Dệt may Việt Nam : Sẽ tiếp tục vượt qua sóng gió

Dệt may Việt Nam : Sẽ tiếp tục vượt qua sóng gió
TP - Vượt qua “sóng gió” của năm 2007, ngành dệt may (DM) đã đạt kết quả kinh doanh ấn tượng với giá trị xuất khẩu khoảng 7,8 tỉ USD, tăng 31% so với năm ngoái. Năm 2008, DM muốn chinh phục thử thách lớn hơn khi đặt ra tham vọng đạt kim ngạch xuất khẩu tới 9,5 tỉ USD. 
Dệt may Việt Nam : Sẽ tiếp tục vượt qua sóng gió ảnh 1
Sản phẩm vải và quần áo may sẵn tại Hội chợ Hàng VN chất lượng cao             Ảnh: Phạm Yên

Thưa ông, năm 2007, ngành DM phải lăn lộn với rất nhiều “sóng gió”, khó khăn, nhưng vẫn đạt giá trị kinh doanh cao, vượt xa kế hoạch đặt ra. Ông có thể phân tích kỹ hơn những mặt thuận và không thuận mà ngành DM gặp phải trong năm qua cũng như thời gian tới?

Chủ tịch Tập đoàn dệt may Việt Nam Lê Quốc Ân: Với sự nỗ lực của doanh nghiệp, sự quản lý nhạy bén của Chính phủ, các bộ ngành, đặc biệt là Bộ Công thương, ngành DM Việt Nam năm 2007 đã đạt được những kết quả khả quan và được thể hiện trên nhiều mặt. Đầu tư vào ngành DM tăng mạnh, kể cả đầu tư trong nước và nước ngoài.

Các doanh nghiệp trong nước tăng mạnh đầu tư vào ngành kéo sợi. Năng lực sản xuất sợi, vải và hàng may mặc tăng trưởng khoảng 20%. Thị trường trong nước phát triển mạnh mẽ với hệ thống cửa hàng thời trang, trung tâm bán lẻ, kể cả các nhãn hiệu nổi tiếng của nước ngoài cũng có mặt tại Việt Nam.

Nhiều nhà sản xuất trong nước như Vinatex, Ninomax, Việt Tiến, Nhà Bè, Hanosimex... đã tạo được mạng lưới, thu hút đông đảo khách hàng tại thị trường nội địa. Sức mua của thị trường trong nước tăng 15%. Xuất khẩu toàn ngành năm 2007 đạt khoảng 7,8 tỉ USD, tăng 31% so với 2006.

Tuy nhiên, DM Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn do phải cạnh tranh mạnh mẽ với các cường quốc DM trên thế giới, đặc biệt là với Trung Quốc, khi họ được dỡ bỏ hạn chế xuất khẩu vào thị trường châu Âu từ đầu năm 2008.

Cơ chế giám sát chống bán phá giá hàng DM Việt Nam của Mỹ vẫn còn duy trì, tiếp tục làm các nhà nhập khẩu lớn của Mỹ lo ngại, nên chưa mạnh dạn tăng đơn hàng.

Đó là chưa kể tình trạng thiếu lao động cục bộ tại các thành phố lớn, các khu công nghiệp; vấn đề tranh chấp lao động; áp lực tăng lương và đời sống của người lao động cũng gây khó khăn cho các doanh nghiệp.

Tình trạng lạm phát, nhất là xu hướng tăng giá nhiên, nguyên liệu cũng ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp.

Ông vừa nhắc tới cơ chế giám sát chống bán phá giá hàng DM Việt Nam của Mỹ, liệu tới đây phía Mỹ có sớm dỡ bỏ cơ chế phi lý này không khi mà vừa qua họ không chứng minh được hàng DM Việt Nam bán phá giá?

Mặc dù Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố chính thức chưa tìm được bất cứ dấu hiệu nào cho thấy ngành DM Việt Nam bán phá giá vào thị trường Mỹ, nhưng DOC thông báo vẫn tiếp tục thực hiện cơ chế giám sát cho đến hết 2008.

Vì vậy, các doanh nghiệp DM Việt Nam cần hợp tác chặt chẽ với các nhà nhập khẩu, để thực hiện những đơn hàng có chất lượng và giá trị cao, tránh những đơn hàng đơn giản có giá trị thấp. Đồng thời, mở rộng thị trường xuất khẩu, tránh tập trung quá lớn vào một vài thị trường chính như hiện nay.

Để tiếp tục duy trì là một trong những ngành đóng góp lớn nhất cho tổng kim ngạch xuất khẩu của nền kinh tế, những chiến lược lớn mà ngành DM hướng đến trong giai đoạn tới là gì, thưa ông?

Một trong những trở ngại lớn của ngành DM Việt Nam là 70% nguyên, phụ liệu phải nhập khẩu từ nước ngoài. Tới đây, ngành cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án để tăng năng lực sản xuất, đặc biệt là các dự án sản xuất vải và nguyên, phụ liệu.

Tập trung thực hiện chương trình sản xuất 1 tỉ mét vải phục vụ xuất khẩu theo chỉ đạo của Bộ Công thương. Đồng thời khẩn trương xây dựng hai trung tâm cung ứng nguyên, phụ liệu tại Hà Nội và TPHCM. Tập trung thực hiện chiến lược thời trang hoá ngành DM Việt Nam theo hướng đẩy mạnh hoạt động thiết kế, sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Xây dựng hình ảnh ngành DM Việt Nam theo hướng “Chất lượng - Thời trang - Thân thiện môi trường”.

Đi liền với đó là cải thiện đời sống người lao động cùng với xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa: Phối hợp với đại diện người lao động xây dựng thang bảng lương và điều kiện lao động chuẩn trong toàn ngành theo từng khu vực; tích cực cải thiện mối quan hệ lao động, chấm dứt tình trạng đình công bất hợp pháp trong ngành; thực hiện chương trình đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt chú trọng đến các chuyên gia trung, cao cấp về thị trường, công nghệ và quản trị doanh nghiệp chuyên ngành.

Tăng cường hệ thống thông tin chiến lược toàn ngành DM, để cung cấp kịp thời cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước. Mở cửa thị trường đi liền với chống lại các rào cản thương mại của thế giới; hạn chế tối đa tác động tiêu cực của chương trình giám sát chống bán phá giá mà DOC áp đặt...

Bá Sửu - Hữu Hòe (thực hiện)

MỚI - NÓNG