Quy trình đeo vòng truy xuất cho heo liệu có đảm bảo thịt sạch đến tay người dân - đồ họa: Ngọc Lâm.
Đeo hộ
Bà Nguyễn Thị Hường – chủ trại nuôi heo Hai Hường (H. Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) đang xuất bán 10 con heo cho thương lái. Sau khi thống nhất giá, thương lái lùa heo lên xe, cả người bán lẫn người mua đều không ai nhắc đến việc đeo vòng truy xuất và kích hoạt vòng này. Nơi đây cũng không có lực lượng thú y giám sát và kích hoạt vòng khi heo ra khỏi trại.
Khi về điểm tập kết, thương lái mới đổ đống vòng đã mua trước đó và phân công người làm đeo vòng cho heo. Mỗi con heo được đeo sợi dây màu vàng vào hai chân sau, sau đó đưa lên thùng xe tải chở lên TPHCM. Giá tiền mỗi vòng là 3.000 đồng, mỗi con heo đeo 2 cái. Số tiền mua vòng sẽ được thương lái trừ vào tiền mua heo.
Bà Hường cho hay, không biết nơi nào bán vòng và không biết cách kích hoạt nên bà chưa bao giờ mua vòng này. Hơn nữa là hộ nuôi nhỏ lẻ, bà Hường cũng không được hỗ trợ 50% tiền mua vòng nên để lái lo tất. Còn theo một thương lái chuyên thu mua heo đưa về TPHCM giết mổ, tiền vòng là 6.000 đồng cho một con heo, mua bao nhiêu con thì tính bấy nhiêu tiền. “Chúng tôi phải cử người đi mua vòng cũng tốn kém 200.000 đồng mỗi lần chứ ít gì. Vì vậy, mỗi lần mua 2 - 3 thùng, mỗi thùng 500 cái để dùng dần” – người này nói.
Theo đúng quy trình của đề án đeo vòng truy xuất nguồn gốc thịt heo vào thành phố, người chăn nuôi sẽ đăng ký thông tin để Sở Công Thương TPHCM cấp cho trại của họ một mã (code) riêng. Người nuôi sẽ trực tiếp đeo vòng cho heo và nhập mã này vào từng chiếc vòng để kích hoạt thông tin truy xuất từ địa chỉ trại, ngày giờ xuất chuồng, số lượng heo…
Tuy nhiên, trên thực tế, người nuôi không trực tiếp đeo vòng cho heo vì không thể có được mã cũng như vòng truy xuất. Do đó, để bán được heo, người chăn nuôi phải đối phó bằng cách phó mặc cho thương lái việc đeo vòng, nhập mã . “Tuy nhiên, có trường hợp có hộ chăn nuôi chưa đăng ký với Sở Công Thương, nếu mình không mua họ bán cho người khác là mình mất mối. Vì vậy khi mua, mình đeo vòng vào rồi kiếm một mã trại nào đó kích hoạt, nhằm đối phó để đưa được heo vào thị trường TPHCM” – lái heo tên T. tiết lộ.
Vì đâu nên nỗi?
Số liệu từ Sở Công Thương TPHCM cho thấy, mức tiêu thụ thịt heo của toàn thành phố khoảng 10.000 con/ngày, trong đó 1.700 con vào kênh tiêu thụ hiện đại (siêu thị, cửa hàng tiện lợi…), 8.300 con tập trung chủ yếu tại hai chợ đầu mối là Hóc Môn và Bình Điền. Tuy nhiên, trong suốt 8 tháng triển khai việc truy xuất nguồn gốc thịt heo, đến nay, số liệu cho thấy có khoảng 65% thịt nhập vào chợ được kích hoạt số liệu khi đưa vào các cơ sở giết mổ nhưng chỉ 35% thịt ra khỏi lò mổ có thông tin. Tính chung, chỉ khoảng 17-18% lượng thịt nhập vào chợ đầu mối có đầy đủ thông tin được kích hoạt qua các kênh.
Tại cơ sở giết mổ Bình Tân, nơi giết mổ tập trung có sản lượng tăng gần 50%, từ 1.000 con lên 1.400-1.500 con/ngày sau khi cơ sở giết mổ Xuyên Á tạm ngưng hoạt động. Trong đó, 30% số heo có đeo vòng nhưng thông tin không đầy đủ và không tham gia đề án. Sau khi heo được mổ xong rất ít chủ hàng cập nhật thông tin tiếp trên hệ thống, một số xe chở thịt heo từ cơ sở Bình Tân chuyển đi các chợ đầu mối không có niêm phong vòng màu trắng theo quy định của đề án. Một số xe chở thịt trong nội thành TPHCM không được kẹp chì.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa – Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM thừa nhận, việc thiếu cập nhật thông tin truy xuất nguồn gốc thịt heo được thực hiện tại các lò mổ tỉnh là “thách thức” lớn cho cả thương nhân lẫn đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo của TPHCM. Lý do thương lái đưa ra là không có cán bộ thú ý nhập số liệu. Đại diện chợ đầu mối Bình Điền cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu thông tin là cán bộ thú y và chủ lò mổ ở tỉnh không phối hợp hỗ trợ kích hoạt vòng truy xuất khi heo ra khỏi lò. Song theo ông Hòa, thú y một số tỉnh lại cho rằng do thương lái… không yêu cầu.
Ông Nguyễn Trí Công – Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cho rằng, TPHCM đang đi đúng hướng là tìm kiếm cơ hội cho người tiêu dùng hưởng thực phẩm sạch. Tuy nhiên, giải pháp “chiếc vòng” vẫn cần nhiều thời gian để hoàn thiện. “Chúng ta có luật, có Ban quản lý An toàn thực phẩm thì nên quy về một mối, để Ban này được quyền kiểm tra, giám sát. Tôi nghĩ nhà nước nên dùng luật để quản lý thực phẩm. Nhà sản xuất, siêu thị, đơn vị cung cấp nào làm sai sẽ phải chịu trách nhiệm” – ông Công chia sẻ.
Ngày thứ 2 áp lệnh giới nghiêm, heo có nguồn gốc gia tăng
Sở Công Thương TPHCM cho biết, trong đêm 16, rạng ngày 17/10,số heo về TPHCM là 10.243 con; trong đó khoảng 1.600 con vào hệ thống phân phối hiện đại, hơn 8.600 về chợ đầu mối. Số lượng heo được kích hoạt thông tin tại cơ sở chăn nuôi là 10.073 con (98%); heo có thông tin tại cơ sở giết mổ là 7.998 con (78%); heo có đầy đủ thông tin ở chợ đầu mối là 4.550 con (44%).