Một số ý kiến cho rằng, việc nghiên cứu thành lập một cơ quan chuyên trách về quản lý và giám sát toàn bộ vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp (DN) sẽ tạo được đột phá, thay đổi cơ bản trong việc quản lý DN có vốn đầu tư nhà nước.
Tuy nhiên, các ĐB lưu ý, cần tách biệt chức năng quản lý nhà nước và chức năng chủ sở hữu DN, bảo đảm công khai, minh bạch trong đánh giá việc DN sử dụng vốn nhà nước. Đồng thời, tăng cường trách nhiệm của cá nhân, tổ chức đối với việc đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại DN.
ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho rằng, rất cần một cơ quan chuyên môn quản lý tập trung nguồn vốn 1 triệu tỷ đồng nói trên. Cơ quan chuyên môn đó chịu trách nhiệm trước 90 triệu cổ đông là 90 triệu dân. Quốc hội sẽ là cơ quan đại diện cho người dân để giám sát khoản vốn nhà nước.
“Mô hình quản lý tập trung có thể áp dụng theo Singapore, hình thành một tổng cục quản lý vốn nhà nước. Cơ quan này sẽ tính toán nên đầu tư vào đâu, đầu tư vào thời gian nào để đạt được hiệu quả cao nhất”, ĐB Ngân nói.
“Tôi đồng tình với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, không quy định về việc phải thành lập một cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước trong luật, bởi đó là vấn đề rất quan trọng cần chuẩn bị chu đáo. Tuy nhiên, cần bổ sung nguyên tắc cơ quan chủ sở hữu không trực tiếp tham mưu, soạn thảo chính sách, tham gia điều soát, điều tiết thị trường và thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước khác. Các cơ quan quản lý nhà nước không can thiệp, áp đặt mệnh lệnh hành chính vào hoạt động kinh doanh”, ĐB Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) nói.
ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) nói rằng, dự thảo luật chưa định hình mô hình quản lý phần vốn nhà nước trong tương lai. “Theo quy định tại dự thảo, coi như toàn bộ đại diện chủ sở hữu, vốn sở hữu toàn dân giao cho Chính phủ, Quốc hội đứng ngoài. Tại sao ta không mở cái luật này theo hướng, trong tương lai, chúng ta có 3-5 tập đoàn quy mô lớn của nhà nước. Các DN này phải báo cáo trực tiếp Quốc hội, chứ không giao hết cho Chính phủ”, ông Lịch nói.
Theo ông Lịch, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) có vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện điều tiết lợi ích kinh tế - xã hội. Các lợi ích này phải gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm, không tách rời việc sử dụng nguồn vốn này với chiến lược phát triển kinh tế do Quốc hội quyết định.
Nghịch lý thừa - thiếu
Theo ĐB Trần Hoàng Ngân, hiện vốn nhà nước trong các DN là hơn 1 triệu tỷ đồng, rải rác, phân tán tại tất cả các bộ, ban, ngành, tại tất cả các tỉnh thành, dẫn đến việc sử dụng vốn nhà nước không thực sự hiệu quả, thậm chí có chỗ thừa mang gửi ngân hàng lấy lãi suất thấp, trong khi chỗ thiếu lại đi vay vốn với lãi suất cao.
Theo ĐB Ngân, thời gian qua, một vài DNNN để lại hậu quả nghiêm trọng, cho đến hôm nay, cử tri vẫn còn nhắc đi nhắc lại. Tuy nhiên, không có nghĩa chúng ta phủ nhận sự đóng góp rất lớn lao của DNNN; không nên siết chặt, thu hẹp lại, đưa ra những quy định ràng buộc đến mức độ hiện nay một số DN nói rằng bó tay bó chân, họ.
“DNNN có 2 triệu lao động, họ rất nhiều tâm tư vì tự nhiên bị xã hội nhìn giống như tội đồ trong việc gây ra những thiệt hại vừa qua, trong khi những việc đó là lỗi ở cơ chế, lỗi ở luật pháp, chúng ta không làm rõ được, minh bạch được những cá nhân đã làm ảnh hưởng đến uy tín của quốc gia, ảnh hưởng đến tài sản của nhân dân. Không làm rõ được việc đó, cho nên chúng ta cần sự bình tĩnh”, ĐB Ngân nói.