Ðêm loãng Cusco

Sóng Bitel sẽ phủ khắp Macha Picchu. Ảnh: Xuân Ba
Sóng Bitel sẽ phủ khắp Macha Picchu. Ảnh: Xuân Ba
TP - Thoáng cái như hụt hơi. Mồm bất giác há ra như một phản xạ. Chân như khựng lại. Nhịp tim nhanh và dồn… Ấy là chưa hội đủ cái cảm giác khó chịu bất ngờ khi đặt chân xuống sân bay của thủ phủ Cusco…  

Cusco, thủ phủ của Ðế chế Inca. Từ Thủ đô Lima của Peru hơn 2 giờ bay mới đến được Cusco.Trên chiếc máy bay loại nhỏ lèn chặt những khách du lịch đủ mọi quốc tịch để đến khu danh thắng nổi tiếng Machu Picchu của Cusco.

Tôi hồi hộp nhẩm thời gian để chiếc máy bay hạ thấp độ cao luồn qua mấy dãy núi dựng thành sin xít nhau đáp xuống sân bay nơi người ta thông báo chính thức lẫn kháo nhau đó là một trong những sân bay khó hạ cánh nhất thế giới.  Lọt vào thế hiểm phải luồn qua vách núi, tất nhiên là hiểm rồi nhưng chừng như viên phi công không bỏ lỡ dịp may muốn trổ tài cho thiên hạ lác mắt hoặc đương phải chấp hành quy trình ngặt nghèo khi phải hạ cánh xuống một sân bay hiểm hóc nên hắn ta lúc giật lúc xóc tốc độ có lúc thoắt rì rì như trực thăng! Tình thế đó kể cũng hoảng, nhưng tôi thầm cảm ơn cái ông hoàn cảnh bởi tự dưng một thiếu phụ da trắng múp míp ngồi bên mặt bệch ra vồ choàng lấy tôi theo phản xạ của sự sợ hãi. Nhưng chỉ có một thoáng,  âm thanh rùng rùng của thứ bánh xe đương tiếp đất và trên máy bay rộ lên tràng vỗ tay hân hoan mừng hạ cánh thành công khiến thiếu phụ choàng tỉnh thoáng nhanh cụm từ thanks.

Cusco! Tưởng gì, nhưng cũng thường thôi.Thế mà ở thủ đô Lima, anh chàng Hoàng Quốc Quyền phụ trách mạng Bitel- tên gọi của Hãng viễn thông mới nhất ở Peru- kết quả đầu tư của Viettel (Bi với người Peru là nhân đôi lên, chung sức nhân đôi giá trị, nhân đôi thành công) cứ dặn đi dặn lại, đến Cusco các anh nhớ cho vùng đó là không khí loãng nên cẩn trọng khi di chuyển để giảm thiểu hiện tượng khó chịu khi bị thiếu oxy! Nhưng máy bay vừa hạ cánh đây thôi có thấy chi khác thường?

Quả thực khi cánh cửa máy bay mở ra và sải mấy bước xuống đất đã thoáng nhanh cái thứ như hụt hơi. Mồm miệng phải bất giác há hoác ra như một phản xạ. Chân như khựng lại. Nhịp tim nhanh và dồn… Hoang mang hỏi lại mấy thành viên trong đoàn thì ai cũng thoáng cảm giác ấy.

Chừng như triệu chứng âm ỉ của bệnh tim lâu nay chưa có dịp phát tác nên đến môi trường không khí loãng ở Cusco  có cơ hội để kiểm chứng? Tôi đem cái triệu chứng của mình dồn hỏi những  đồng nghiệp cùng đi thì ai cũng có cảm giác ấy. Mọi người khuyên nhau tuân thủ việc ít đi lại, ít cử động để hạn chế tiêu tốn lượng ốc xy vô máu….

