Tín nhiệm và tâm tư

TP - Chiều qua, nhiều người vui, cũng không ít người rất tâm tư. Đó là khi kết quả lấy phiếu tín nhiệm các chức danh chủ chốt do Quốc hội bầu và phê chuẩn được công bố. Nhưng ít ai đọc được từ những con số ấy sự bất ngờ. 

Ngoạn mục nhất có lẽ là cú “tăng tốc” của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, khi năm ngoái chỉ có 88 phiếu tín nhiệm cao, nay vượt lên tới 323 phiếu, gấp gần 4 lần. Tín nhiệm thấp từ 209 phiếu nay giảm còn 41. 

Ấn tượng không kém là Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng, tăng gấp đôi số phiếu tín nhiệm cao, từ 186 phiếu năm ngoái lên 362 phiếu, tín nhiệm thấp giảm từ 99 xuống còn 28. Nếu như ngân hàng là lĩnh vực cần ít nhiều chuyên môn để đánh giá, thì với ngành giao thông vận tải, dường như ai cũng có thể nhìn thấy... 

  

Tuy nhiên, có những lĩnh vực “dễ nhìn thấy” khác, cũng đã được các đại biểu Quốc hội chấm điểm một cách sòng phẳng. Và rồi tỷ lệ thấp nhất lại vẫn rơi vào văn hóa, y tế, giáo dục, tài nguyên môi trường… Tư lệnh ngành Văn hóa và Y tế, số phiếu tín nhiệm cao vẫn chỉ đạt khoảng 1/5 tổng số phiếu bầu (485 phiếu) trong khi số phiếu tín nhiệm thấp năm nay lại tăng thêm so với năm ngoái. Bộ trưởng Nội vụ giảm tín nhiệm cao từ 126 xuống còn 98 phiếu. Bộ trưởng TN&MT tăng tín nhiệm cao từ 83 lên 85 phiếu, nhưng tín nhiệm thấp lại “bị” cộng thêm 7 phiếu. Tư lệnh ngành giáo dục đào tạo có nhích hơn năm trước, nhưng không đáng kể.

Có những ngành như khoa học công nghệ, tưởng rằng “bí hiểm”, hóa ra không, chẳng có sự “dĩ hòa vi quý” nào. Khi phiếu tín nhiệm cao dành cho tư lệnh ngành này thẳng thừng chỉ còn 105, mất gần 30 phiếu so với trước. Có lẽ đại biểu và cử tri không khó để nhận thấy sự “thua cuộc” rõ ràng của các nhà khoa học trên mặt trận vốn rất quan trọng đối với sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước?

Kết quả vậy, nhiều tư lệnh ngành tâm tư là không tránh khỏi. Có lẽ vì thế, bên hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu đã bày tỏ thái độ chia sẻ, cảm thông. Khi cho rằng tín nhiệm thấp không hẳn do sự điều hành của các tư lệnh ngành. 

Đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng: “Đối với ngành y tế, con số tín nhiệm phản ánh một thực tế của bản thân những vấn đề của ngành y tế, nó rất lớn và gắn với đời sống, gắn liền với lợi ích của người dân, sự hài lòng của người dân và và con số đó phản ánh đúng thôi. Ở đây cần có cả sự chia sẻ, hơn là chỉ có sự đòi hỏi”. 

Đúng là có những lĩnh vực đòi hỏi các bộ ngành và xã hội cùng sẻ chia, tháo gỡ. Bởi trong một cơ chế còn nhiều chồng lấn, nhiều khi do sự liên quan, chồng chéo giữa các ngành với nhau, cái khó này buộc vào cái khó kia, cùng bùng nhùng, ì ạch. 

Tâm tư cũng phải thôi. Tuy nhiên, cũng cần rạch ròi sự liên quan mang tính nhân quả, giữa thiếu tín nhiệm và thiếu trách nhiệm. 


MỚI - NÓNG