Dệt may đối mặt thách thức cung ứng nguyên liệu theo chuỗi

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo các doanh nghiệp, đa dạng nguồn cung cấp nguyên liệu, tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước để đầu tư, hình thành các nguồn cung nguyên liệu mới sẽ là một trong những giải pháp giúp ngành dệt may vượt qua được những thách thức liên quan đến cung ứng nguyên liệu theo chuỗi trong thời gian tới.

Theo Bộ Công Thương, đến nay mới có khoảng 30% doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu. Điều này cho thấy sự kết nối giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI chưa chặt chẽ.

Báo cáo mới đây của Sở Công Thương Nghệ An cho thấy, dệt may là một trong lĩnh vực có kim ngạch xuất khẩu lớn của tỉnh khi có tới hơn 60 nhà máy đang hoạt động với sản lượng sản phẩm may 60 triệu sản phẩm/năm; Sợi 18.000 tấn/năm. Dù kim ngạch khá cao so với các địa phương khác nhưng thực tế cho thấy, giá trị tuyệt đối của ngành dệt may Nghệ An khá thấp xuất phát từ hàm lượng giá trị gia tăng trong sản phẩm thấp

Đến nay, sản phẩm hang dệt may của Nghệ An đã có mặt tại 20 thị trường trên thế giới như Hàn Quốc, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản,... Dệt may của tỉnh đạt kim ngạch cao do thu hút được nhiều dự án FDI quy mô. Tuy nhiên, theo đánh gía của Sở Công Thương Nghệ An, ngành dệt may của tỉnh vẫn đang phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu nguyên phụ liệu và thuần làm gia công nên luôn trong tình trạn bị động về đơn hang.

Cùng với đó, giá trị gia tăng trong mỗi sản phẩm đạt thấp, năng suất lao động chưa cao đang là những điểm yếu của ngành dệt may. Quy mô sản xuất cũng đang là vấn đề khi các doanh nghiệp phải đối mặt với tình trạng thiếu chủ động nguồn cung về nguyên phụ liệu sản xuất.

Theo tính toán, hiện trên toàn tỉnh chỉ có duy nhất một nhà máy sợi của Công ty cổ phần Dệt may Hoàng Thị Loan với sản lượng 20.000 tấn sợi/năm và một cơ sở thêu với quy mô lao động 150 - 200 người thêu các phụ kiện cho các nhà máy may và một số cơ sở dệt thủ công khác. Với hạ tầng và quy mô như vậy, việc cung ứng nguyên liệu, sản xuất theo chuỗi của tỉnh gặp nhiều khó khăn và doanh nghiệp thường rơi vào vòng luẩn quẩn nhập bông về xe sợi, sau đó bán sợi rồi lại nhập vải. Tình trạng doanh nghiệp phải xuất khẩu sợ sang Trung Quốc rồi lại nhập vải về cũng là điểm yếu chung của các doanh nghiệp trong ngành thời gian qua.

Dệt may đối mặt thách thức cung ứng nguyên liệu theo chuỗi ảnh 1

Các doanh nghiệp dệt may đang đối mặt những thách thức về cung ứng nguyên liệu theo chuỗi. Ảnh: Như Ý

Theo đánh giá của Sở Công Thương Nghệ An, trên địa bàn tỉnh hiện nay, khả năng liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài còn yếu, phần lớn các doanh nghiệp nội địa chưa tham gia được vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn đang hoạt động tại Việt Nam.

Để phát triển công nghiệp hỗ trợ, UBND tỉnh hàng năm đã bố trí ngân sách hỗ trợ từ 2-2,5 tỷ đồng để hỗ trợ cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, do nguồn vốn ít nên không tạo được sức bật cho doanh nghiệp.

“Giai đoạn tới, Nghệ An sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành sản xuất sẵn có trên địa bàn tỉnh. Với ngành dệt, nhu cầu về vải thành phẩm phục vụ ngành may từ nay đến năm 2030 tăng thêm 2.500 triệu mét. Chỉ có gia tăng tỷ lệ nội địa hóa mới đảm bảo cho doanh nghiệp làm chủ sản xuất, giảm giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh, đặc biệt trong bối cảnh các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới yêu cầu về quy tắc xuất xứ, sợi và vải phải sản xuất tại Việt Nam, sử dụng tại Việt Nam hoặc ở các nước trong khối FTA thì mới được chứng nhận quy tắc xuất xứ và được hưởng thuế ưu đãi. Vì vậy, các doanh nghiệp dệt may phải tập trung phát triển theo chuỗi, tạo chuỗi liên kết trong quá trình sản xuất”, Sở Công Thương Nghệ An cho hay.

Về việc tham gia chuỗi cung ứng, theo ông Nguyễn Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM cho rằng, ngành dệt may Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức khi nhu cầu, số đơn hang từ một số thị trường lớn như Mỹ, EU suy giảm.

Cùng với đó, nhiều quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản…vẫn đang áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt chống dịch, gây ảnh hưởng không nhỏ đến chuỗi cung ứng và tiêu thụ sản phẩm dệt may Việt Nam. Yêu cầu truy xuất nguồn gốc bông, vải, sợi, yêu cầu xanh hóa dệt may từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cũng là vấn đề các doanh nghiệp dệt may đang đối mặt.

Vì vậy, theo ông Hồng, các doanh nghiệp trong ngành dệt may cần đa dạng nguồn cung cấp nguyên liệu, tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước để đầu tư, hình thành các nguồn cung nguyên liệu mới để giúp các doanh nghiệp tăng tính chủ động trước những diễn biến khó lường của tình hình thế giới.

Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Phạm Tuấn Anh cũng cho rằng, để ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tham gia sâu hơn, nhiều hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, trong thời gian tới các doanh nghiệp cần thúc đẩy tăng cường liên kết, nâng cao sự vững chắc trong chuỗi cung ứng cho những ngành sản xuất chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, điện tử, công nghiệp chế biến…

Theo số liệu của Bộ Công Thương, hiện cả nước có khoảng 5.000 doanh nghiệp chế biến tham gia cung cấp linh kiện phụ tùng cho nhóm ngành hàng ô tô, cơ khí. Xét theo từng ngành hàng, 64% doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ hoạt động trong ngành dệt may, da giày cung cấp cho thị trường trong nước và chỉ có 3% cung cấp cho doanh nghiệp FDI, 9% doanh nghiệp xuất khẩu và 27% doanh nghiệp cung cấp cho cả hai thị trường.

Trong lĩnh vực cao su, nhựa, hoá chất, số doanh nghiệp cung cấp cho trường trong nước chiếm 52%, hoàn toàn cho xuất khẩu là 4%, 44% còn lại cung cấp cho cả hai thị trường.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.