Sáng 3/6, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035.
Nhấn mạnh việc đầu tư xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá giai đoạn 2025 - 2035 là rất cần thiết, Bộ trưởng VH,TT&DL Nguyễn Văn Hùng báo cáo Quốc hội về tổng các nguồn lực huy động để thực hiện chương trình.
Cụ thể, vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ trực tiếp để thực hiện chương trình giai đoạn 2025-2030 được bố trí tối thiểu khoảng 77.000 tỷ đồng (chiếm 63%), bao gồm vốn đầu tư phát triển 50.000 tỷ đồng; vốn sự nghiệp 27.000 tỷ đồng.
“Trong quá trình điều hành, Chính phủ sẽ tiếp tục cân đối ngân sách Trung ương ưu tiên hỗ trợ thêm để đảm bảo tính bền vững và hiệu quả của chương trình”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu.
Bộ trưởng VH,TT&DL Nguyễn Văn Hùng. (Ảnh: Như Ý) |
Cùng với đó, vốn ngân sách địa phương khoảng 30.250 tỷ đồng (chiếm 24,6%). Trong đó, vốn đầu tư phát triển 18.000 tỷ đồng; vốn sự nghiệp 12.250 tỷ đồng. Vốn huy động hợp pháp khác dự kiến khoảng 15.000 tỷ đồng (chiếm 12,4%).
So sánh, đối chiếu các nhiệm vụ, chỉ tiêu, mục tiêu của ba chương trình này với 10 nhóm nội dung thành phần của chương trình, Chính phủ đề xuất tổng nguồn vốn ngân sách Trung ương của chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2030 là 77.000 tỷ đồng.
“Tổng nguồn vốn này là phù hợp, đảm bảo khả năng đáp ứng nguồn lực của ngân sách Nhà nước”, Bộ trưởng VH,TT&DL cho hay.
Chính phủ nêu rõ, đối tượng, phạm vi của chương trình dự kiến bao gồm đầu tư xây dựng và hoạt động của các trung tâm văn hóa Việt Nam tại một số quốc gia có mối quan hệ văn hóa lâu dài, như: Mỹ, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc, Trung Quốc, Campuchia.
Đề xuất này nhằm triển khai các nghị quyết của Đảng về văn hóa, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới. Chính phủ đề xuất xin ý kiến Quốc hội về nhiệm vụ đầu tư xây dựng một số trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài, do nội dung này nằm ngoài phạm vi quy định tại khoản 9 Điều 4 của Luật Đầu tư công.
Trên cơ sở đánh giá tổng kết việc thực hiện ba chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai, để đảm bảo tiến độ của các nội dung công việc ngay sau khi chương trình được phê duyệt, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép chương trình thực hiện thời gian là 2025 - 2035.
Trong đó, năm 2025 chỉ thực hiện các hoạt động xây dựng cơ chế chính sách, hệ thống các văn bản, tài liệu hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ của chương trình, hệ thống giám sát, đánh giá việc thực hiện chương trình, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ quản lý chương trình, chuẩn bị đầu tư các nhiệm vụ và các nội dung quản lý khác.
Để phù hợp với Luật Đầu tư công và thời điểm xây dựng kế hoạch 5 năm, Chính phủ dự kiến chỉ đề xuất nguồn ngân sách sự nghiệp để thực hiện các nhiệm vụ năm 2025.
Trường hợp Quốc hội thông qua thời gian thực hiện chương trình từ năm 2025, các bộ, ngành, địa phương mới có căn cứ để xây dựng kế hoạch và dự trù kinh phí để triển khai nhiệm vụ này.
Với kỳ trung hạn 2026 – 2030, sẽ tập trung giải quyết các vấn đề hạn chế, thách thức đặt ra trong thời gian qua.
Còn giai đoạn thứ 2 theo kỳ trung hạn 2031 – 2035, tiếp tục phát triển văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh của nền kinh tế Việt Nam.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh. (Ảnh: Như Ý) |
Thực hiện chương trình trong 11 năm là hợp lý
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, việc nghiên cứu, đề xuất nhiệm vụ đầu tư xây dựng một số trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài là cần thiết, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Về tổng mức đầu tư, ủy ban cơ bản nhất trí với đề xuất của Chính phủ về tổng mức đầu tư và cho rằng, việc Chính phủ thống nhất đề xuất bố trí nguồn lực lớn để thực hiện chương trình đã cụ thể hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển văn hóa.
Có ý kiến cho rằng tổng số vốn dự kiến dành cho chương trình là khá lớn, cao hơn so với các chương trình mục tiêu quốc gia đã và đang thực hiện. Đề nghị Chính phủ làm rõ căn cứ để xác định tổng mức vốn của chương trình.
Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, nhiều ý kiến cho rằng tỉ lệ vốn đối ứng từ ngân sách địa phương chiếm 24,6% là cao, khó thực hiện, nhất là đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Ủy ban đề nghị làm rõ hơn căn cứ xác định tỉ lệ vốn ngân sách trung ương và vốn ngân sách địa phương.
Về thời gian thực hiện, đa số thành viên cho rằng, thời gian thực hiện chương trình trong 11 năm, phân chia thành 3 giai đoạn là hợp lý; có thời gian để các cơ quan chuẩn bị thực hiện chương trình.