Tăng trưởng nhờ phục hồi của nông nghiệp
Theo Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT), tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2017 ước tính tăng 6,81% so với năm 2016. Trong mức tăng này khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản phục hồi đáng kể với mức tăng 2,9%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8% và khu vực dịch vụ tăng 7,4%.
“Mức tăng trưởng năm 2017 vượt mục tiêu đề ra 6,7% và cao hơn mức tăng của 7 năm gần đây (tính từ năm 2011 đến nay). Điều này khẳng định tính kịp thời, hiệu quả của các giải pháp được Chính phủ ban hành, chỉ đạo các ngành, địa phương nỗ lực thực hiện”, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết.
Cơ cấu kinh tế năm 2017, khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm 15,3%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 33,3% và khu vực dịch vụ chiếm 41,3%. Tăng trưởng kinh tế năm 2017 tăng trưởng cao nhờ sự phục hồi của ngành nông nghiệp sau những ảnh hưởng nặng nề của thiên tai năm 2016 tiêu biểu như ngành thuỷ sản tăng 5,54%, lâm nghiệp tăng 5,14%... Đồng thời, năm 2017, ngành nông nghiệp cũng chứng kiến xu hướng chuyển đổi cơ cấu sản phẩm trong nội bộ ngành theo hướng đầu tư vào sản phẩm có giá trị kinh tế cao.
Dù ngành khai khoáng giảm sâu với 7,1%, mức giảm sâu nhất kể từ năm 2011 nhưng khu vực công nghiệp và xây dựng vẫn tăng nhờ vào mức tăng kỷ lục 17,8% của công nghiệp chế biến, chế tạo.
Đánh giá về tăng trưởng 2017, ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng, chất lượng tăng trưởng năm 2017 đã có sự cải thiện đáng kể, chuyển dần từ chiều rộng sang chiều sâu, đóng góp của các nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng kinh tế và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư có xu hướng cải thiện rõ rệt.
Bên cạnh điểm sáng trên, nền kinh tế Việt Nam 2017 cũng còn nhiều hạn chế như tiến độ giải ngân vốn Chính phủ chậm do quy trình hoàn thiện thủ tục dự án đầu tư. Thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1,14 triệu tỷ đồng, bằng 91,1% dự toán năm. Trong khi đó, chi ngân sách tới 1,21 triệu tỷ đồng.
“Dù nhập siêu dịch vụ năm 2017 giảm so với 2016 nhưng con số này vẫn còn lớn, khiến làm giảm mức tăng GDP. Biến đổi khí hậu, thiên tai bất thường khiến nhiều thành quả kinh tế xã hội biến mất”, ông Lâm nói.
Theo chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ, mức tăng trưởng GDP ngoạn mục của năm 2017 không chỉ đánh dấu về số lượng mà còn thể hiện chất lượng tăng trưởng. Bản thân từng ngành đã dần chuyển dịch cơ cấu theo hướng chuyển sang các ngành chất lượng cao.
“Trong ngành nông nghiệp, người dân đã chuyển dần từ trồng lúa, sang nuôi thủy sản, chăn nuôi. Sự chuyển dịch này giúp mang lại giá trị cao cho người nông dân. Bên cạnh đó, dù ngành khai khoáng giảm mạnh nhưng tốc độ tăng trưởng vẫn đạt kỳ vọng, chứng tỏ nền kinh tế Việt Nam đã thoát khỏi vị thế phụ thuộc vào khai khoáng”, ông Lưu Bích Hồ đánh giá.
Năng suất lao động Việt Nam thấp hơn cả Lào
Theo người đứng đầu Tổng cục Thống kê, năm 2018 Việt Nam đứng trước hàng loạt thách thức. Việt Nam bị ảnh hưởng lớn bởi 10 nguy cơ rủi ro hàng đầu của quốc tế do tổ chức quốc tế nêu ra như xung đột quốc tế, thời tiết cực đoan, thất nghiệp, gian lận thương mại, đánh cắp dữ liệu… Năng suất Việt Nam rất thấp và khoảng cách chênh lệch với các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia… tiếp tục gia tăng. Thậm chí, năng suất lao động Việt Nam thấp hơn cả Lào.
“Cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4 (CM 4.0) tạo ra xu hướng tự động hoá, trao đổi dữ liệu trong sản xuất và khiến Việt Nam có nguy cơ tụt hậu mãi so với các nước phát triển. Đây là một trong những thách thức lớn nhất với Việt Nam”, ông Lâm cảnh báo.
Để đạt được mục tiêu GDP tăng 6,5-6,7%, chỉ số giá tiêu dùng 4%, xuất nhập khẩu tăng 7-8%, Tổng cục Thống kê cho rằng, cơ quan quản lý, các bộ ngành, lãnh đạo địa phương tiếp tục cải cách thể chế, môi trường kinh doanh.