Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga:

Nên có mức phiếu không tín nhiệm

TPO - Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, chỉ nên quy định 2 mức đánh giá “tín nhiệm” và “không tín nhiệm”. Ngoài ra, trong ô “tín nhiệm” chia nhỏ thành 2 mức “tín nhiệm” và “tín nhiệm cao”.
Nên có mức phiếu không tín nhiệm ảnh 1

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga. Ảnh: PLO

Thảo luận tại Hội trường về dự thảo Nghị quyết sửa đổi về lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm, Phó Chủ nhiệm Lê Thị Nga nhấn mạnh: Việc giữ nguyên 3 mức tín nhiệm (tại dự thảo) là chưa phù hợp, dẫn đến hệ quả: Chưa cần lấy phiếu đã mặc định trước kết quả là tất cả các chức danh đều được tín nhiệm.

“Việc lấy phiếu chỉ còn có ý nghĩa xác định tín nhiệm cao, vừa, hay thấp mà thôi” – Bà Nga phân tích.

Cũng theo ĐB Nga, sau cả năm thực thi nhiệm vụ, có những lĩnh vực chuyển biến tích cực, có lĩnh vực chưa chuyển biến nhiều, thậm chí một số mặt đi xuống. Vậy, dựa trên căn cứ thực tiễn, khoa học và pháp lý nào mà Quốc hội lại ấn định là tất cả những người đứng đầu đều mặc nhiên được tín nhiệm trước khi lấy phiếu? Kiến nghị nên có mức phiếu “không tín nhiệm”.

ĐB Nga phân tích: “Không có mức “không tín nhiệm” vô hình chung đã hạn chế quyền của đại biểu trong trường hợp đại biểu không tín nhiệm một chức danh nào đó. Qua đó đã hạn chế luôn cả quyền này của cử tri vì lá phiếu đánh giá của ĐBQH là thực hiện sự ủy nhiệm của cử tri. 

'Đại biểu không có cách nào để thể hiện chính kiến của mình, nếu ghi thêm chữ “không tín nhiệm” thì phiếu trở thành không hợp lệ” – ĐB Nga bày tỏ.

Cũng theo ĐB Nga, việc lấy phiếu như quy định tại dự thảo khá thận trọng, ít có khả năng xảy ra hệ quả xấu đối với người được lấy phiếu. Đề nghị chỉ quy định 2 mức đánh giá “tín nhiệm” và “không tín nhiệm”. Trong ô “tín nhiệm” chia nhỏ thành 2 mức “tín nhiệm” và “tín nhiệm cao”.

MỚI - NÓNG