Đến Hà Nội, lãnh đạo Mỹ - Triều 'không thể về tay trắng'

Xe của Tổng thống Donald Trump chạy trên phố Hà Nội - Việt Nam. Ảnh: Như Ý
Xe của Tổng thống Donald Trump chạy trên phố Hà Nội - Việt Nam. Ảnh: Như Ý
TP - Chịu sức ép lớn từ tình hình quốc tế và nhu cầu trong nước, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un khi đến gặp nhau tại Hà Nội sẽ phải đạt được kết quả cụ thể nhất định. Những kết quả đó dù khiêm tốn nhưng sẽ giúp hạ nhiệt tình hình và mở đường cho các giai đoạn tiếp theo.

Đó là đánh giá của PGS.TS. Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng ĐH KHXH&NV (ĐHQG Hà Nội) trong cuộc trao đổi với PV Tiền Phong ngày 27/2, vào thời điểm hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên chuẩn bị gặp nhau vào buổi tối và bước vào hội nghị thượng đỉnh sáng nay.

PV: Theo ông có những yếu tố nào tác động lên cuộc gặp thượng đỉnh lần này?

PGS.TS. Phạm Quang Minh: Theo tôi, yếu tố đầu tiên là bối cảnh quốc tế. Thời kỳ trật tự thế giới 2 cực từ hậu Chiến tranh lạnh đã qua hơn 20 năm rồi. Hiện nay người ta hay nói đến trật tự thế giới một siêu đa cường, nhưng Mỹ cũng đang bị nhiều quốc gia khác cạnh tranh. Tổng thống Mỹ Donald Trump đang muốn định hình trật tự thế giới, muốn giải quyết các vấn đề lớn của toàn cầu, trong đó có vấn đề hạt nhân Triều Tiên.

Thứ hai, Tổng thống Trump đang chịu áp lực rất lớn trong nước sau khi trải qua một kỳ bầu cử giữa kỳ khó khăn, căng thẳng và để mất Hạ viện vào tay đảng Dân chủ. Những thành tựu mà ông đạt được chủ yếu là về kinh tế, về công ăn việc làm. Còn chính trị Mỹ hiện tại rất rối, nhiều quan chức Nhà Trắng phải ra đi. Vì thế, ông Trump muốn giải quyết vấn đề quốc tế lớn như hồ sơ Triều Tiên để nâng cao uy tín của mình. 

Trong khi đó, Triều Tiên đang trải qua rất nhiều khó khăn kinh tế. Ngoài phát triển tên lửa và hạt nhân, Triều Tiên cũng có nhu cầu phải đổi mới và phải cải cách để nâng cao đời sống của người dân. Vì thế, Chủ tịch Triều Tiên cũng muốn gặp Tổng thống Trump để đạt được tiến bộ nhất định, sau khi thoả thuận họ đạt được ở Singapore bị đánh giá là mơ hồ. 

Đến Hà Nội, lãnh đạo Mỹ - Triều 'không thể về tay trắng' ảnh 1 PGS.TS Phạm Quang Minhảnh: TS

Nếu đúng là hai bên tại thượng đỉnh lần này sẽ nhất trí tuyên bố kết thúc chiến tranh, lập văn phòng liên lạc, cho phép thanh sát viên quốc tế vào Triều Tiên để giám sát quá trình dỡ bỏ cơ sở hạt nhân Yongbyon như báo chí đưa tin mấy ngày qua thì ông có đánh giá đó có phải bước tiến đáng kể của Mỹ và Triều Tiên?

Vấn đề hạt nhân Triều Tiên đã nóng suốt nhiều năm qua. Vũ khí huỷ diệt hàng loạt là quan tâm của cả thế giới, nhưng không thể giải quyết trong ngày một ngày hai. Sau chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, các bên liên quan mới đạt được hiệp định đình chiến, nên về mặt kỹ thuật họ vẫn ở trong tình trạng chiến tranh, vì thế cũng không thể phát triển chính trị, kinh tế được. Khát vọng hoà bình trên bán đảo Triều Tiên rất lớn. Nếu hai bên đạt được những thoả thuận như vậy sẽ làm giảm sức nóng trên bán đảo. Việc Mỹ và Triều Tiên tuyên bố kết thúc chiến tranh và mở văn phòng liên lạc hay mở kênh liên lạc là vô cùng cần thiết. Trước đây, khi Mỹ tuyên bố chấm dứt cấm vận Việt Nam vào năm 1994, hai bên cũng bắt đầu từ việc mở văn phòng liên lạc và tìm kiếm, trao trả hài cốt, sau đó tiến tới bình thường hoá quan hệ.

Tổng thống Trump hay nói đến quan hệ cá nhân với Chủ tịch Kim. Theo ông, quan hệ cá nhân của họ có vai trò như thế nào đối với kết quả thượng đỉnh?

Cả Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim đều là những người rất đặc biệt. Ông Trump là một doanh nhân thành đạt, có đầu óc thực dụng và chỉ tin vào cảm nhận của bản thân mình. Ông đại diện cho một tầng lớp có tư tưởng thực tế, tận dụng tối đa quyền hành pháp của mình, thể hiện trong những vấn đề như quyết định rút quân khỏi Syria, quyết xây bức tường biên giới với Mexico, hạn chế người nhập cư, quyết đối đầu với Trung Quốc về thương mại...

Bản thân ông Kim và ông Trump đều là những người khó đoán nhưng cương quyết. Ông Trump thậm chí còn muốn nhận giải Nobel Hoà bình. 

Ông Kim là người tiếp nối truyền thống chính trị của gia đình, nhưng cũng có đột phá.

Khi ông lên nắm quyền lúc tuổi đời còn rất trẻ, ít ai tin ông có thể lãnh đạo tốt. Nhưng đến nay ông ấy đã thể hiện là người có tầm nhìn chiến lược, có khả năng lãnh đạo và giải quyết vấn đề một cách quyết đoán.

Cả hai nhà lãnh đạo đều có đầu óc thực tế, có sự hiểu biết và tôn trọng nhau. Và họ đều chịu áp lực không thể ra về tay trắng.

Cảm ơn ông. 

MỚI - NÓNG