Đi thực tập chỉ để nhận giấy thông hành

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Đạo diễn Phạm Ngọc Hiền nêu lên điều này tại tọa đàm Thực trạng chương trình đào tạo ngành quản lý văn hóa so với Thông tư 17 năm 2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, do khoa Quản lý Văn hóa, nghệ thuật Đại học Văn hóa TPHCM tổ chức ngày 24/4.

Đạo diễn, TS. Phạm Ngọc Hiền (Trung tâm Ca nhạc nhẹ TPHCM) nhìn nhận có một số rào cản về kỹ năng ở các bạn trẻ khiến đơn vị mất khoảng 6 tháng đến một năm để đào tạo lại.

Đi thực tập chỉ để nhận giấy thông hành ảnh 1

TS. Phạm Ngọc Hiền trao đổi tại tọa đàm. Ảnh: Ngô Tùng

TS. Hiền cũng cho rằng sinh viên khối ngành quản trị sự kiện, quản lý văn hóa cần được thực hành nhiều hơn với việc liên kết, gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp. Nếu có liên tịch, liên kết hợp tác giữa các đơn vị với nhà trường thì các khoa, lớp có điều kiện thực hiện ý tưởng, dự án, qua đó giúp sinh viên trở nên giỏi giang, sáng tạo.

“Cơ quan tôi tiếp nhận nhiều bạn sinh viên thực tập, nhưng không dám giao việc, chỉ cho các bạn chỉnh phục trang, đạo cụ hoặc những việc đơn giản. Hết 3 tháng thực tập và nhận “giấy thông hành” về trường thì hơi tiếc. Muốn giao việc cho các bạn lắm nhưng các bạn không nắm được quy trình vì các bạn chưa được cọ xát thực tiễn”, TS. Phạm Ngọc Hiền nêu thực tế.

Theo ông Nguyễn Phi Hải, Phó Giám đốc Nhà thiếu nhi quận Bình Thạnh, hiện nay là thời đại của công nghiệp văn hóa, chuyển đổi số nhưng sinh viên chưa cập nhật kịp xu thế này. Thực tiễn cuộc sống đặt ra yêu cầu các bạn cần tiếp cận nhanh để khi ra trường có thể đáp ứng nhanh yêu cầu công việc. Mặt khác, bạn trẻ ngày nay cũng cần nắm bắt cách quản lý, cách ứng xử văn hóa trên không gian mạng.

Ông Nguyễn Trường Chinh, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa TP. Dĩ An (tỉnh Bình Dương) cho rằng phải xem xét chương trình đào tạo trên tổng thể ở cả Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Thông tin và Truyền thông.

“Sinh viên khi cầm tấm bằng quản lý nhà nước ra thì đều có thể làm việc được ở cả hai bộ, đồng thời cũng có thể nhận diện được các sự kiện và hoạt động văn hóa”, ông Chinh bày tỏ.

TS. Vũ Thị Phương, Phó trưởng khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật Đại học Văn hóa TPHCM cho biết trong khuôn khổ chương trình đào tạo không thể đưa hết học phần vào chương trình bắt buộc.

TS. Phương cho rằng có thể “mang” các học phần ra ngoài, học tại hiện trường, hay đến các chương trình trực tiếp của đối tác nhà trường... Qua đó phần nào đáp ứng những mong đợi, yêu cầu cơ bản của đơn vị tuyển dụng.

Đi thực tập chỉ để nhận giấy thông hành ảnh 2

Các đại biểu nhìn nhận cần tăng cường nội dung đào tạo gắn với thực tiễn cho sinh viên.

MỚI - NÓNG