“Đi tìm sự thật”, gặp khó thế nào?

TP - Tin mới nhất: Thành phố dịu dàng của Trần Nhuận Minh vừa được Cục Xuất bản In và Phát hành xác nhận đăng ký để được phép tái bản. Hai bài thơ Cục yêu cầu chỉnh sửa, tác giả đã bỏ khỏi tập, chỉ còn 46 bài.

Trước Thành phố dịu dàng, tháng 5 vừa qua Trần Nhuận Minh có tập tiểu luận Đi tìm sự thật cũng bị coi là có vấn đề. Lý do theo phía Cục Xuất bản:1/Trong sách có một số ý kiến về lịch sử không phù hợp, ví dụ: Trang 20-21 viết việc Trần Khánh Dư tham gia cuộc kháng chiến chống quân Nguyên: “...Còn chiến công năm 1258 của ông thì lại là một điều rất đáng ngờ, nếu câu “khi quân Nguyên sang cướp” được hiểu là khi giặc Nguyên xâm lăng Đại Việt lần thứ nhất (1258)...Cho nên cũng khó lòng mà tin được là Trần Khánh Dư đã lập công ở cuộc kháng chiến chống Nguyên lần thứ nhất, năm 1258”. 2/NXB phải giải thích rõ việc khác biệt giữa đăng ký xuất bản và thực hiện.

Lý do thứ hai đại để là vì, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học với sự đỡ đầu của NXB Hội Nhà văn đã đăng ký xuất bản đề tài cuốn Đi tìm sự thật gồm các tiểu luận văn học nhưng trong sách chủ yếu lại là tiểu luận lịch sử!

“Đi tìm sự thật”, gặp khó thế nào? ảnh 1 Bìa cuốn “Đi tìm sự thật”, khảo luận mới nhất của Trần Nhuận Minh.

Nghe qua vụ việc mới tinh này, cứ tưởng Trần Nhuận Minh “đánh đấm” gì danh tướng Trần Khánh Dư, hóa ra không phải. Trong tập Đi tìm sự thật, ông có bài tít là Người duy nhất có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên mà suốt đời không được phong thưởng - người đó theo Trần Nhuận Minh chính là Trần Khánh Dư! Còn phần “có vấn đề”, thì nằm ở bài Trần Khánh Dư có lập công trong cuộc kháng chiến chống Nguyên lần thứ nhất, năm 1258 hay không?

Trong tiểu luận này, chủ yếu tác giả đặt nghi vấn về tuổi tác, dẫn đến sử sách bị sai: Nếu Trần Khánh Dư tham gia cuộc “đánh úp” giặc Nguyên năm 1258 lúc 18 tuổi thì chả nhẽ ông thọ tới 100 tuổi âm (ông mất năm 1339). Nếu ông sinh năm 1242, nghĩa là 16 tuổi đã ra trận như Trần Quốc Toản mà mất năm 1339 thì thọ 98 tuổi âm? Lý lẽ của Trần Nhuận Minh: Ngày xưa thọ 70 đã hiếm lắm. Nếu Trần Khánh Dư thọ đến thế, nhất định Đại Việt sử ký toàn thư không thể bỏ qua, khi sách này đã ghi tuổi thọ của Trần Nhật Duật là 77 tuổi (âm). Tác giả nêu tuổi thọ của một số danh tướng nhà Trần để tham chiếu: Trần Liễu thọ 40 tuổi, Trần Quang Khải thọ 53, Trần Quốc Tảng 61...

Tóm lại, chuyện chẳng có gì mà rộn? Còn việc cuốn sách chủ yếu là tiểu luận lịch sử, chỉ vài tiểu luận văn chương nhưng đơn vị làm sách- Trung tâm Nghiên cứu Quốc học liên kết NXB Hội Nhà văn lại đăng ký đề tài rằng: “Tập tiểu luận là những khắc khoải, tìm tòi của tác giả với nền văn học hiện thực nước nhà”, quả có khó hiểu. Lỗi này không phải của tác giả tập sách.

MỚI - NÓNG
Giá vàng nhẫn tiếp tục giảm mạnh
Giá vàng nhẫn tiếp tục giảm mạnh
TPO - Sáng nay (15/11), giá vàng trong nước tiếp tục giảm mạnh theo giá thế giới. Giá vàng nhẫn giảm từ 500.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng/lượng về mốc 81 - 82 triệu đồng/lượng, tuỳ từng thương hiệu vàng.