Ðêm loãng Cusco ảnh 1

Ðại diện báo Tiền Phong tặng báo cho Bitel. Ảnh: Xuân Ba  

Cusco độ cao so với mực nước biển gần ba ngàn rưỡi mét nên phiền toái cái khoản không khí  cũng gần bằng dân xứ Tây Tạng ngất nghểu trên độ cao ba bốn ngàn rưỡi thước. Thật bất ngờ Phạm Ngọc Tuấn - Giám đốc chi nhánh Bitel vùng Cusco,  chẳng biết đọc được ở đâu mà phán như một tay nhân chủng học, khí hậu học chính hiệu rằng, các nhà khoa học đã phát hiện trong cơ thể người Tây Tạng có loại gene giúp cho họ có khả năng tồn tại trong bầu không khí loãng ở vùng đất cao nhất hành tinh. Người dân Tây Tạng có lượng sắc huyết tố trong máu rất thấp để đối phó với tình trạng thiếu oxy trên cao nguyên.  Những gene này chỉ tồn tại trong cơ thể người Tây Tạng chứ không xuất hiện trong cơ thể người sống ở những vùng đất thấp.

Cứ như cái lý của Tuấn thì biết đâu dân Cusco bây giờ, hậu duệ của đế chế Inca thuở xưa dứt khoát cũng có cái gene nào đó để chủng người này có thể tồn tại với loại khí hậu loãng? Tôi nghĩ trong các loại phụ cấp cho quân của mình kinh doanh làm ăn nới xứ Peru, hình như các nhà chức việc của Viettel chưa nghĩ ra cái khoản trợ cấp cho lính của mình tác chiến ở khu vực khí hậu không khí loãng?

Ngày hôm sau, chúng tôi đến Machu Picchu một danh thắng nổi tiếng của Peru đã được UNESCO xếp hạng cách Cusco 70 cây số. Nghe vui vui cùng lạ tại cái tiếng người Inca gọi là que chua như phát âm quê choa của xứ miền Trung mình. Tiếng quechoa gọi Machu Picchu là thành phố đã mất của người Inca. Hàng triệu du khách mỗi năm đã đổ về kỳ quan này. Nhưng mỗi ngày người ta chỉ cho tối đa 2.500 khách tham quan được phép vào thăm tàn tích Machu Picchu nhằm ngăn chặn sự xâm hại. Từ độ cao hơn hai ngàn rưỡi mét, ngó lớp lớp du khách đủ mọi quốc tịch ràn ràn kéo nhau về Machu say mê chiêm bái hệ thống đền đài hoang phế cách đây bảy tám trăm năm, nhưng  không ít người, tay cầm điện thoại trên gương mặt lộ rõ vẻ thất vọng vì khu vực di tích này chưa có sóng. Ngó cảnh đó những muốn bật lên chất giọng Việt tự hào rằng các bạn du khách ơi, chỉ cuối năm nay thôi, năm 2015, Bitel của Vietel sẽ phủ sóng di động toàn bộ khu vực kỳ quan Machu Picchu này. Tất nhiên tin ấy, kế hoạch ấy đêm qua tôi nghe chính Phạm Ngọc Tuấn khẳng định! Khó mà kể ra đây những công sức những gian nan mà toàn bộ quân của Tuấn đã và đang căng sức nhiều tháng nay cho công việc phủ sóng này.

Ðêm loãng Cusco ảnh 2

Tổng Giám đốc Bitel Hoàng Quốc Quyền trên tờ Gestion. Ảnh: Xuân Ba  

Ðêm. Ngay động tác leo lên giường cũng phải khẽ khàng để khỏi phải ngoác miệng ra mà đớp không khí cho dễ thở. Thế mà nằm mãi giấc ngủ chả chịu đến. Miên man nghĩ nhiều đến những người lính của Viettel. Năm xa ấy tôi đã từng theo họ leo lên đỉnh PrecVihia biên giới giữa Campuchia và Thái Lan để giăng sóng làm nên thương hiệu Metphone chiếm lĩnh thị trường viễn thông đất nước Chùa Tháp. Ðã cùng họ phóng xe máy đi dựng cột BTS vào các làng bản Lào hẻo lánh ở Văng Viêng. Những người lính Viettel đã xây nên thương hiệu Unitel nổi tiếng trong mặt bằng viễn thông đất nước Triệu Voi. Rồi lại vòng vèo nhiều giờ bay sang Tây bán cầu để đến đất nước Haiti vừa tan hoang sau cơn động đất khủng khiếp. Ðể chứng kiến sóng Viettel với thương hiệu Natcom trùm khắp thủ đô Port-au-Prince và  phủ khắp không gian Haiti.

