Người thì tấm tắc về vẻ đẹp và hương vị trác tuyệt đến kinh điển của đời sống qua nghệ thuật ẩm thực, nhiều người lại “chê bai”, rằng phim chậm đến… buồn ngủ, rằng quá duy mỹ, “quý tộc hết thời”…
Nhớ tròn 30 năm trước vào mùa hè năm 1994, tôi có cuộc phỏng vấn đạo diễn Trần Anh Hùng khi ông vừa về từ lễ trao giải Oscar. Năm ấy, phim Mùi đu đủ xanh lọt vào danh sách cuối cùng 4 phim tranh giải Phim nước ngoài hay nhất, nghĩa là tiến còn sâu hơn Muôn vị nhân gian tại Oscar mới đây.
Câu hỏi đầu tiên của tôi là về phim Xích lô chuẩn bị khởi quay vào cuối năm đó. “Như vậy phim nói về cuộc đấu tranh giữa Thiện và Ác. Cuối cùng cái Thiện vẫn thắng?”. Đáp “Không biết có phải Hùng nói lên điều đó không, hay là nói lên cái Thiện và cái Ác phải sống chung với nhau”. Hỏi về khán giả Việt Nam, chàng đạo diễn khi đó 32 tuổi nói thẳng “Hùng chỉ sợ khán giả Việt Nam mình bị hư vì những phim rẻ tiền của HK. Nó làm mất đi cái chất “tươi” trong tâm hồn, và người ta sẽ không chịu ra đời lần thứ hai nữa. Có nghĩa là không chịu sáng tạo trong cảm thụ… Người làm phim phải đầu tư thật nhiều về nghệ thuật, không thể chạy theo người xem mà làm hư mình đi”.
Muôn vị nhân gian khiến tôi nhớ đến Đi tìm thời gian đã mất của văn hào Pháp Marcel Proust. Dám chắc không chỉ người Việt, mà độc giả khắp thế giới, không phải ai cũng “tiêu hóa” được lối viết dòng ý thức siêu phàm cùng những mùi vị và hương sắc thấm đẫm mọi chiều thời gian vi tế của chiếc bánh madeleine, ánh trăng, chiếc lá, tháp chuông nhà thờ… Nhưng rồi bộ tiểu thuyết đồ sộ ra đời từ hơn thế kỷ trước ấy đã được xếp vào 10 tác phẩm văn chương hay nhất mọi thời đại. Nghệ thuật dù thuộc về số đông hay số ít, khó hay dễ, buồn ngủ hay rộn ràng cười khóc rồi cũng qua, cuối cùng vẫn là nó có đủ sức giúp con người ta được “ra đời lần thứ hai” với những váng vất chiêm nghiệm chiêm cảm về cõi nhân gian này hay không?
Ngày này 3 năm trước, tôi có bài viết kể về lần đầu tiên sau 30 năm người dân bang Punjab Ấn Độ mới có thể nhìn thấy lại đỉnh núi Himalaya tuyết phủ sát bên cạnh mình. “Kỳ tích” ấy đơn giản chỉ vì giữa đại dịch, con người bị nhốt hết trong nhà, không còn ai xả khói bụi ô nhiễm ra môi trường. Ví dụ ấy có liên quan gì đến phẩm tính của khán giả/độc giả Việt hôm nay không? Chắc chắn là có. Khi tốc độ đời sống và công nghệ cuốn đi tất cả. Khi nhà nhà làm nghệ thuật tìm mọi cách chiều thị hiếu công chúng bằng những món ăn nhanh, hợp thời và chóng quên. Tất nhiên điều ấy cuối cùng cũng chẳng chết ai, nhưng chỉ vậy thì buồn quá.
Đẹp và buồn là tên một tiểu thuyết của nhà văn Nhật Bản Kawabata, người tạo ra một thứ khí quyển lạ lùng cho đời sống này ngoài những tầng khí quyển quen thuộc trên bầu trời. Trong đó nói rằng mỗi con người đều trôi trên những dòng thời gian khác nhau.
Ừ, làm sao để mỗi sinh linh chúng ta có được một bầu khí quyển và dòng thời gian tâm thức cho riêng mình?