Đi tìm niềm tin hư ảo

0:00 / 0:00
0:00
Ông thầy đang làm lễ
Ông thầy đang làm lễ
TP - Mùa đông vừa rồi, chú ruột tôi ra đi vĩnh viễn. Ở Cao Bằng, đồng bào dân tộc thiểu số vẫn giữ phong tục tổ chức tang lễ tại gia. Chú tôi sống ở huyện Bảo Lạc, một huyện xa xôi và còn nhiều khó khăn của tỉnh Cao Bằng. Dù vậy, tang lễ ở đây chưa đơn giản, gọn nhẹ, tiết kiệm chi phí. Nhà nào có người ra đi, cũng phải mời thầy đến. Gia đình chúng tôi cũng vậy.

Nghề thầy cúng ăn nên làm ra

Tôi hỏi chị dâu, người quán xuyến tang lễ: “Sao cứ nhất thiết phải mời thầy cúng?”. Chị đáp: “Ở đây, người Tày chúng ta làm thế. Không mời thầy không được. Phải mời thầy về làm lễ mới ấm nhà, ấm cửa”. Đáng ra, tang lễ chỉ diễn ra trong 3 ngày, song “đệ tử” của thầy, nói: Như thế chưa hết sách. Đưa người đã khuất lên thiên đàng phải làm hết sách, (ý là làm theo những chỉ dẫn trong sách cổ, nhưng cụ thể là cuốn sách cổ nào thì không ai trong nhà tôi được biết). Sau câu nói của “đệ tử”, thầy còn nói bảo: “Ba ngày mang đi cũng được nhưng không thể làm kịp, phải làm tắt, kiểu sơ lược vài gạch đầu dòng thôi. Gia đình có ân hận không?”. Thế là tang lễ kéo dài thêm một ngày nữa. Cũng may gặp tiết trời mùa đông lạnh giá, nếu người nằm xuống đúng dịp hè oi bức, thì ai dám chắc, nghe lời thầy cúng, không ảnh hưởng môi trường sống, sức khỏe của người ở lại?

Chị dâu tiết lộ: Mỗi ngày thầy và hai “đệ tử” ở lại chi phí 1,5 triệu đồng, chưa kể tiền lễ. Thầy sẽ ăn ở tại gia đình có người vừa khuất. Chỉ cần thầy và các đệ tử xuất hiện tại tang lễ, chưa cần tiến hành bất kể thủ tục nào, thì ngày ấy vẫn có “giá” 1,5 triệu đồng. Có khi nào thầy “chạy sô” không? Tôi hỏi chị dâu. Chị gật đầu: “Có chứ. Nếu nhà này chưa ra cửa, chưa xong, lại có đám khác, thầy vẫn nhận lời. Thầy không cần đến mà phái đệ tử sang trước”.

Những người thực hành tín ngưỡng đúng nghĩa ở vùng cao, có thể coi là những nghệ nhân, bởi họ lưu giữ phong tục, tập quán, tín ngưỡng, văn hóa của dân tộc mình. Nhưng hiện nay, không có nhiều người đạt đến ngưỡng nghệ nhân. Chị dâu tôi cười: “Nhiều thầy thất học, tiếng phổ thông chưa rành, nói gì chữ nho”. Ở quê tôi tang lễ, giỗ chạp mời thầy cúng; còn đầy tháng, nhiều gia đình gọi bà bụt về làm. Nghề thầy cúng hay bói toán ở vùng cao hái ra tiền. Các “đệ tử” của thầy thường là các con của thầy. Trong đám ma chú tôi, thầy dẫn theo hai đệ tử là hai con trai ruột. Trong ngày giỗ cha tôi, thầy đến nhà tôi làm lễ mang theo một “đệ tử”, cũng là con trai ruột của thầy. Nghề tốt nên “cha truyền con nối” chăng? Cũng có những người không sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nghề cúng bái, bói toán, bỗng dưng một ngày đẹp trời lại thành “thầy”, thành “cô”? Một câu chuyện có thật về một người phụ nữ tôi quen từ thuở ấu thơ khi còn sống ở vùng cao: Một dạo nghe tin chị bị bán sang Trung Quốc làm vợ người ta. Nhiều năm sau, chị chạy trốn thành công, trở về Việt Nam, sinh con đẻ cái. Chị làm nhiều nghề kiếm kế sinh nhai, từ rửa xe máy, buôn bán hoa quả, bán trứng… Bẵng đi khoảng một năm, chị mất hút, khi trở về ai cũng ngạc nhiên vì chị không còn là cô bán hoa quả hôm nao… Bỗng dưng chị mặc quần đỏ, áo nõn chuối, son phấn lòe loẹt, tự xưng là “cô của trời, của đất”. Rất nhiều người tin “cô”, đến nhà “cô”, quì mọp dưới chân “cô” lạy, xin “cô” giải hạn. Ngay những người trong họ hàng tôi, được chứng kiến cả hành trình đời sống của “cô” nhưng vẫn tin “cô”, khi có việc bối rối, hoạn nạn, lại trình “cô”, xin “cô” giúp.

