Đi tìm bức tranh Đức mẹ Việt Nam ở thành Rome

0:00 / 0:00
0:00
Giáo hoàng John Paul II tại nhà khách Poyer Ảnh: tư liệu
Giáo hoàng John Paul II tại nhà khách Poyer Ảnh: tư liệu
TP - Bức tranh “Đức Mẹ Việt Nam” lừng danh của cố hoạ sỹ Nam Phong - con chiên của Giáo phận Phát Diệm (Kim Sơn, Ninh Bình), trải qua 67 năm lịch sử thăng trầm ở thành Rome (Italy) giờ ra sao?

Kỳ 1: Thăng trầm

Ðức Mẹ Việt Nam, dấu ấn hội nhập văn hóa

Theo quốc lộ 10 từ TP Ninh Bình về vùng đất Kim Sơn khoảng trên 20km, nơi đây là cái nôi Công giáo hay còn gọi là Vatican ở Việt Nam. Mảnh đất cũng nổi tiếng bởi kiệt tác Nhà thờ đá Phát Diệm. Phía ngoài nhà thờ được tô điểm với mái đao uốn cong cùng các pho tượng ngự trên đài sen…đặc sắc của văn hoá phương Đông. Phía trong là vòm cuốn cao vút với những bức tượng điêu khắc hình ảnh Đức trinh nữ Maria, các thánh tông đồ…đặc sắc của văn hoá phương Tây.

Nối tiếp truyền thống, họa sỹ Nam Phong đã để lại tác phẩm Đức Mẹ Việt Nam khiến giới chức sắc Công Giáo từ Việt Nam đến thành Rome đều phải ngả mũ.

Chia sẻ với phóng viên Tiền Phong, họa sỹ Hòa Bình, con trai của cố họa sỹ Nam Phong cho biết, cha tôi đã ấp ủ từ lâu ý tưởng phóng tác về hình Đức Mẹ mang phong cách duyên dáng, đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam. Có lẽ, ý tưởng này xuất phát từ những lần ông đến thánh đường dự lễ, quỳ gối cầu nguyện, chiêm ngắm những bức tượng mẹ Maria, Gia đình Thánh Gia, các thánh tông đồ...

Khi tròn 36 tuổi (năm 1953), họa sỹ Nam Phong đã mang hết tâm huyết để vẽ bức tranh Đức Mẹ Việt Nam với kích thước 100x140cm. Khi hoàn thiện, bức tranh được đem đến dự triển lãm tranh mở rộng do chính quyền bảo hộ tổ chức cho nhiều họa sỹ mọi miền nước Việt tại thị trấn Phát Diệm (Kim Sơn).

Bức tranh Đức Mẹ Việt Nam lúc đó thu hút được sự chú ý của đông đảo quần chúng. Cuộc triển lãm diễn ra một tuần tại phố Phú Vinh, cạnh cầu ngói Phát Diệm. Nhiều giáo dân trên đường đi lễ qua khu vực triển lãm, họ chiêm ngắm bức tranh Đức Mẹ Việt Nam với sự phấn khởi lẫn tự hào.

Thông tin này sớm chuyển tới Giám mục Tadeus Lê Hữu Từ (1897-1967), là chủ chăn của Giáo phận Phát Diệm thời điểm đó. Giám mục mời họa sỹ Nam Phong đến Tòa Giám mục để giải trình.

Hành trình đến thành Rome

Sau tuần triển lãm, họa sỹ Nam Phong đưa bức tranh vào giải thích ý nghĩa, giá trị…và Giám mục Lê Hữu Từ rất hài lòng về bức tranh này. Giám mục ngỏ ý muốn đưa bức hình qua Roma để trưng bày và được họa sỹ Nam Phong đồng ý. Bức tranh Đức Mẹ Việt Nam đã được đưa qua Roma vào cuối năm 1953.

Để làm rõ ngọn nguồn bức tranh Đức Mẹ Việt Nam, chúng tôi đã đặt câu hỏi với hoạ sỹ Hoà Bình và một số cha cố rằng, trong bối cảnh xã hội Việt Nam có nhiều biến động phức tạp, liệu Giám mục Tadeus có đi Roma vào cuối năm 1953 không?

