Để Tết an vui

TP - Năm nay, nhiều người xa quê chọn cách không về đón Tết sum họp. Người thân ở phương xa quá hiểu nỗi lòng những đứa con, thà hoãn một Tết, còn hơn bị COVID-19 khống chế nhiều Tết hoặc tệ hơn là không bao giờ có Tết.

Đêm giao thừa năm trước, trận mưa đá dường như báo hiệu một năm chông gai, khắc nghiệt. Cả thế giới đảo điên vì dịch bệnh. Giữa bối cảnh đó, Việt Nam nổi lên như một điểm sáng ngăn dịch bệnh, không để tăng trưởng âm về kinh tế. Việt Nam đã trải qua hai làn sóng dịch COVID và đang đối đầu với làn sóng thứ ba. Lần này, với vi rút biến chủng, cuộc chiến chắc chắn khốc liệt hơn. Nhìn xa hơn, vi rút cập nhật độ nguy hiểm như thách thức kỹ năng đối phó của con người. Như những cơn bão miền Trung năm sau lại hung hãn tàn phá hơn năm trước, nhưng đã tạo nên những con người bền bỉ, kiên cường.

Thường mỗi năm Tết đến, truyền thông thế giới vô cùng kinh ngạc trước hình ảnh những dòng người di cư khổng lồ ở Trung Quốc về quê ăn Tết. Đương nhiên, đi kèm với đó là nhiều hệ lụy xã hội: Tăng giá vé, mất trật tự, tai nạn giao thông… Việt Nam cũng rơi vào tình trạng tương tự. Năm nay, COVID-19 thực sự đã làm mọi thứ chậm lại, kể cả nhịp điệu Tết. Những vườn hoa lay-ơn lớn nhất nước ở Lâm Đồng, người dân chỉ biết khóc mếu khi giá hạ tới tận cùng, đến nước cắt cho bò ăn.

Ở những địa phương khác, hoa và cây cảnh cũng thê thảm. Người yếu thế đương nhiên chật vật. Lúc này, rất cần tấm lòng chia sẻ. Chính quyền nhiều địa phương đã tiếp cận để đến với các đối tượng này. Nhiều nhóm thanh niên khởi động khẩu hiệu: Tết sẻ chia. Tuy vậy, cao hơn hết, người dân lúc này cần tuân thủ quy định phòng, chống dịch mà chính quyền và cơ quan chức năng đặt ra.

Gia Lai có lẽ gặp bất ngờ khi “dính” nhiều ca. Xem hành trình của những “dương tính” đi hết trung tâm y tế này tới bệnh viện kia, đủ thấy việc thả lỏng công tác phòng chống dịch thế nào. Chỉ cần so sánh với Đắk Lắk sẽ thấy ngay điều này. Khi cả nước chưa có dấu hiệu dịch quay lại, Đắk Lắk đã nhanh chóng khởi động lại những khu cách ly tập trung. Lúc dịch đến, giám đốc Sở Y tế tỉnh viết thư hiệu triệu tình nguyện viên là y, bác sỹ và sinh viên ngành y chung tay trực chiến. Đương nhiên, lãnh đạo tỉnh đến nhiều chốt phòng dịch đôn đốc. Hy vọng, sau chuyến công tác của thứ trưởng Bộ Y tế cùng với sự hỗ trợ của các tỉnh khác, Gia Lai sẽ sớm dập được dịch.

Hình ảnh xót xa hiện hữu, có lẽ là những cháu bé mẫu giáo ở Hải Dương mặc áo mưa đi cách ly tập trung. Những ánh mắt ngơ ngác, ngồi thẳng tắp, giữ khoảng cách, lặng phắc trước sân trường - nơi vốn chỉ để vui chơi, chạy nhảy. Hãy vì những đứa trẻ như thế này, đừng ai trốn cách ly và cố về quê đón Tết bằng mọi giá. Suy cho cùng, Tết đến xuân về chỉ khi mọi người cùng chung âm hưởng nô nức. Nhưng trong diễn biến dịch phức tạp, đồng bào nhiều nơi phải cách ly, cán bộ - chiến sĩ còn trên tuyến đầu, chờ Tết sau hết dịch mới vui trọn vẹn.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.