Đề nghị công chứng viên phải tuyên thệ trước tòa

Công chứng viên phải tuyên thệ trước tòa?
Công chứng viên phải tuyên thệ trước tòa?
TPO - Sáng 10/4 tại phiên họp của các Đại biểu Quốc hội chuyên trách về dự thảo Luật công chứng (sửa đổi), Đại biểu Trần Du Lịch đề nghị các công chứng viên phải tuyên thệ trước tòa.

Phát biểu đầu tiên trong phiên thảo luận về dự thảo Luật công chứng (sửa đổi), Đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) cho biết, ở nhiều nước, công chứng viên phải tuyên thệ trước tòa, nhằm đảo bảo việc tuân thủ pháp luật và các hành vi đạo đức, còn ở ta không phải tuyên thệ với ai. 

"Nếu ai chọn nghề công chứng viên thì đừng bao giờ có tư tưởng trục lợi để làm giàu, vì đây là nghề làm công ăn lương. Ở các nước, công chứng viên, luật sư, bác sĩ đều hoạt động trong các tổ chức nghề nghiệp. Ví dụ, bác sĩ vi phạm đạo đức nghề nghiệp, Bác sĩ đoàn đã khai trừ thì không thể nào mở được phòng khám nữa", ĐB Trần Du Lịch nhấn mạnh.

Đại biểu Lịch cũng đề nghị khi sửa luật phải theo hướng mở và theo tư duy "điều gì của quan hệ dân sự thì trả về đúng nghĩa của nó, nhưng chúng ta cứ nhấp nhé".

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) lại cho rằng nghề công chứng nếu không vì lợi nhuận thì không ai làm. Nếu nghề công chứng không vì mục đích lợi nhuận thì nghề công chứng thật cao cả.

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền cho rằng, khi sửa luật phải tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và công chứng viên. Đối với bản dịch, sau khi đi khảo sát, chúng tôi thấy nếu công chứng viên không biết ngoại ngữ sẽ thành "người mù đi công chứng cho người biết chữ". Vì vậy, người dịch phải chịu trách nhiệm về bản dịch, còn công chứng viên chịu trách nhiệm về hình thức. 

Đồng ý với ông Thuyền, Đại biểu Bùi Sĩ Lợi lưu ý việc quy định "hoạt động phi lợi nhuận là chưa đúng mà chính xác phải là hoạt động không vì mục đích lợi nhuận".

Ông lợi cũng lưu ý việc quy định tuổi hành nghề khác tuổi nghỉ hưu. Các luật chi tiết khi quy định tuổi nghỉ hưu phải xem xét các quy định trong Luật lao động để khong trái với luật này.

Còn Đại biểu Nguyễn Hồng Vinh (Hải Phòng) cho rằng, độ tuổi hành nghề chỉ quy định tuổi mà lại không quy định sức khỏe là không phù hợp.

Đại biểu Nguyễn Sĩ Cương (Ủy ban Pháp luật) đề nghị bỏ điều 13 về việc quy định các trường hợp không đủ tiêu chuẩn làm công chứng viên, vì điều 8 đã nêu về tiêu chuẩn của công chứng viên.

"Vì khi đã đủ tiêu chuẩn thì công nhận mà nếu không đủ thì không công nhận", Đại biểu Cương nói.

MỚI - NÓNG