Thêm nữa vào thập niên 50, thế kỷ XX, phương tiện đi lại giữa Việt Nam và châu Âu chủ yếu bằng đường thủy. Một số linh mục lớn tuổi đã từng du học cho biết, tới thập niên 60, từ Sài Gòn đi châu Âu có hai lựa chọn, tàu thủy hoặc tàu bay. Đi tàu bay cũng mất cả tuần vì phải dừng lại ở nhiều nơi để đón khách, hoặc tiếp nhiên liệu, hoặc đợi chuyến bay tiếp theo. Nếu Giám mục Lê Hữu Từ tới Roma trong một thời gian ngắn vào cuối năm 1953, liệu có thể tổ chức cuộc triển lãm tranh tại Roma đúng nghĩa như người ta đồn đoán?

Năm 1950 Giám mục Lê Hữu Từ cùng một số giám mục, linh mục, giáo dân Việt Nam đã tới Roma mừng Năm Thánh. Liệu cuối năm 1953, Giám mục Lê Hữu Từ có đi Roma nữa hay ngài đã gửi ai đó đưa bức tranh tới? Trước những khúc mắc này, PV Tiền Phong đã truy tìm tư liệu, nguồn gốc, đường đi của bức tranh.

Sau thời gian gần 2 tháng, chúng tôi đã liên lạc được với linh mục John Đinh Công Lịch- người Phát Diệm và một số linh mục người Việt lớn tuổi có thâm niên sinh sống ở Roma. Ngoài ra, chúng tôi cũng thu thập được nhiều nguồn tài liệu làm sáng tỏ về bức tranh Đức Mẹ Việt Nam.

Theo đó, linh mục John đã lục lại tài liệu, thông tin về những cuộc triển lãm nghệ thuật nói chung và nghệ thuật Công giáo nói riêng từ năm 1953-1954, tại các thư viện và bảo tàng nổi tiếng ở Roma, nhưng không có chút thông tin nào về bức tranh “Đức Mẹ Việt Nam” của họa sỹ Nam Phong.

Tuy nhiên, linh mục John và một số linh mục khác ở Rome đã tìm thấy cuốn kỷ yếu về các linh mục, chủng sinh Việt Nam tại Trường truyền giáo Urbano-Roma, ghi lại các sinh hoạt của nhóm linh mục và chủng sinh Việt Nam du học tại Roma và một số sự kiện liên quan tới Giáo hội Việt Nam vào cuối năm 1953.

Bức tranh Ðức Mẹ Việt Nam có được trưng bày ở Roma?

Phải chăng Giám mục Tadeus muốn đưa bức tranh tới trưng bày tại nhà Quản lý Việt Nam (Procura Vietnamita), nay là Foyer Phát Diệm tại Roma mà Giám mục mới ủy quyền cho linh mục Luca Trần Văn Huy (qua đời 1993) quản lý.

Linh mục Đinh Công Lịch nhận định, trong chuyến đi châu Âu và Italy của Giám mục Tadeus vào cuối năm 1953, khi xã hội Việt Nam có nhiều biến động, cùng với bộn bề công việc nên không có chủ đích triển lãm tranh, không đủ thời gian để làm thủ tục in ảnh Đức Mẹ Việt Nam tại Rome. Giám mục Tadeus vội trở về Việt Nam vào đầu năm 1954, lo liệu công việc và tháng 6/1954, thì di cư vào Nam cùng hầu hết linh mục đoàn và đông đảo bà con giáo dân Phát Diệm. Sau biến cố di cư năm 1954, Giám mục Tadeus vẫn tiếp tục đặt các linh mục trông coi và điều hành nhà Foyer Phát Diệm tại Roma.

Trong cuốn kỷ yếu viết tay dày 325 trang, ghi các sự kiện từ ngày 20/8/1937, tới ngày 4/3/1973, trong đó, trang 244 ghi “ngày 11/12/1953, Giám mục Tadeus tới thăm trường”. Căn cứ các nguồn thông tin, tài liệu, linh mục Đinh Công Lịch khẳng định, cố họa sỹ Nam Phong đã trao tận tay Giám mục Tadeus bức tranh Đức Mẹ Việt Nam để trưng bày ở Roma và Giám mục Tadeus có mặt ở Roma cuối năm 1953 là chính xác.

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG