Theo Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, những tác động của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết và sự chuyển dịch mạnh đơn hàng giúp doanh nghiệp trong nước có đơn hàng dồi dào trong quý III và quý IV đã giúp ngành dệt may cán đích ngoạn mục với kim ngạch lên tới 44 tỷ USD trong năm 2024. Đây là con số rất có ý nghĩa với ngành dệt may nếu nhìn vào mức tăng trưởng âm của năm 2023.
Với đà phục hồi mạnh mẽ của các đơn hàng, năm 2025, ngành dệt may Việt Nam đặt mục tiêu dự kiến tăng trưởng khoảng 10% so với năm 2024, đạt kim ngạch khoảng 47 - 48 tỷ USD. Điểm thuận lợi với các doanh nghiệp hiện nay là các doanh nghiệp dệt may hầu hết đã có đơn hàng cho quý I/2025 và đã bắt đầu đàm phán các đơn hàng cho quý II/2025.
Tuy nhiên, theo ông Giang, cùng với sự tăng trưởng, các cơ hội mới, các doanh nghiệp ngành dệt may cũng đang phải đối mặt những thách thức mới trong năm 2025. Cụ thể, bên cạnh việc giá đơn hàng thấp, trong khi chi phí đầu vào tiếp tục tăng, việc các nhãn hàng có những sự thay đổi lớn trong cách mua hàng cũng như các quy định liên quan đến thanh toán, giảm sản lượng. Áp lực giảm giá đơn hàng đi cùng các các quy định mới với các tiêu chí, tiêu chuẩn khắt khe liên quan đến ‘xanh hoá’ trong sản xuất, tự chủ nguồn nguyên liệu… là những vấn đề trước mắt các doanh nghiệp dệt may tiếp tục phải đối mặt trong năm tới.
Theo Chủ tịch VITAS, để hướng tới đáp ứng mục tiêu tăng trưởng bền vững của các nhà nhập khẩu, bản thân các doanh nghiệp dệt may tiếp tục phải nỗ đầu tư, công nghệ hóa, robot hóa quy trình sản xuất, nâng cao năng suất lao động, tối ưu hoá chi phí đồng thời triển khai quyết liệt các giải pháp tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo trong sản xuất để đạt các chứng chỉ xanh - tiêu chí bắt buộc cho các đơn hàng vào các thị trường lớn hiện nay.