Huynh đệ tương tàn khiến đế chế Inca sụp đổ

Hình ảnh Huáscar (trái) và Atahualpa (phải) trên con tem của Peru phát hành năm 2004. Ảnh: Stamp Peru.
Hình ảnh Huáscar (trái) và Atahualpa (phải) trên con tem của Peru phát hành năm 2004. Ảnh: Stamp Peru.
Cuộc chiến giữa hai hoàng tử kết thúc không phải với sự thống nhất của đế quốc Inca dưới một vị vua mà bằng sự xâm lược của người Tây Ban Nha.

Ngày 26/7/1533, vị vua cuối cùng của đế chế Inca, Atahualpa, bị quân xâm lược Tây Ban Nha treo cổ. Vụ hành quyết đánh dấu sự sụp đổ của đế chế Inca hùng mạnh một thời và mở ra giai đoạn thống trị của Tây Ban Nha ở khu vực Nam Mỹ.

Trước đó một năm, Atahualpa vừa giành chiến thắng từ cuộc nội chiến đẫm máu để giành ngôi hoàng đế. Cuộc chiến này được biết đến với nhiều tên gọi như nội chiến Inca, cuộc chiến trong vương triều Inca, cuộc chiến giành quyền kế vị ở Inca hay cuộc chiến giữa hai anh em.

Theo Ancient Origins, cuộc chiến giữa hai anh em bắt đầu sau cái chết của hoàng đế Huayna Capac và người nối ngôi Ninan Cuyochi năm 1527. Hai người đàn ông nhiều khả năng qua đời vì bệnh đậu mùa, một dịch bệnh lây lan trong cộng đồng bản xứ từ khi người Tây Ban Nha đặt chân đến châu lục.

Theo truyền thống, hoàng đế (gọi là Sapa Inca), sẽ truyền ngôi cho con cả. Tuy nhiên, trong trường hợp của Huayna Capac, người con trai cả Ninan Cuyochi thậm chí chết trước ông. Không lâu sau đó, Huayna Capac cũng nằm liệt giường. Sapa Inca quyết định phá vỡ truyền thống và chia vương quốc cho hai người con còn lại là Huáscar và Atahualpa.

Giữa hai người, Huáscar lớn hơn và là con thứ hai của Huayna Capac với hoàng hậu. Trong khi đó, Atahualpa do một thứ phi sinh ra. Do đó, Huáscar được quyền cai trị toàn bộ Inca, ngoại trừ Quito và khu vực xung quanh, nằm ở phía bắc của vương quốc. Trị vì ở Cuzco (Cusco), thủ đô của đế chế Inca, Huáscar  cai quản phần lớn dân chúng.

Atahualpa chỉ huy quân đội Inca, đóng quân ở phương bắc vào thời điểm đó, với nhiệm vụ chinh phục những bộ tộc nhỏ hơn ở biên giới của vương quốc. Ba tướng quân tài giỏi là Chalcuchima, Quisquis, và Rumiñahui đều quay sang phò tá Atahualpa.

Có thể Huayna Capac hy vọng hai anh em cùng cai trị vương quốc một cách hòa thuận. Tuy nhiên, điều này là không thể bởi Huáscar xem quyền chỉ huy quân đội của Atahualpa như một mối đe dọa đối với vương vị đang nắm giữ. Kết quả là Huáscar quyết định tấn công trước bằng cách chiếm giữ Quito.

Động thái này dường như đã đạt thành công lúc đầu, quân đội của Huáscar đánh bại và bắt giữ Atahualpa gần Tomebamba. Atahualpa tìm cách trốn thoát và quay trở lại Quito để tập trung lực lượng. Dù Huáscar nỗ lực chiếm đóng căn cứ của Atahualpa, ông ta vẫn thất bại và bị đẩy lùi về phía nam. Sau đó, Atahualpa phái một cánh quân do Chalcuchima và Quisquis dẫn đầu truy kích Huáscar, trong khi vị tướng còn lại là Rumiñahui giữ nhiệm vụ canh gác Quito.

Sau khi lên ngôi, Huáscar trở nên ngày càng độc đoán. Ông ta giết chết những lãnh chúa hộ tống xác vua Huayna Capac. Họ đều là quý độc địa vị cao ở vùng thượng Cuzco. Giới quý tộc càng giận dữ hơn khi Huáscar đe dọa đối cháy xác ướp hoàng tộc và cướp hết tài sản của họ.

Hơn thế, Huáscar còn hành hạ người đưa tin do Atahualpa cử đến. Theo lời buộc tội, những người đưa tin mang quà Atahualpa gửi đến Huáscar bị xẻo mũi và trở về với quần áo rách nát. Tuy nhiên, nhiều khả năng những cáo buộc về sự độc ác của Huáscar đến từ Atahualpa và phe ủng hộ ông.

Năm 1532, quân đội của Atahualpa cuối cùng đánh bại Huáscar trong trận chiến quyết định bên ngoài Cuzco, và Sapa Inca bị bắt làm tù nhân. Tin tức về chiến thắng truyền đến Atahualpa lúc đó đang ở thành phố Cajamarca.

Cùng thời điểm, thông tin về những người đàn ông da trắng lạ mặt với "lông trên mặt" (chỉ người Tây Ban Nha) cũng được báo cáo. Atahualpa không hề biết thời gian trị vì của ông vô cùng ngắn ngủi, những người đàn ông da trắng sẽ xâm chiếm đế quốc Inca và buộc ông phải chết.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG