Để sáng bừng sáng mãi

TP - Hôm qua, chỉ số chứng khoán VN-Index vượt ngưỡng 1.000 điểm với giao dịch thanh khoản lên tới hơn 8.000 tỷ đồng. Như vậy, sau 10 năm lỗi hẹn, giấc mơ tái lập mốc 1.000 điểm đã thành hiện thực.
Để sáng bừng sáng mãi ảnh 1

Nhà báo Khánh Huyền - Phó Ban Kinh tế báo Tiền Phong

Khác chăng tại lần tăng này, thị trường chứng khoán đã vững vàng hơn cả về quy mô và tổng giá trị vốn hóa thị trường cũng “khủng” hơn khi chiếm tới 67% GDP nền kinh tế.

Những yếu tố nào khiến chứng khoán phản ứng tích cực “xanh” đến vậy? Phân tích cho thấy: tất cả đều khởi nguồn từ tin tốt vĩ mô của bức tranh kinh tế Việt. Tốc độ tăng trưởng GDP trong quý III/2017 đạt 7,46%, tạo bước nhảy vọt để GDP cả năm 2017 đạt 6,83%. Kim ngạch xuất khẩu đạt mức kỷ lục trong năm 2017, không chỉ bởi con số trên 200 tỷ USD mà xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam (theo xếp hạng của WTO) đã tăng lên rõ rệt, từ vị trí thứ 50 lên vị trí thứ 26 trong 10 năm qua. Dù đến giờ này, Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa công bố các kết quả hoạt động nhưng theo tìm hiểu của Tiền Phong, tăng trưởng tín dụng cán đích xấp xỉ 19%. Nhờ đó, một lượng vốn rất lớn của hệ thống ngân hàng đã lan tỏa khắp vùng miền đi vào các lĩnh vực sản xuất như Chính phủ  trông đợi. 

Kinh tế Việt Nam đã ngẩng cao đầu bước sang năm 2018. Đà tăng này dự báo tiếp nối ít nhất trong quý I, quý II/2018. Những yếu tố thuận lợi bao gồm cải cách thể chế và thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, giảm chi phí sản xuất, kinh doanh đang được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt. Sự tin tưởng của các nhà đầu tư ngoại vào nền kinh tế Việt Nam rất mạnh mẽ. Cùng đó, việc mở lối phát triển kinh tế tư nhân hứa hẹn ngày có nhiều hơn những doanh nghiệp Việt trị giá hàng tỷ đô.  

Nhưng “sáng bừng” không có nghĩa là sáng mãi. Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức nào trong năm 2018? Theo các chuyên gia, trong bối cảnh tài nguyên cạn kiệt, sản xuất của ngành công nghiệp khai khoáng của chúng ta sẽ tiếp tục giảm, công nghiệp chế tạo khó có đột phá mới, nền nông nghiệp vẫn đứng trước rủi ro lớn do tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu... Lợi thế về lao động giá rẻ mất đi nhanh chóng do tác động của cách mạng công nghiệp 4.0.

Đã đến lúc Việt Nam cần mô hình mới cho tăng trưởng bền vững. Trong đó, yếu tố tiên quyết là hiệu quả điều hành kinh tế vĩ mô. Trăn trở này đã được Chính phủ thấu hiểu và hiện thực hóa trong hành động năm 2018 (với những trọng tâm như: phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, gắn với liên kết chuỗi giá trị của các tập đoàn đa quốc gia; đổi mới công nghệ, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn…).

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.