Đề xuất đổi tên tòa cấp tỉnh, huyện và kéo dài nhiệm kỳ thẩm phán

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tại dự thảo lần 2 hồ sơ xây dựng dự án luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức TAND năm 2014, TAND Tối cao đưa ra nhiều đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và đổi tên tòa án cấp tỉnh, huyện.

Thay tên tòa án cấp tỉnh, huyện

TAND Tối cao vừa đăng tải dự thảo lần 2 hồ sơ xây dựng dự án luật Sửa đổi, bổ sung luật Tổ chức TAND năm 2014.

Theo dự thảo, hiện nay mô hình tổ chức TAND gồm: 1 TAND Tối cao, 3 TAND cấp cao, 63 TAND cấp tỉnh, 702 TAND cấp huyện và Tòa án quân sự. Việc tổ chức tòa án chưa theo thẩm quyền xét xử mà gắn với địa giới hành chính đã dẫn tới nhiều hạn chế.

Cụ thể, TAND cấp huyện xét xử sơ thẩm trên 80% các loại vụ việc thuộc thẩm quyền của ngành tòa án. Với số lượng rất lớn, việc đầu tư cơ sở vật chất, tăng cường nguồn lực cho TAND cấp huyện gặp khó khăn.

Đối với TAND cấp cao, dự thảo lần 2 cho rằng, cũng chưa có tòa chuyên trách về các lĩnh vực đặc thù. Việc quy định toàn bộ thẩm quyền xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm giao cho Ủy ban thẩm phán TAND cấp cao là chưa hợp lý, tạo gánh nặng.

Với cấp tỉnh, các tòa án vừa xét xử sơ thẩm, phúc thẩm các vụ việc theo thẩm quyền, lại vừa phải kiểm tra bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của TAND cấp huyện để kiến nghị giám đốc thẩm. Điều này dẫn đến thực hiện nhiệm vụ mang tính dàn trải, thiếu tập trung vào một giai đoạn tố tụng nhất định.

Cạnh đó, dự thảo cho hay, việc tổ chức tòa án theo địa giới hành chính còn dẫn đến nhận thức rằng tòa án là một đơn vị hành chính thuộc địa phương và TAND tối cao là một cơ quan bộ, ngành ở Trung ương.

Từ những bất cập trên, TAND Tối cao đề xuất thành lập các tòa chuyên trách, gồm: Tòa Sở hữu trí tuệ, Tòa Hành chính và Tòa Phá sản (trước mắt chỉ thành lập tòa chuyên trách về Phá sản ở TAND Cấp cao Hà Nội và TP.HCM, thành lập tòa chuyên trách về Sở hữu trí tuệ ở TAND Cấp cao Hà Nội).

Ngoài ra, TAND Tối cao cũng đề xuất đổi tên tòa cấp tỉnh hay thành phố trực thuộc Trung ương thành TAND phúc thẩm (ví dụ TAND phúc thẩm Hải Phòng). Đơn vị mới giữ nguyên cơ cấu tổ chức, nhưng chuyển thẩm quyền xét xử sơ thẩm các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND hay chủ tịch UBND từ cấp tỉnh trở lên; chuyển thẩm quyền giải quyết các vụ việc đặc thù về sở hữu trí tuệ, phá sản sang cho TAND chuyên biệt.

Còn TAND quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đổi tên thành TAND sơ thẩm (ví dụ TAND sơ thẩm quận Hoàn Kiếm). Sửa đổi, bổ sung quy định để TAND sơ thẩm giải quyết, xét xử sơ thẩm các vụ việc theo quy định của pháp luật, trừ các vụ việc thuộc thẩm quyền của TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, TAND phúc thẩm và TAND chuyên biệt.

Đối với Tòa án quân sự, dự thảo đề xuất bổ sung nhiệm vụ xét xử các vụ án hành chính đối với các quyết định hành chính, hành vi hành chính trong quân đội cho tòa án quân sự.

Theo đánh giá của TAND tối cao, sự thay đổi trên sẽ nâng cao tính chuyên nghiệp, chuyên môn hóa trong hoạt động của tòa án cũng như chất lượng xét xử và giải quyết các vụ việc; đồng thời tiết kiệm chi phí tố tụng cho nhà nước, người dân.

Đề xuất đổi tên tòa cấp tỉnh, huyện và kéo dài nhiệm kỳ thẩm phán ảnh 1

Trụ sở TAND Tối cao.

Đề xuất kéo dài nhiệm kỳ công tác của thẩm phán

Vẫn tại dự thảo này, TAND tối cao cho rằng quy định về ngạch bậc của thẩm phán như hiện hành dẫn tới nhiều hạn chế trong công tác xét xử, giải quyết vụ việc thuộc thẩm quyền của tòa án.

Vì vậy, TAND tối cao đề xuất đổi mới theo hướng, thẩm phán có 8 bậc, từ bậc 1 đến bậc 8. Tại TAND tối cao sẽ có thẩm phán TAND tối cao, các ngạch, bậc thẩm phán và thẩm phán dự bị, thay vì chỉ có thẩm phán TAND tối cao như hiện nay. Tại các tòa án khác cũng sẽ có thẩm phán và thẩm phán dự bị.

Một bất cập nữa được nêu trong dự thảo cho thấy, Luật Tổ chức TAND năm 2014 quy định về nhiệm kỳ đầu của thẩm phán là 5 năm. Khi bổ nhiệm lại hoặc bổ nhiệm vào ngạch thẩm phán khác thì nhiệm kỳ tiếp theo 10 năm. Tuy nhiên, TAND Tối cao cho cho rằng, quy định nhiệm kỳ như hiện hành chưa tạo tâm lý yên tâm công tác cho các thẩm phán.

TAND Tối cao đề xuất bổ sung theo hướng kéo dài nhiệm kỳ của thẩm phán nhưng kéo dài thêm bao năm chưa được nhắc đến.

MỚI - NÓNG