 12 năm ông cùng Tổng thống Putin cai quản nước Nga.
Trước khi tiễn ông Medvedev rời Điện Kremlin lần cuối cùng với tư cách Thủ tướng, Tổng thống Putin nhấn mạnh “không phải mọi mục tiêu đều được hoàn thành” dưới thời Medvedev.
Tuy nhiên, ông Putin hy vọng quá trình chuyển đổi quyền lực - hiện đã bắt đầu ở Nga - sẽ diễn ra suôn sẻ.