> Thả nổi văn phòng công chứng
> Văn bản công chứng có giá trị như bản án?
Sai sót về thủ tục công chứng
Tháng 3/2011, Tiền Phong có bài viết “Mất nhà vì hợp đồng ủy quyền”, nêu vụ việc gia đình bà Nguyễn Thị Tiêu (trú tại phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, TP Hà Nội) khi ký giấy bán đi một nửa thửa đất để lấy tiền xây nhà trên nửa còn lại, họ không đọc kỹ các văn bản cán bộ công chứng đưa cho.
Sau này, khi nhà xây xong, có người đến chìa giấy nói rằng đã mua nốt nửa thửa đất còn lại, bà Tiêu mới biết là trước đó gia đình bà đã ký vào một hợp đồng ủy quyền, chứ không phải hợp đồng mua bán, và theo đó thì gia đình bà đã cho phép những kẻ cho vay nặng lãi được toàn quyền bán toàn bộ thửa đất của mình!
Khi đến Văn phòng công chứng N.T. tại Hà Nội để tìm gặp anh “công chứng viên” đã đến nhà mình, bà Tiêu mới biết người đến nhà bà hôm đó không phải là công chứng viên, chỉ là anh cán bộ giúp việc, còn công chứng viên có tên trong hợp đồng ủy quyền mà bà đã ký thì chưa bao giờ đến nhà bà!
Những chuyện như bà Tiêu gặp phải trên đây, thời gian qua không phải là quá hiếm. Trong nhiều vụ việc thực tế PV Tiền Phong có dịp tìm hiểu, nhiều cán bộ văn phòng công chứng và ngay cả một số công chứng viên đã mắc những lỗi như: Không giải thích kỹ cho đương sự các quy định pháp luật, quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia giao dịch đang được công chứng; Không chỉ ra những rủi ro tiềm ẩn khi các bên (thường rơi vào những người thiếu hiểu biết pháp luật) tham gia giao dịch; Không cấp cho một bên tham gia giao dịch văn bản công chứng (chỉ cấp cho người yêu cầu công chứng)…
Trong những vụ việc này, khi đương sự có khiếu nại, văn phòng công chứng thường lẩn tránh, không giải quyết thỏa đáng. Ngay cả những trường hợp đương sự có nhà báo đi cùng, cán bộ văn phòng công chứng cũng từ chối làm việc với lý do “công chứng viên đi vắng”.
Sai sót về áp dụng pháp luật
Trong loạt bài “Sai lệch ủy quyền, nhập nhèm thế chấp” đăng tháng 6/2011, Tiền Phong đã nêu trường hợp ba hộ nông dân ở Hà Tây (cũ) ký hợp đồng ủy quyền cho ông Nguyễn Duy Thế ở Hải Dương, và giao ba Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) cho ông Thế, để ông Thế “được toàn quyền và nhân danh” ba hộ nông dân thế chấp các bất động sản của họ cho ngân hàng để vay tiền.
Sau khi có các Giấy CNQSDĐ và hợp đồng ủy quyền, ông Thế đã thế chấp các bất động sản của ba hộ nông dân ở Hà Tây cho SeABank Chi nhánh Hải Dương để vay tiền. Bài báo Tiền Phong nêu rõ, khi ký kết hợp đồng thế chấp, ông Thế không nhân danh ba hộ nông dân, mà nhân danh chính mình. Sau khi ngân hàng cho vay tiền, ông Thế đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú.
Hiện đang có tranh chấp giữa ba hộ nông dân với ngân hàng. Do ông Thế vi phạm phạm vi đại diện theo hợp đồng ủy quyền, vì vậy theo quy định tại Điều 146 Bộ luật Dân sự (hậu quả của giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện) thì hợp đồng thế chấp ký kết giữa ông Thế và ngân hàng không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của ba hộ nông dân.
Điều đáng nói, cả hợp đồng đại diện và hợp đồng thế chấp trong vụ việc trên đây đều được ký kết, công chứng tại Văn phòng Công chứng V.T. ở Hà Nội. Có thể nhận định khi soạn thảo hoặc rà soát văn bản trước khi công chứng, công chứng viên của Văn phòng Công chứng V.T. đã không chỉ ra được lỗi của ông Thế khi tham gia hợp đồng thế chấp, dẫn đến hậu quả ngân hàng có thể không xử lý được tài sản bảo đảm để thu hồi nợ. Hiện vụ việc này đang được giải quyết bởi tòa án.
Và những sai sót khác…
Mới đây, Tiền Phong có bài viết về vụ một khách hàng mua đất tại dự án Đức Minh (TP Hải Dương) đã đóng đủ tiền, nhưng không được ký kết hợp đồng, không được bàn giao đất trên thực địa. Khi khách hàng này đòi lại tiền, văn phòng môi giới bất động sản không trả, và khách hàng này có đơn tố cáo chủ văn phòng môi giới còn rút “súng” dọa bắn!
Sau khi bài báo này đăng lên, PV Tiền Phong được biết, nhiều khách hàng đã mua đất của dự án Đức Minh đã được một doanh nghiệp nhận là “chủ đầu tư” mời đến Văn phòng Công chứng B.M. tại TP Hải Dương để… ký Hợp đồng mua bán bất động sản.
Theo điều tra của các PV Tiền Phong, việc ký kết hợp đồng mua bán bất động sản này không đúng quy định pháp luật, bởi bên bán chưa được cấp giấy chứng nhận đầu tư, chưa có quyết định giao đất (hiện tại lô đất vẫn đang được giao cho một chủ đầu tư khác, chưa có quyết định thu hồi và giao cho chủ đầu tư đang đứng ra bán đất thu tiền).
Việc công chứng hợp đồng mua bán bất động sản như ví dụ trên đây vi phạm quy định của Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Công chứng. Trong vụ việc này, công chứng viên có dấu hiệu đã tiếp tay bao che cho sai phạm của bên bán trong hợp đồng mua bán mà họ công chứng.
Kỳ sau: Những kiến nghị sửa đổi Luật Công chứng
Lĩnh án vì sai sót trong nghề Trong 6 năm thi hành Luật Công chứng, đã có 276 trường hợp vi phạm tại các tổ chức hành nghề công chứng, bị xử lý hành chính. Đáng lưu ý, có một số công chứng viên đã phải hầu tòa bởi những sai sót trong quá trình hành nghề. Ví dụ trường hợp của công chứng viên Hoàng Văn Sự (SN 1957, Phòng Công chứng số 5, Hà Nội). Hồi tháng 6/2013, ông Sự bị TAND TP Hà Nội tuyên phạt 4 năm tù về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Theo cáo buộc, từ tháng 1 đến tháng 10/2010, ông Sự đã không kiểm tra kỹ hồ sơ yêu cầu công chứng, ký công chứng 10 hợp đồng góp vốn, từ đó tạo điều kiện cho kẻ xấu chiếm đoạt hơn 10 tỷ đồng. Hoặc trường hợp của công chứng viên Ngô Quang Anh (SN 1971, Văn phòng công chứng Mỹ Đình, Hà Nội). Tháng 5/2012, ông Quang Anh bị TAND TP Hà Nội tuyên phạt 24 tháng cải tạo không giam giữ về hành vi vu khống Bí thư Huyện ủy Từ Liêm. Theo cáo buộc, từ việc tư vấn cho các hộ dân khởi kiện, Quang Anh đã sửa, soạn thảo và phát tán tài liệu vu khống lãnh đạo huyện ủy Từ Liêm |