Nhiều ý kiến trái chiều với dự thảo Luật Quy hoạch

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng ngạc nhiên trước các ý kiến trái chiều từ các Bộ.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng ngạc nhiên trước các ý kiến trái chiều từ các Bộ.
TPO - Khi trình xin ý kiến tại phiên họp thứ 6 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo Luật Quy hoạch nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ Bộ Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Sáng 10/1, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Quy hoạch. Dự án luật mang tầm cỡ quốc gia đã được Quốc hội cho ý kiến tại tổ và hội trường tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV diễn ra vào tháng 11 năm 2016.

Mặc dù vậy, khi trình ra xin ý kiến tại phiên họp thứ 6 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo Luật Quy hoạch nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ các bộ, ngành.

Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng dự thảo thay đổi tên gọi, gây khó khăn cho việc triển khai sau này. "Đưa ra tên mới, bản thân chúng tôi cũng không nắm được, khó khăn trong quá trình thực thi sau này, giao cho làm cũng chưa biết làm thế nào”, đại diện Bộ Tài Nguyên và Môi trường nói khi dự thảo đưa ra quy hoạch không gian biển. Trong khi đó, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thì đề nghị bổ sung quy hoạch các trạm kiểm dịch…

Giải trình trước các ý kiến khác nhau, đại diện ban soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay, về nguyên tắc, Chính phủ bàn rất nhiều, cuối cùng mới bỏ phiếu, đủ điều kiện thì mới trình.

“Khi đã trình ra đến Quốc hội, các ý kiến không chính thức chỉ để tham khảo. Chính phủ trình ra rồi mà các bộ ngành lại nói trái, nói khác, thì không đúng nguyên tắc”, bộ trưởng Dũng nói. 

Theo ông Dũng, tinh thần là giảm quy hoạch để giảm xin-cho, nhưng giờ mỗi bộ lại đề xuất thêm thì "không phù hợp". Ông ví dụ đề xuất quy hoạch điểm kiểm soát, kiểm dịch động thực vật của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, là không cần thiết, không phù hợp.

Trước thực tế này, nhiều thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, các bộ ngành cần ngồi lại với nhau để đưa ra một cái chung thống nhất, khắc phục chồng chéo, phân tán, lãng phí trong quy hoạch, đảm bảo sức sống bền lâu của luật.

MỚI - NÓNG