Đến Đồng Văn say men rượu mạch

Hoa tam giác mạch mới nở có màu trắng, sắp tàn sẽ chuyển thành màu đỏ.
Hoa tam giác mạch mới nở có màu trắng, sắp tàn sẽ chuyển thành màu đỏ.
TP - Chúng tôi đến thị trấn Đồng Văn khi lễ hội hoa tam giác mạch do chính quyền địa phương tổ chức vừa hạ màn.  Mà cuộc vui, lễ lạt nào lúc tàn chẳng giống nhau: Cờ phướn rũ rượi, cây cỏ ngả nghiêng, cánh hoa vương vãi.

Người ta đa phần đổ xô lên Đồng Văn dịp cuối năm để xem hoa tam giác mạch, để đứng giữa cánh đồng bạt ngàn bông màu trắng, màu phớt hồng chụp ảnh “tự sướng” để rồi đưa lên “phây” khoe với thiên hạ rằng ta đã đến Đồng Văn. 

Hương vị dân dã

Nhưng chúng tôi lên đây không phải để chụp ảnh, nên tàn hội cũng không sao. Có lẽ một phần là kẻ phàm phu tục tử nên tôi quan tâm đến thứ rượu làm từ cây tam giác mạch hơn là hoa của chúng. Có lẽ bà con người Mông ở đây cũng chung cái bụng với tôi. Bởi xưa nay người Mông ở Hà Giang không trồng tam giác mạch để ngắm, hay để người dưới xuôi lên đây tạo dáng chụp ảnh. “Mình lấy bột tam giác mạch làm bánh, nấu rượu uống”, Sùng A Lùng ở thị trấn Đồng Văn bảo.

“Tôi cầm ly rượu trong vắt như mắt mèo lên. Cảm giác nồng nồng ngai ngái của rượu ngô Bắc Hà, lại có tí ngăm ngăm, cuối vị chuyển ngọt dịu của vodka”.

Có tài liệu nói cây tam giác mạch thuộc họ rau răm, còn có tên là mạch ba góc, kiều mạch, lúa mạch đen... Cũng có người bảo vì lá hình tam giác nên gọi là cây tam giác mạch. Riêng tôi thấy lá giống hình lá cây khoai nước, hoặc “thanh nhã” hơn là giống hình trái tim cách điệu. Anh Lùng bảo, hạt tam giác mạch nghiền thành bột, làm bánh, nấu cháo, nấu rượu, làm thức ăn cho vật nuôi đều được. Lá có thể nấu canh. Vị canh nấu từ lá tam giác mạch lúc đầu có thể khiến người lạ thấy không quen vì ngai ngái, nhưng cũng là một thứ vị khác lạ đặc trưng của địa phương. Còn nếu không muốn chờ đợi ủ men hay xay thành bột, chỉ việc đem hạt tam giác mạch đi rang trên bếp củi cũng có một món đặc sản địa phương, vừa dân dã vừa khác lạ, thứ mà du khách luôn thèm muốn.

Cây tam giác mạch có ở nhiều nơi vùng núi phía Bắc chứ không chỉ Đồng Văn. Dân Lào Cai cũng trồng tam giác mạch và chế thành nhiều loại rượu được xem là đặc sản: rượu Bản Phố, Nậm Pung...

Tam giác mạch không cần nhiều nước nên thích hợp với vùng cao khô cằn. Quả là rất phù hợp với cao nguyên đá Đồng Văn quanh năm thiếu nước. Thứ hoa tách ra đơn lẻ thì không có gì nổi bật, sắc nhạt nhòa, hương chẳng có. Nhưng giữa đất trời mênh mang, giữa điệp điệp trùng trùng đá núi như quang cảnh một miền đất nào đó thời tiền sử, những cánh đồng tam giác mạch sáng bừng lên vẻ đẹp dân dã mà khoáng đạt, tự do.

Một vụ tam giác mạch thường kéo dài 3 tháng, tính từ khi gieo hạt đến khi thu hoạch. Thường thì người dân sẽ gieo tam giác mạch sau vụ lúa. Để có bột tam giác mạch, hạt được phơi khô rồi xay nhỏ. Người ta làm bánh tam giác mạch bán khắp các chợ vùng cao.

Sau khi dạo vài vòng quanh thị trấn Đồng Văn, thăm những ngôi nhà hàng trăm năm tuổi, ghé qua chợ Đồng Văn, một công trình mang dấu ấn của người Pháp, xây toàn bằng đá, chúng tôi ghé một quán ven đường.

Men say vùng cao nguyên đá

Trời cuối năm lạnh se se và nó nhắc ta đến một thứ không thể không thử nếu đã đến Đồng Văn: Rượu tam giác mạch. Ông chủ quán mang ra một chai rượu trong vắt, nhãn mác đầy đủ. Dù gì thì Đồng Văn cũng là điểm đến du lịch nổi tiếng nhất Hà Giang, là “thánh địa” của dân phượt cả tây lẫn ta. Nghe nói mỗi vùng lại có một loại rượu với tên gọi khác nhau, tuy cùng làm từ tam giác mạch. Ở Xín Mần có rượu Cốc Pài. Ở Đồng Văn thì gọi đơn giản là rượu tam giác mạch.

Thào A Chử, bán hàng ăn ở chợ Đồng Văn bảo, muốn nấu rượu tam giác mạch thì phải trộn với hai phần ngô, nấu lên như rượu gạo thông thường. Quan trọng là phần ủ men. Chử nói một thôi một hồi, nhưng kẻ ngoại đạo lại “tinh ăn mù làm”  như tôi chỉ nhớ là rất phức tạp mới ra được rượu mạch ngon. (Ai muốn biết rõ hơn cứ lên chợ Đồng Văn hỏi Thào A Chử, hehe).

Tôi cầm ly rượu trong vắt như mắt mèo lên. Cảm giác nồng nồng ngai ngái của rượu ngô Bắc Hà, lại có tí ngăm ngăm, cuối vị chuyển ngọt dịu của vodka.

Mải chuyện, mải “mừng rượu mới”, chúng tôi mỗi người “đi” hết một chai từ lúc nào. Chếnh choáng về chỗ nghỉ, mà sáng ra tịnh không thấy tí men nào váng vất. Tiếc là lúc ra về, vì nhiều lý do, chúng tôi quên đem theo một ít rượu tam giác mạch, để rồi về dưới xuôi lại phải kể chuyện suông cho bạn bè nghe vậy.

Tam giác mạch chữa bệnh:

Theo Đông y, tam giác mạch có vị chát, hơi the, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lợi thấp, tiêu thũng, ra mồ hôi trộm, đầy bụng, ỉa chảy, mụn nhọt hay nhiễm trùng.

Theo kinh nghiệm của người dân, ăn lá tam giác mạch thường xuyên sẽ giúp thính tai và sáng mắt. Người dân địa phương thường lấy thân và lá sắc thuốc cho người bệnh. Nếu bị táo bón do âm, có thể dùng thuốc từ loại cây này. Ngoài ra nó còn có tác dụng hạ huyết áp, hạ mỡ máu và đường máu, phòng ngừa viêm dạ dày hay ruột... Bột tam giác mạch có thể dùng làm sữa rửa mặt, giúp da trở nên mềm mịn và hồng hào.

MỚI - NÓNG