Để giảm thiểu tình trạng người lao động hưởng BHXH một lần

0:00 / 0:00
0:00
Tình trạng số người hưởng BHXH một lần nhiều và có xu h ướng gia tăng trong thời gian qua là vấn đề đáng lo ngại. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới quyền lợi lâu dài của người lao động, còn ảnh hưởng như nỗ lực của Đảng, Nhà nước trong việc bảo đảm an sinh xã hội, hướng tới mục tiêu “BHXH toàn dân”, như Nghị quyết số 28-NQ/TW năm 2018 của Trung ương Đảng về cải cách chính sách BHXH đã xác định.

Trước thực trạng trên, là cơ quan đại diện, bảo vệ quyền lợi người lao động, công đoàn viên, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp để góp phần giảm số lượng người lao động hưởng BHXH một lần.

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn đã chỉ đạo các cấp công đoàn kịp thời triển khai, thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách nhằm giảm số lượng người lao động hưởng BHXH một lần.

Các cấp công đoàn được yêu cầu phối hợp với cơ quan BHXH đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN nói chung, BHXH một lần nói riêng. Qua đó nhằm nâng cao hiểu biết và ý thức pháp luật cho đoàn viên công đoàn và người lao động.

Cán bộ công đoàn đi sâu tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, xác định nhóm đoàn viên, người lao động có nguy cơ hưởng BHXH một lần để tuyên truyền, vận động, giải thích về những hệ lụy của việc hưởng BHXH một lần, như: Tự tước đi quyền lợi liên quan đến khám chữa bệnh theo BHYT; mất cơ hội hưởng lương hưu khi về già; không được hưởng chế độ tử tuất; ảnh hưởng đến cuộc sống của bản thân, gia đình hiện tại và tương lai cũng như chính sách an sinh xã hội chung.

Công đoàn cũng tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động. Tăng cường xã hội hóa các nguồn lực, tìm kiếm các đối tác tín dụng nhằm hỗ trợ tốt nhất cho người lao động, nhất là người lao động có hoàn cảnh khó khăn, giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt, tiếp tục đồng hành với người sử dụng lao động trong sản xuất, kinh doanh.

Nâng cao hiệu quả các hoạt động đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên công đoàn và người lao động của tổ chức công đoàn. Chú trọng các hoạt động bảo vệ và duy trì việc làm bền vững cho người lao động; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.

Để giảm thiểu tình trạng người lao động hưởng BHXH một lần ảnh 1

Việc tham gia BHXH, BHYT, BHTN giúp người lao động và gia đình giảm bớt khó khăn khi gặp các rủi ro trong sức khoẻ, công việc. Ảnh minh hoạ.

Công đoàn cũng tăng cường công tác tham gia thanh kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN; kịp thời phát hiện và kiến nghị xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là các hành vi trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi tiền BHXH, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên công đoàn và người lao động để người lao động an tâm, tiếp tục tham gia, gắn bó lâu dài với hệ thống BHXH.

Trước tình hình các doanh nghiệp nợ đọng BHXH ngày càng tăng cao, năm 2014, Tổng Liên đoàn đã chủ trì ký kết Chương trình phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH, BHXH Việt Nam về giám sát việc thực hiện pháp luật BHXH trong các loại hình doanh nghiệp. Từ đó đến nay, bình quân mỗi năm, Đoàn giám sát liên ngành cấp trung ương do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì đã thực hiện giám sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN tại 15 - 20 doanh nghiệp thuộc 4 – 6 tỉnh thành.

Thông qua hoạt động giám sát đã giúp các cơ quan chức năng nắm bắt, đánh giá rõ tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN của các doanh nghiệp; phát hiện những vấn đề bất cập, chưa hợp lý trong thực hiện chính sách.

Năm 2017, tại 5 địa phương được Đoàn giám sát liên ngành thực hiện giám sát có tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN lên tới trên 332 tỷ đồng, chưa kể hàng nghìn người lao động bị đóng thiếu, chưa được đóng BHXH, BHYT, BHTN… Kết thúc giám sát, Đoàn giám sát liên ngành đã đưa ra trên 130 kết luận, kiến nghị đối với các doanh nghiệp và các cơ quan chức năng địa phương nhằm nâng cao hiệu quả việc thực hiện các quy định của pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN. Tại thời điểm giám sát, gần 11 tỷ đồng tiền nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN đã được các doanh nghiệp khắc phục.

Ở địa phương, hoạt động phối hợp giữa Công đoàn với các cơ quan hữu quan trong thanh kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật nói chung, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN nói riêng được đặc biệt quan tâm, trở thành một trong những hoạt động được duy trì đều đặn.

MỚI - NÓNG