Thua lỗ
Chia sẻ với báo chí, Tổng Giám đốc May 10, ông Thân Đức Việt cho biết, bản thân May 10 luôn nhận được câu hỏi từ phía đối tác: Bao giờ Chính phủ kiểm soát được dịch? Bao giờ May 10 sản xuất ổn định, hoặc tỷ lệ sản xuất ổn định là bao nhiêu? “Từ tháng 7 đến nay, May 10 phải làm một báo cáo chưa từng có trong tiền lệ, đó là báo cáo về tỷ lệ tiêm vắc - xin cho người lao động. Nếu có tỷ lệ lao động được tiêm cao, đối tác sẽ đặt hàng đến quý IV/2021, và 2 quý đầu năm 2022, còn không, họ sẽ chấm dứt hợp đồng”, ông Việt cho hay.
Báo cáo tài chính của các doanh nghiệp dệt may công bố mới đây cho thấy, doanh thu của các doanh nghiệp dệt may đã sụt giảm đáng kể sau nhiều tháng liên tiếp phải áp dụng giãn cách xã hội. Công ty Dệt may Thành Công (TCM) cho biết, doanh thu tháng 8 của đơn vị này chỉ đạt 10,5 triệu USD (tương đương 238 tỷ đồng), giảm mạnh 23% so với cùng kỳ năm trước. Công ty bị lỗ sau thuế 282.425 USD (tương đương 6,4 tỷ đồng), trong khi cùng kỳ năm trước lãi 1 triệu USD (tương đương 22,7 tỷ đồng). Lũy kế 8 tháng, doanh thu của TCM đạt 106 triệu USD, lợi nhuận sau thuế 5,48 triệu USD (tương đương 124 tỷ đồng), giảm 24,4% so với cùng kỳ năm trước.
Theo TCM, nguyên nhân doanh thu và lợi nhuận sụt giảm mạnh là tình hình dịch bệnh phức tạp, đơn vị thực hiện làm việc giãn cách nên năng suất lao động ngành may không đạt kế hoạch. Trong khi đó, chi phí hoạt động theo phương thức 3 tại chỗ cao, dẫn đến biên lợi nhuận gộp không cao và lỗ sau thuế.
Tổng công ty May Nhà Bè (MNB) cũng ghi nhận khoản lỗ sau thuế nửa đầu năm nay là 31 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2020 lỗ 16,5 tỷ đồng.
Mất một số đơn hàng cho năm 2022
Chịu tác động nặng nề từ dịch COVID-19 và giãn cách xã hội kéo dài, mới đây, 7 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng may mặc lớn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã gửi thư kêu cứu tới Thủ tướng Chính phủ. Các doanh nghiệp cho biết, đang đối mặt nguy cơ phá sản, vì hầu hết các khách hàng đã thông báo hủy đơn hàng, phạt bằng cách yêu cầu phải xuất hàng bằng máy bay đối với những hợp đồng đã ký. Hàng hóa phải bán theo mùa, khách hàng không thể tiếp tục chờ đợi trong vô vọng. Trong khi bản thân các nhà sản xuất cũng đã mua nguyên vật liệu sản xuất với chi phí lên đến hàng ngàn tỷ đồng.
“Từ tháng 7 đến nay, May 10 phải làm một báo cáo chưa từng có trong tiền lệ, đó là báo cáo về tỷ lệ tiêm vắc - xin cho người lao động. Nếu có tỷ lệ lao động được tiêm cao, đối tác sẽ đặt hàng đến quý IV/2021, và 2 quý đầu năm 2022, còn không, họ sẽ chấm dứt hợp đồng”.
Ông Thân Ðức Việt, Tổng Giám đốc May 10
Nghiêm trọng hơn, hiện tại đang là thời điểm phát triển mẫu cho mùa sau nhưng doanh nghiệp đã không thực hiện được đơn hàng. Có nghĩa là, sang năm 2022, các doanh nghiệp sẽ không có đơn hàng để duy trì hoạt động. Theo các doanh nghiệp, để lấy được 1 đơn hàng, doanh nghiệp phải đầu tư và phát triển mẫu trước ít nhất 6 tháng và phải cạnh tranh với rất nhiều đối thủ, nếu để mất một mùa thì sẽ mất luôn khách hàng và thị trường.
Theo đánh giá của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, trong những tháng cuối năm 2021, ngành dệt may vẫn tiếp tục đối mặt nhiều thách thức do dịch COVID-19 đang phức tạp ở khu vực phía Nam. Điều này có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng, do các công ty không thể vận chuyển nguyên liệu và thiếu nguồn nhân lực để đảm bảo thời gian giao hàng. Điều mà các doanh nghiệp dệt may lo ngại chính là giãn cách kéo dài trong khi chưa thể mở cửa sản xuất, khách hàng không thể chờ đợi và rục rịch chuyển đơn hàng sang các quốc gia khác.