Đi tìm niềm tin hư ảo ảnh 1

Ông thầy đang làm lễ

Người có học vẫn lạc vào u mê

Không chỉ ở vùng cao, vùng dân tộc thiểu số, vấn nạn mê tín dị đoan mới hoành hành. Ngay tại các thành phố, những trí thức cũng vẫn mải mê trong công cuộc đi tìm niềm tin hư ảo. Cô bạn tôi, một giáo viên cấp 3, khoa văn, đã chia tay chồng gần chục năm nay, đang sống ở Quảng Ninh. Thỉnh thoảng bạn về Hà Nội mua sắm, gặp gỡ bạn bè và… xem bói. Một giáo viên dạy văn có thể “đốt” cả ngày cho việc đi xem bói và vui, buồn theo kết quả mà thầy bói đưa ra, kể cũng lạ. Mới đây, sau khi gặp thầy, bạn hớn hở khoe: Số bạn sẽ được nhờ con. Sau này, con gái của bạn sẽ lập nghiệp ở nước ngoài, bạn sẽ theo con sang Tây. Chẳng biết tương lai ra sao nhưng thầy bói ít nhất cũng giúp bạn tôi phấn khởi suốt mấy ngày (!).

Đi tìm niềm tin hư ảo ảnh 2

Một số đồ lễ trong đám tang của người Tày ở Bảo Lạc, Cao Bằng. Ảnh: Đ.N

Nhưng bạn tôi, dù sao cũng may mắn, gặp thầy bói phán mấy câu “vô thưởng vô phạt”. Có những người tin thầy vừa mất tiền, vừa chịu cảnh gia đình tan tác. Trong cuộc chuyện phiếm với một anh bạn lớn tuổi tôi hỏi anh rằng, tại sao anh vẫn chỉn chu với vợ cũ và các con, mà phải li dị làm gì cho tội? Anh cười buồn: Tại cô ấy đi xem thầy. Thầy phán, hai người còn là vợ chồng, ắt gặp họa, một trong hai người sẽ phải ra đi sớm. Cô ấy nhất định đòi chia tay. Nói thế nào cũng không được. Dùng dằng khoảng đôi năm thì ra tòa. Chuyện chưa dừng lại, gần đây, đứa con trai út của anh chị sa vào một tệ nạn. Thay vì chữa bệnh tận gốc, kéo con ra khỏi vũng lầy, chị lại đi lễ khắp nơi. Anh nói rằng, chị bị “bệnh” cũng chẳng sai. Chị cũng là một trí thức.

Tôi cũng từng thử đi tìm niềm tin hư ảo. Cách đây hơn 6 năm, tôi theo chân em gái đến một ngôi đền được tiếng thiêng của đất Bắc rồi tới gặp một thầy nghe đồn cũng có tiếng. Tôi cũng hí hửng vì thầy nói về tôi toàn những điều tốt đẹp. Cứ tưởng cuộc đời sẽ thăng hoa sau đấy. Nhưng chỉ khoảng hơn một tháng sau, gia đình nhỏ của tôi xảy ra biến cố, tôi trở lại vạch xuất phát, là người “tự do”. Lúc đó, tôi trách người nhà, tại sao rủ tôi đi xem bói, để mất tiền oan? Người nhà phân tích: Có khi chia tay lại là chuyện hay cũng nên. Thầy nói có bao giờ sai? Vấp ngã nào chẳng khiến người ta khôn lên? Lý luận kiểu ấy thì thầy đúng, tôi sai.

Đi tìm niềm tin hư ảo ảnh 3

Một số đồ lễ trong đám tang của người Tày ở Bảo Lạc, Cao Bằng. Ảnh: Đ.N

Đang tồn tại 3 “trường phái”?

Đặt câu hỏi với một sư thầy “Vì sao xã hội ngày càng văn minh mà mê tín dị đoan vẫn còn đất sống?”. Ông đáp lại bằng một câu hỏi nghi vấn: “Phú quí sinh lễ nghĩa chăng? Khi người ta có tiền tỷ thì bỏ ra vài trăm, vài triệu, khá đơn giản. Cứ kiểu thừa hơn thiếu, âm dương cách biệt, cũng chẳng biết đúng hay sai”.

Giải thích “Phú quí sinh lễ nghĩa” cũng đúng nhưng hình như chưa đủ. Nhiều người không xông xênh tài chính vẫn tin vào hư ảo đó thôi? Sư thầy cho rằng, bây giờ trong xã hội đang tồn tại 3 “trường phái”: “Trường phái hiểu biết gạt bỏ được mê tín dị đoan. Những người này chỉ làm đúng, làm đủ, không làm thừa. Bởi họ có lòng tin sâu sắc về nhân quả và sự hiểu biết về Phật giáo, cũng như văn hóa tín ngưỡng dân gian, Nho giáo… Nên cái cần gạt bỏ họ sẽ gạt ngay. Trường phái thứ 2, là những người hiểu biết lửng lơ, mỗi thứ một chút, nên cứ làm, thừa còn hơn thiếu. Trường phái thứ 3, là những người không hiểu biết, thấy người ta làm như nào cũng bắt chước làm theo”. Trong 3 “trường phái” đang tồn tại, có lẽ trường phái 2 và trường phái 3 lực lượng áp đảo. Những người am hiểu Phật giáo, tín ngưỡng dân gian, Nho giáo… đâu có nhiều trong đời sống gấp gáp hôm nay?

MỚI - NÓNG