Sửa Nghị quyết 35:

Đề nghị 2 mức 'tín nhiệm' và 'không tín nhiệm'

Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội). Ảnh: Như Ý.
Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội). Ảnh: Như Ý.
TP - Chiều 20/11, thảo luận về dự thảo Nghị quyết sửa đổi về lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm, nhiều đại biểu đề nghị chỉ nên lấy hai mức tín nhiệm thay vì ba mức như hiện nay; đồng thời, phải bãi miễn ngay người đã mất tín nhiệm.

“Lãnh đạo có tầm, có tâm sẽ coi lấy phiếu là cơ hội để khắc phục khuyết điểm chứ không có gì nặng nề, không sợ gì việc lấy phiếu” - đại biểu (ĐB) Bùi Thị An (Hà Nội) nhấn mạnh.

Mỗi nhiệm kỳ 2 lần lấy phiếu

Các ĐB cho rằng, cần coi lấy phiếu như công tác giám sát của Quốc hội đối với các chức danh, đó là giám sát về trách nhiệm, thực hiện nhiệm vụ được giao. “Vì vậy, chỉ nên đưa ra lấy hai mức tín nhiệm và không tín nhiệm - có như vậy mới dễ lượng hóa được mức độ tín nhiệm với mỗi người được lấy phiếu”- ĐB An kiến nghị.

“Lãnh đạo có tầm, có tâm sẽ coi lấy phiếu
là cơ hội để khắc phục khuyết điểm chứ không có gì nặng nề, không sợ gì việc lấy phiếu”

Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội)

Theo bà An và một số ĐB, lấy phiếu mà tín nhiệm thấp cũng có tác dụng tốt, đó là động lực mạnh mẽ để lần lấy phiếu sau người được lấy phiếu cố gắng hơn, để có phiếu cao hơn. “Nhiều cử tri gửi gắm đến tôi trước kỳ họp là chỉ nên quy định ở hai mức tín nhiệm, còn nếu duy trì ở ba mức như hiện nay sẽ rất khó đánh giá ai tốt hơn ai” - ĐB An cho hay.

Đề nghị 2 mức 'tín nhiệm' và 'không tín nhiệm' ảnh 1

 Đại biểu Võ Thị Dung (TPHCM). Ảnh: Như Ý.

Chia sẻ quan điểm này, ĐB Võ Thị Dung (TPHCM) bày tỏ, không nên lấy phiếu chỉ một lần, mà phải lấy hai lần trong nhiệm kỳ. Vì như vậy thì lấy phiếu mới thực sự phát huy tác dụng đối với người được lấy phiếu. Tán thành quan điểm lấy hai mức phiếu thay vì ba mức, bà Dung kiến nghị: “Tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội đã phát phiếu thăm dò nên lấy mấy mức, nay cần công bố để ĐB nắm được đầy đủ thông tin”.

“Tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội đã phát phiếu thăm dò nên lấy mấy mức, nay cần công bố để
đại biểu nắm được đầy đủ thông tin”.

 Đại biểu Võ Thị Dung (TPHCM)

Về thời điểm, ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) gợi ý nên tiến hành cuối năm thứ hai và năm thứ tư, đủ để người được lấy phiếu phấn đấu, thể hiện trách nhiệm. Lấy phiếu lần một là để giám sát, lấy lần hai giống như tái giám sát xem các vị đó đã tiếp thu, đã chuyển biến đến đâu.

“Kết quả lấy phiếu giúp người được lấy phiếu có thêm động lực làm tốt nhiệm vụ, khắc phục những tồn tại. Lấy phiếu vào năm thứ tư còn làm cơ sở để chuẩn bị công tác cán bộ nhiệm kỳ tới. Cử tri nói rằng chỉ nên lấy hai mức phiếu tín nhiệm và nên giữ đối tượng như hiện nay”, ông Hà cho biết.

Dẫn chứng hai vị Bộ trưởng GTVT và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa qua lấy phiếu có kết quả tín nhiệm cao, khác hẳn lần đầu, ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) nhấn mạnh “phải để cho những người được lấy phiếu có cơ hội khẳng định sự nỗ lực của mình, nếu lần đầu họ bị tín nhiệm thấp”.

Đề nghị 2 mức 'tín nhiệm' và 'không tín nhiệm' ảnh 2

Đại biểu Lê Thị Nga. Ảnh: Như Ý

Phiếu thấp thì bãi miễn ngay

Một số ĐB cho rằng, để hiện thực quy định từ chức cần có văn hóa từ chức và phải rõ trách nhiệm cá nhân.

Việc giữ nguyên 3 mức tín nhiệm (tại dự thảo) là chưa phù hợp, dẫn đến hệ quả: Chưa cần lấy phiếu đã mặc định trước kết quả là tất cả các chức danh đều được tín nhiệm.

Đại biểu Lê Thị Nga

Dự thảo quy định, người có quá nửa tổng số đại biểu bỏ phiếu không tín nhiệm có thể xin từ chức. Trường hợp không từ chức thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền trình QH, HĐND xem xét quyết định miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm, cách chức với người đó.

Tuy nhiên, theo ĐB Võ Thị Dung, Quốc hội không nên chờ đợi đối tượng có số phiếu tín nhiệm thấp tự từ chức. Bởi vì, nếu phiếu tín nhiệm quá thấp thì phải xem xét bãi miễn, bãi nhiệm theo quy định ngay.

Đề nghị quy định rõ trách nhiệm của người được lấy phiếu phải kê khai tài sản trung thực và kê khai thu nhập cá nhân.

Đại biểu Phạm Trường Dân (Quảng Nam)

ĐB Phạm Tường Dân (Quảng Nam) đề nghị quy định rõ trách nhiệm của người được lấy phiếu phải kê khai tài sản trung thực và kê khai thu nhập cá nhân. Cùng với đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân không được lợi dụng việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm để vận động hoặc có hành vi trái pháp luật tác động đến ĐBQH, ĐB HĐND dưới bất kỳ hình thức nào.

Đề nghị 2 mức 'tín nhiệm' và 'không tín nhiệm' ảnh 3

Đại biểu Phạm Trường Dân (Quảng Nam). Ảnh: Như Ý.

“ĐBQH, HĐND nếu nhận được thông tin tác động đến mình cần báo đến trưởng đoàn ĐBQH, tổ trưởng HĐND để tập hợp báo cáo Thường vụ QH, thường trực HĐND”, ông Dân cho biết.

MỚI - NÓNG
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
TPO - Ngày 13/12, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho biết đã thông báo tổ chức giao thông tạm thời qua cầu Thị Nại, TP. Quy Nhơn. Thời gian xếp xe thử tải bắt đầu từ lúc 8h đến 22h ngày 15/12. Đây là cầu vượt biển đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, hiện là cầu vượt biển dài thứ 2, sau cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ở Hải Phòng.