> Lãnh đạo TP Hà Nội yêu cầu xử nghiêm “sưa tặc”
> Cây sưa 400 tuổi bị chặt trộm cành giữa đêm bão
Cùng thời điểm trên, nhè lúc giờ tý canh ba, một Cây di sản khác là “cụ” sưa 400 tuổi bên cạnh đình Đông Cốc (xã Hà Mãn, Thuận Thành, Bắc Ninh) bị kẻ trộm phạt mất một cành to, coi như cụt một tay.
Được biết quanh ngôi đình này có ba ông cháu nhà sưa, lần lượt 400, 200 và 50 tuổi. Năm 2007, ông sưa cháu 50 tuổi đã bị chặt bán, khuyến mãi thêm một nhánh sưa cụ 400 tuổi được cả thảy 1 tỷ đồng, dùng để trùng tu đình.
Rồi từ cuối năm ngoái, đến lượt cụ sưa 200 tuổi bị rao bán với giá 50 tỷ đồng, cũng nhằm tu sửa đình và nâng cấp hạ tầng địa phương. Các chuyên gia than thở, rằng dù chả có luật nào cấm, nhưng bán cây để sửa đình thì khác gì chặt tay bán lấy tiền để chữa bệnh đau mắt. Rồi vứt cây đi, đình chùa như người ở trần !
Không rõ cái cành sưa ấy làm được chuyện tâm linh kỳ bí gì, hay xay ra làm thuốc bổ?! Nhưng khi cây di sản nơi thì đòi nhổ bán, nơi thì được vinh danh, cho thấy còn quá nhiều chuyện về di sản. Khi Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11 năm nay mang chủ đề quá chi tiết như một lời kêu gọi: “Văn hóa du lịch Di sản xanh, nơi gặp gỡ con người và thiên nhiên”.
Đây đã là năm thứ 8 nước ta có Ngày Di sản, nhưng di sản nhiều nơi vẫn bị ứng xử một cách tệ hại. Thành cổ Sơn Tây nhiều lần “trùng tu” theo kiểu xây mới, có những đoạn thành mới tinh dài tới 6-7 trăm mét lừng lững. Ba năm trước, thành nhà Mạc (Tuyên Quang) trên 400 năm rêu phong tuyệt đẹp bỗng chốc bị “gọt đầu bôi vôi”, trở thành một cái lò gạch đỏ au thô thiển, xấu xí. Pháo đài cổ kính này coi như đã “thất thủ” vĩnh viễn.
Sự xung khắc giữa bảo tồn văn hóa và sự tồn tại đời sống dân sinh nghiệt ngã đến mức dân làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) đồng loạt viết đơn xin “trả lại” danh hiệu di sản.
Thực ra xung khắc trên chỉ là bề nổi, ẩn giấu bản chất về sự thờ ơ, phó mặc của những tập thể, cá nhân có trách nhiệm trước di sản cũng như đời sống người dân sống trong di sản. Có dự án, tiền tươi rót về là hối hả trùng tu xây mới thành quách lấy được.
Bất biết những giá trị lịch sử, văn hóa bị tước mất không thể nào tìm lại được, dù có cả núi tiền. Người dân Đường Lâm có lẽ không may mắn bằng dân Hội An, hàng loạt những di tích thành quách kia cũng không may mắn bằng Chùa Cầu, Mỹ Sơn…
Lãnh đạo Hội An từng từ chối số tiền tài trợ khổng lồ của nước ngoài dành cho việc trùng tu Chùa Cầu, để tự bảo tồn theo cách riêng của mình, đảm bảo giữ nguyên gốc di tích. Bây giờ, di sản Hội An gánh một nửa ngân sách cho tỉnh Quảng Nam, nhưng vẫn phát triển hài hòa mọi mặt.
Việt Nam vừa lần đầu tiên trở thành ủy viên Ủy ban Di sản thế giới. Tin vui, cũng là gánh nặng. Thách thức không chỉ về khả năng, mà còn về thái độ trách nhiệm cũng như ứng xử văn hóa trước hết với chính di sản của nước mình.