Đề xuất vợ chồng được tự quyết định số con

Họa sỹ: Nguyễn Hải Tảo
Họa sỹ: Nguyễn Hải Tảo
TP - Trong dự thảo luật Dân số trình Quốc hội sắp tới, Bộ Y tế trình 2 phương án đề điều chỉnh mức sinh, trong đó nghiêng về phương án 1, cho phép các cặp vợ chồng được quyết định có trách nhiệm về số con, thời gian sinh con và khoảng cách sinh.

Nội dung này khiến không ít người hiểu nhầm rằng có thể sinh con thoải mái không hạn chế số lượng. Trao đổi với báo chí, TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho hay hiểu như vậy là chưa đúng. TS Quang lý giải: “Mức sinh hiện nay còn rất khác biệt giữa các vùng, tỉnh thành. Một số nơi có mức sinh rất thấp, thấp hơn nhiều so với mức sinh thay thế. Ví dụ, TPHCM mức sinh 1,45 con trên một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, Bà Rịa - Vũng Tàu 1,56 con. Hầu hết các tỉnh thuộc trung du và miền núi phía Bắc có mức sinh cao nhất từ 2,5 con trên một phụ nữ tuổi sinh đẻ, tỉnh có mức sinh cao nhất là Lai Châu: 3,11 con. Vì thế, để phù hợp với tình hình mới, Bộ Y tế đề xuất hai phương án. Phương án 1 là các cặp vợ chồng, cá nhân có quyền quyết định một cách có trách nhiệm về thời gian sinh con, khoảng cách sinh và số con. Nhà nước khuyến khích các cặp vợ chồng, cá nhân chỉ sinh đến 2 con, quy định chính sách, biện pháp trong từng giai đoạn, từng vùng, tỉnh, thành phố để duy trì mức sinh thay thế và điều tiết mức sinh hợp lý trong phạm vi cả nước, giảm sinh ở những tỉnh, thành phố có mức sinh cao; duy trì kết quả đạt được ở những tỉnh, thành phố đạt mức sinh thay thế; khuyến khích mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp. Phương án 2 là tiếp tục quy định như hiện hành”.


TS Nguyễn Huy Quang cho biết, phương án 1 sẽ được áp dụng rất linh hoạt, mềm dẻo. Ngoài việc trao quyền tự quyết cho các cặp vợ chồng, Nhà nước khuyến khích các cặp vợ chồng, cá nhân chỉ sinh đến 2 con. Ông Quang nói: “Bộ Y tế ủng hộ phương án nới lỏng chính sách sinh con nhưng không đồng nghĩa các cặp vợ chồng được sinh thoải mái. Hiểu đúng phương án 1 là điều chỉnh số lượng con phù hợp với mức sinh thay thế hay nới lỏng mức kiểm soát sinh”. Theo phân tích của lãnh đạo Vụ Pháp chế, phương án 1 có tới 4 ưu điểm lớn, bên cạnh hạn chế là có nguy cơ bùng nổ dân số trở lại và chưa có căn cứ pháp lý để xử lý vi phạm sinh nhiều con. Trước hết, phương án 1 tôn trọng, đảm bảo quyền con người, trong đó có quyền sinh sản theo tinh thần Hiến pháp 2013. Phương án này phù hợp cũng với các công ước quốc tế Việt Nam đã ký kết và đúng bản chất công tác dân số. Coi đây cuộc vận động lớn toàn dân, có chính sách khuyến khích vật chất và tinh thần, đảm bảo nhân lực cho phát triển. Ngoài ra nó phù hợp với tình hình thực tế khi mức sinh ngày càng giảm, xu hướng vô sinh gia tăng.

Hạn chế mức sinh thấp

Bộ Y tế cho hay thời gian tới mức sinh có khả năng biến động khó lường. Vì thế, không khuyến khích, vận động sinh đông con, nhưng cũng không khuyến khích vận động các gia đình sinh 1 con hoặc không sinh con. Mục tiêu là duy trì mức sinh thay thế và điều tiết mức sinh hợp lý để bảo đảm quy mô dân số Việt Nam không quá 98 triệu người vào năm 2020, tiến tới ổn định quy mô dân số ở mức 115 triệu đến 120 triệu người từ giữa thế kỷ 21.

Một số chuyên gia về dân số cho rằng, nếu không sớm nới lỏng chính sách về sinh con, mức sinh sẽ ngày càng thấp. Nếu thấp hơn mức sinh thay thế, nguy cơ Việt Nam sẽ đối mặt với tỷ lệ 4-2-1 giống Trung Quốc, tức là cứ 4 người (gồm ông, bà nội, ngoại) thì chỉ có 2 con và 1 cháu; tức tỷ lệ già hóa dân số ở mức cao, ảnh hưởng đến kinh tế- xã hội.

Theo TS Quang, ở mỗi giai đoạn, từng vùng, từng tỉnh thành sẽ có quy định chính sách để duy trì mức sinh thay thế và điều tiết mức sinh hợp lý trong phạm vi cả nước. Điều này đồng nghĩa giảm sinh ở những tỉnh có mức cao, khuyến khích sinh ở những nơi sinh ít. Theo đó, đề xuất này sẽ tạo sự chủ động cho các địa phương trong việc điều chỉnh mức sinh. Những nơi có mức sinh cao như Lai Châu 3,11 con, Quảng Trị 2,94 con, Hà Giang 2,93 con... sẽ phải giảm xuống, nhưng các tỉnh có mức sinh thấp như TPHCM 1,45 con, Vũng Tàu 1,56 con... sẽ phải tăng lên. Bộ Y tế khẳng định, đây là quy định mở, đáp ứng cho từng nhóm đối tượng, từng vùng miền nhưng không thể lấy chính sách dân số của tỉnh vùng núi áp dụng cho Hà Nội được. Tất cả các địa phương sẽ phải có chính sách điều chỉnh cho sát mức sinh thay thế chứ không thể sinh thoải mái 3-4 con. Nếu cân bằng được giữa các vùng thì thời gian dân số vàng sẽ kéo dài hơn.

Việt Nam đã áp dụng chính sách mỗi cặp vợ chồng có 1-2 con thời gian dài, nếu thêm 5-10 năm tới sẽ không đảm bảo mức sinh thay thế khiến dân số bị già hóa, thiếu nguồn lực lao động, tạo ra gánh nặng chăm sóc sức khỏe người già, gây nguy hiểm cho chính sách an sinh xã hội nếu không chuẩn bị kỹ. Được biết, Dự án Luật dân số dự kiến trình Chính phủ vào quý 1 năm 2018, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại kỳ họp tháng 6/2018, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 10/2018. Dự thảo vừa được Bộ Y tế chuyển sang Bộ Tư pháp thẩm định. 

MỚI - NÓNG