Đen đủi đời ngư phủ

Đen đủi đời ngư phủ
TP - Thoát chết trong vụ đắm tàu 4 tháng trước, vết thương chưa lành, anh vừa uống thuốc vừa ra khơi, những mong kiếm cá trả nợ. Rồi tàu anh lại chìm, 8 thuyền viên chết, mất tích, để lại mẹ già, con nhỏ, một đống nợ nần…

> Chìm tàu, 8 thuyền viên chết và mất tích
> Cứu 4 ngư dân bị chìm thuyền trên biển

“Làm nghề đánh cá luôn phải chấp nhận rủi ro!”, hơn bốn tháng trước, Vũ Long Biên, chàng ngư phủ xã Quỳnh Long (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An), người thoát chết thần kỳ sau khi tàu cá của anh bị bão tố đánh đắm, đã nói với tôi như vậy.

Ký ức kinh hoàng

Hơn bốn tháng trước, Vũ Long Biên được ngư dân Quảng Trị cứu vớt lên thuyền sau những giờ phút kinh hoàng vật lộn với tử thần, khi tàu cá của anh bị sóng đánh chìm và chàng ngư phủ đã kiệt sức sau một ngày trôi dạt trên biển. Gặp tôi, chàng trai miền bãi ngang có gương mặt sạm đen, đôi tay rắn chắc ấy kể lại hành trình 24 giờ lênh đênh giữa cảnh mưa dập gió vùi và đói, rét hành hạ.

Ngư phủ Vũ Long Biên (trái) kể lại vụ đắm tàu bốn tháng trước
Ngư phủ Vũ Long Biên (trái) kể lại vụ đắm tàu bốn tháng trước.

“Sáng ngày 5/8/2013, hai chiếc tàu đánh cá mang số hiệu NA 93391-TS và NA 93789-TS nhổ neo chạy ra ngoài đảo Mắt. Khi chúng tôi đang đánh bắt hải sản thì đài báo có bão”, Biên kể.

Thuyền nhổ neo, nổ máy chạy vào Vũng Áng (Hà Tĩnh) tránh bão. Trên đường chạy bão, hai chiếc tàu bỗng nhiên chết máy. Các thuyền viên khẩn cấp gọi bộ đàm liên lạc tàu bạn, nhưng không có tín hiệu trả lời.

Tàu NA 93789-TS do bốn anh em Bùi Chuân, Lê Híu, Vũ Long Biên và Trần Thắng trú tại thôn Minh Thành, xã Quỳnh Long góp tiền đóng mới, trên tàu có 7 thuyền viên, do anh Lê Híu (SN 1967) cầm lái. Sau nhiều giờ vật lộn với sóng dữ, tàu bị đánh đắm lúc 17h ngày 7/8. Không có áo phao, Vũ Long Biên vớ được tấm xốp.

Cùng lúc đó, Nguyễn Xuân Sơn (thôn Đại Tân, xã Quỳnh Long), bạn chài của Biên, trôi dạt đến gần chỗ Biên. Hai anh em bị sóng đánh bật ra xa, mất liên lạc với các thuyền viên tàu NA 93789-TS ngay sau khi tàu bị chìm.

Quỳnh Long có 171 tàu thuyền, chủ yếu là tàu có gắn sào chụp mực, câu cá hố lưới rê với hơn 1.000 thuyền viên. Ngư dân toàn xã được trang bị 140 máy bộ đàm, 140 máy định vị, 67 máy dò cá, 42 chiếc Icom.

Chuyến ra khơi đầu tiên đã gặp nạn, Sơn tỏ ra hoảng loạn. “Chúng tôi vừa bơi vừa động viên nhau. Có lúc nản quá, Sơn bật khóc nức nở”, Biên kể. Gần nửa đêm ngày 7/8, gió mạnh hơn, tấm xốp cứu sinh bị xé nát thành nhiều mảnh. Hai chàng ngư phủ vật vờ trôi theo dòng hải lưu, tiến dần về phía Quảng Bình, Quảng Trị. Cơn đói ập đến, kèm theo cơn khát cồn cào gan ruột.

“Trong đêm, bọn em nhìn thấy vài ánh đèn câu mực, mỗi lần như thế, hai người lại cố sức bơi đến chỗ có ánh đèn nhưng càng bơi càng kiệt sức, ánh đèn cuối cùng cũng mất hút”, Biên kể.

Theo kinh nghiệm của dân đánh cá, Biên bảo Sơn xé từng mảnh xốp bỏ vào mồm nhai, như thế vừa đỡ lạnh vừa tránh bị cấm khẩu dẫn đến tê cứng, bất động toàn thân.

Qua một đêm dài lênh đênh trên biển trong làn nước giá lạnh buốt, Biên, Sơn nhường nhau mặc chiếc áo phao và bám vào mảnh xốp mặc cho sóng đưa đẩy. Đói, hai anh em phải ăn cọng rau, cá sống bắt gặp trên đường đi. Đến chiều 8/8, sau 24 giờ chống chọi với bão tố, họ được thuyền đánh cá của ông Bùi Đình Dũng (ngư dân huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) cứu sống và sau đó sang tàu của Hải đội 2, Biên phòng Nghệ An để vào đất liền.