Và bây giờ cũng vòng vèo qua nhiều chặng bay theo chiến lược hướng ngoại của Viettel để đến cái chấm xanh Peru trên bản đồ bên sườn Nam Mỹ xa ngái.

Buổi sáng  thủ đô Lima của Peru. Không thể rân rân xúc động khi nghe chuyện đội hình của Bitel trên khắp Peru trong đó có gần 200 người Việt hàng ngũ thẳng tắp hòa cùng một ngàn ba trăm chàng trai cô gái Peru nghiêm ngắn trong buổi chào cờ đỏ sao vàng mỗi sáng thứ Hai. Khi âm thanh bài Tiến Quân ca vang lên, một số nhân viên người Peru cùng hát với người Việt. Những chàng trai, cô gái Việt của Viettel sang đây họ là những sứ giả hòa bình, những sứ thần ngoại giao. Việt Nam chưa có đại sứ ở Peru mà đang kiêm nhiệm. Nhưng cung cách sinh hoạt và quan trọng hơn là việc làm ăn, phương thức quản trị hữu hiệu trong chiến lược cạnh tranh  với các hãng viễn thông sừng sỏ thế giới của người Viettel ở Peru dần dà đang mang lại sự ấm áp, tin cậy của việc làm ăn và giao hảo.  Hôm được anh em Bitel dịch lướt qua tờ báo Gestion ( Quản lý) tờ có số lượng phát hành lớn ở Lima, ra ngày 12/10/2015 trang nhất có đăng hình Tổng Giám đốc Bitel Hoàng Quốc Quyền, chàng trai sinh năm 1982 và kèm bài viết rất khen,  tất nhiên là tự hào rồi. Lại  tự hào xen tý thán phục nghe kể chuyện Hoàng Quốc Quyền chủ trì cuộc họp báo nhân dịp tròn một năm Bitel đứng chân ở Peru, thấy dậy lên nhiều cảm giác rất lạ về người của Viettel. Cuộc họp báo gần trăm phóng viên của hàng chục tờ báo lớn ở Lima, nghe Quyền trả lời đối đáp và cả chuyện trò khi tiếng Anh, lúc tiếng Tây Ban Nha.

Một bất ngờ tại Trụ sở của Bitel khi Trương Vũ Sơn phụ trách truyền thông của Bitel chỉ về phía mấy cô nhân viên xinh đẹp đang ngồi sau dàn máy vi tính hỏi có quen không? Ngó nhau cười lúc lâu, nhưng ngó là ngó cái khác kia chứ quen tất nhiên là không rồi! Mãi rồi Sơn mới bật mí rằng các người đẹp đang ngồi kia áp Tết Tân Mùi năm ngoái đã sang Việt Nam dự cuộc gặp mặt với các nhà báo…

Loáng thoáng nhớ lại những vũ khúc bốc lửa đêm đó của các người đẹp. Thoạt đầu, những tưởng người của sứ quán Peru hoặc đoàn nghệ thuật nào đó từ Lima sang. Hóa ra quân Bitel của chàng trai Hoàng Quốc Quyền!       

… Bên cửa sổ đã bừng rạng ánh ngày của Cusco. Lại một đêm trắng như không ít những đêm từng đi với Viettel.

Ngồi với  Phạm Ngọc Tuấn - Giám đốc chi nhánh Bitel vùng Cusco, tôi chia sẻ ngay câu chuyện không khí loãng. Tuấn cười rằng, các anh mới sang chưa quen đó thôi. Bọn em hồi mới đến cũng có cảm giác khó chịu đó đeo bám hàng tháng trời. Tưởng khó mà trụ lại. Sau đó bấn búi với công việc, không để ý nữa  cảm giác đó cũng bớt dần.

MỚI - NÓNG