Đêm trắng ở đường ngang

Đêm trắng ở đường ngang
TP - Mỗi ca trực đêm của những nhân viên gác chắn tại trạm gác Kim Liên A (Hà Nội) dài 12 tiếng. Có mặt tại một ca trực từ 18 giờ chiều đến 6 giờ sáng ngày hôm sau tôi đã cùng họ đón và tiễn tới 30 chuyến tàu vào ga, xuất hành rời ga.
Đêm trắng ở đường ngang ảnh 1
Làm vệ sinh đường ray cũng là công việc góp phần vào sự an toàn của mỗi chuyến tàu

Mỗi đêm đón tàu là một “đêm trắng” với những công nhân “gác ghi”. Bất kể đông hè, mưa nắng họ luôn phải tập trung cao độ để đón và tiễn những chuyến tàu thật an toàn. 

 “Tấm lá chắn sống”

Trạm gác chắn Kim Liên A (thuộc nút giao thông Giải Phóng- Đại Cồ Việt) là trạm gác chắn cấp I và cũng là trạm lớn nhất trên địa bàn Hà Nội. Với chiều dài hơn 250m, trạm có tới 11 thanh barie (mỗi thanh dài tối thiểu 10m). Khi tàu đến sẽ có 9 người làm nhiệm vụ kéo barie, một người trực điện thoại và một người điều khiển tấm biển đón tàu.

Với sức vóc con gái, nếu không quen thì khó mà kéo được những thanh barie vừa dài vừa nặng. Thế mà trong số 33 người làm việc ở trạm gác này có đến 2/3 là nữ, nhiều người còn rất trẻ.

Theo các “nữ nhi chân yếu tay mềm”, khi mới bắt đầu công việc này họ chỉ mất vài ngày là kéo được những thanh barie trơn tru. Cái khó là làm sao phải biết vừa kéo vừa lựa để tránh va quệt vào dòng thác xe cộ nườm nượp.

Nhiệm vụ của họ là đón, tiễn các đoàn tàu, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các phương tiện khác. Để hoàn thành nhiệm vụ này không khó nhưng đòi hỏi công nhân gác chắn (CNGC) phải tập trung cao độ, quan sát kĩ lưỡng.

Bất kể vì lý do gì họ cũng không được làm việc riêng (kể cả đọc báo, xem ti vi, nghe đài...) chứ chưa nói đến chuyện rời bỏ nhiệm sở, uống rượu bia hay ngủ gật.

Nếu không có lý do đặc biệt họ cũng không được phép để các đoàn tàu đỗ trên đường ngang vì vào giờ cao điểm chỉ cần 3 phút là tắc đường ngay. Từ khi nút giao thông Kim Liên - Đại Cồ Việt thi công họ càng phải khẩn trương hơn trong công việc vì khu vực giao lộ bị thu hẹp.

Nhật ký “đêm trắng”

Đêm trắng ở đường ngang ảnh 2
Công việc thông báo giờ tàu đến tàu đi của anh Nguyễn Văn Phúc luôn đòi hỏi sự tập trung cao độ

Một đêm thức cùng đội gác chắn của anh Nguyễn Văn Phúc (43 tuổi) với tôi quả là một “đêm trắng” ấn tượng và rất khó quên. Theo lịch, ca trực đêm 16- 7 của đội sẽ đón 23 chuyến tàu.

18 giờ, 11 thành viên của đội đã có mặt đông đủ, họ nhanh chóng mặc những bộ đồng phục của CNGC và bắt đầu làm nhiệm vụ. Công việc của họ hôm nay cũng không có gì đặc biệt hơn mọi ngày, có khác chăng là họ phải tiếp thêm một “vị khách không mời” là tôi.

Trong căn phòng rộng chừng 15m2, 12 người chúng tôi  vừa tán ngẫu vừa đợi đón những chuyến tàu. Trên căn gác nhỏ, anh Phúc vẫn không rời bộ điện đàm, tỉ mỉ ghi chép và nghe ngóng giờ tàu đến, tàu đi. Công việc cả chục năm nay của anh là nghe điện thông báo giờ tàu chạy từ ga Hà Nội để truyền đạt lại cho các trạm nhỏ phía sau.

20giờ 50, anh Phúc lớn tiếng: “Tàu sắp về! Chuẩn bị nhá!”. Tiếng chuông báo tàu đến reo lên, câu chuyện dang dở của chúng tôi bị cắt ngang. Tất cả bật dậy vào vị trí và chỉ chưa đầy 1 phút cả đoạn đường ngang dài đã được ngăn lại nhường đường cho chuyến tàu SE3.

“Làm nghề này nếu mọi người không tự tạo ra niềm vui thì sẽ rất buồn tẻ. Thế nên bọn mình ai cũng rất vui tính, cởi mở chứ không lầm lì như lúc... kéo barie đâu”- Đỗ Đức Minh (23 tuổi) dí dỏm pha trò.

Nói đoạn Minh kéo tôi lên căn gác nhỏ và bắt đầu vừa chơi đàn vừa “solo” bài Hạ trắng của Trịnh Công Sơn. Chàng trai trẻ này đã theo học guitar cổ điển từ 6 năm nay. Từ khi làm CNGC, dù hay phải làm ca nhưng cậu vẫn dành mỗi tuần một buổi để đi học, nuôi dưỡng niềm đam mê âm nhạc.

22 giờ, cả đội bắt đầu công việc dọn vệ sinh đường ray. 3 chuyến xe bò đầy đất và rác là những gì họ moi lên được từ những khe ray. Nếu không dọn vệ sinh thường xuyên, khi kéo sẽ rất nặng và không bảo đảm an toàn.

23giờ 30, công việc dọn vệ sinh đường ray hoàn tất. Cả đội chuẩn bị cho bữa ăn đêm. Hỏi về “chuyện lương lậu”, tất cả chỉ cười xoà: “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”.

Một chai xăng, và một bộ đồ nghề để vá xe là những thứ giúp họ kiếm thêm chút thu nhập và giúp những người nhỡ nhàng lúc đi đường. Bữa ăn đêm của họ bắt đầu lúc 0 giờ. Sau đó, những ấm trà, những tách cafê là người bạn giúp họ chống lại cơn buồn ngủ.

Câu chuyện của chúng tôi càng về khuya càng nhạt dần, tiếng đàn của Minh cũng tắt tự lúc nào. Khoảng thời gian trống giữa 2 chuyến tàu dài nhất chỉ có gần 1 tiếng. Cả đội tranh thủ chợp mắt một lúc nhưng tất cả đều ở trong tư thế “ngủ một nửa”. Từ đó đến sáng tôi cùng họ đón thêm 7 chuyến tàu nữa.

Bình minh ló rạng là lúc họ kết thúc 12 giờ làm việc liên tục của mình. Mọi người tất tả về nhà, mấy chị tranh thủ ra chợ mua miếng thịt, mớ rau. Những ánh nắng đầu tiên của ngày mới hòa vào dòng người đi làm sớm. Không ai biết đêm qua có những CNGC lặng lẽ “Góp phần nhỏ bé cho sự bình yên của mỗi chuyến tàu”.

Bạn đọc có thể gửi bài dự thi về địa chỉ: Báo Tiền phong-15 Hồ Xuân Hương-Hà Nội,  hoặc Email: hotline@baotienphong.com.vn; atgiaothong@gmail.com . Nội dung cuộc thi được đăng tải trên www.tienphongonline.com.vn
MỚI - NÓNG