Nợ nần chồng chất

“Nghề đi biển đánh cá luôn phải chấp nhận rủi ro”. Bốn tháng trước, trở về từ cõi chết, Vũ Long Biên nói với tôi như vậy, khi kể lại những phút giây kinh hoàng mà anh và đồng nghiệp đã trải qua. Không có điều kiện để đi xuất khẩu lao động, chàng ngư phủ đành ở lại quê nhà Quỳnh Long bám biển.

Vụ đắm tàu diễn ra chưa bao lâu, vết thương trên cơ thể vừa liền sẹo, anh lại lên tàu theo bạn chài ra khơi. Một lần nữa, tàu cá của thuyền viên Biên bị đắm, khiến anh tử nạn.

Nỗi đau mất người thân của gia đình ngư phủ
Nỗi đau mất người thân của gia đình ngư phủ.

Chúng tôi có mặt tại thôn Minh Thành, khi thi thể hai anh Vũ Long Biên, Bùi Thanh Hoài vừa được chính quyền địa phương và gia đình đưa từ xã Kỳ Phú (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) trở về.

Gia đình cho biết, cả hai thuyền viên tử nạn đều mới góp chung vốn, mỗi người góp 200 triệu đồng để đóng chung tàu đánh bắt cá xa bờ, chiếc tàu vừa ra khơi được hai chuyến thì chìm.

Ông Vũ Quang Trung, bố Biên, kể: “Trước lúc đi biển, Biên vẫn chưa hết đau tay do vết thương cũ tái phát, vẫn còn uống thuốc, nhưng vì khoản tiền lãi vay nóng quá lớn nên con tôi phải vừa ra khơi, vừa uống thuốc chữa trị”.

Bà Trần Thị Xứ, mẹ Biên, không còn nước mắt khóc con. Nước mắt bà đã cạn trong những đêm ngóng đợi tin tức con trai, trong những đêm gió mưa bão bùng.

 Cứ hy vọng vay vốn cho con làm ăn để nuôi mẹ già, con thơ. Nào ngờ mất tiền mất của, mất con, để lại nợ nần

Bùi Thị Cửu

“Nhà có 3 anh em thì anh và chị nó đã lập gia đình, nó là con út, học xong lớp 7 thì gia đình vay tiền để nó đi xuất khẩu lao động sang Đài Loan đánh cá. Bao năm ở xứ người cũng không đủ trả nợ, nó về nước, cưới vợ rồi vay vốn hai lần chung tàu để lại một cục nợ với người vợ và đứa con mới hai tháng tuổi. Giờ mẹ góa con côi, biết vay mượn ở đâu để trả cho nó số tiền khổng lồ đó?”.

Khi chúng tôi có mặt thì chị Bùi Thị Vân (SN 1989) đã cùng con nhỏ về bên ngoại để “nhường” chỗ cho chiếc quan tài của chồng.

Ông Vũ Quang Trung, một cựu chiến binh, lo sẽ không có nhà ở vì số tiền lãi hằng tháng vượt quá khả năng chi trả, khi thuyền tan, con mất. Ông lẩn thẩn đi ra đi vào như cái bóng không hồn bên thi thể con trai trong chiếc quan tài lạnh giá.

Chủ tịch xã Quỳnh Long, ông Trần Quang Vệ, nói hai ngư phủ xấu số cùng 6 ngư dân khác trên con tàu cá NA 93240-TS đánh bắt hải sản trên đường chạy vào đất liền cảng cá Lạch Quèn thì gặp nạn.

“Khoảng 4 giờ sáng ngày 9/12 , khi còn cách Lạch Quèn 17 hải lý, tàu mất liên lạc hoàn toàn với đất liền. Có khả năng do va chạm với tàu hàng hành trình lúc trời tối, dẫn đến chìm tàu”, ông Vệ nhận định.

Trưa 16/12, chính quyền địa phương xã Quỳnh Long và người nhà của chủ tàu NA 93240 - TS nhận được thông tin từ UBND xã Kỳ Phú, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh có 2 thi thể nam giới trôi dạt vào bờ biển xã Kỳ Phú. Sau khi nhận dạng, đúng là thuyền viên Vũ Long Biên (SN 1985) và thuyền viên Bùi Thanh Hoài (SN 1977).

Bà Bùi Thị Cửu, mẹ anh Hoài, khóc: “Cứ hy vọng vay vốn cho con làm ăn để nuôi mẹ già, con thơ. Nào ngờ mất tiền mất của, mất con, để lại nợ nần”. Vợ của anh Hoài, chị Bùi Thị Lý (SN 1984) cùng 3 con nhỏ vật vã bên bàn thờ chồng, thờ cha. Đứa thì chập chững biết đi, đứa đang còn ẵm trên tay. Bà Cửu mất chồng sớm, không tái giá, nhận Hoài về nuôi để mong nương tựa lúc tuổi già. Bà Cửu lặng nhìn mấy đứa cháu côi cút đang đứng ngơ ngác bên chiếc quan tài...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.