Đề án quy hoạch báo chí là vấn đề nhạy cảm, phức tạp

TP - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Bắc Son nói như vậy tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, chiều 25/4.

Bên cạnh đó, ông Son cũng cho rằng để xảy ra sự cố đứt cáp quang, khiến đường truyền trục trặc thì các nhà mạng cũng nên xin lỗi người tiêu dùng cho đúng với văn hóa kinh doanh.

Ít quốc gia có nhiều báo chí như Việt Nam

Trả lời câu hỏi của phóng viên về Đề án quy hoạch báo chí chuẩn bị được công bố nhưng đến nay vẫn chưa công khai Dự thảo, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cho biết, việc triển khai đề án này là nhiệm vụ quan trọng của Chính phủ và đã được thực hiện từ 9 năm trước. “Sau một thời gian dừng lại, gần đây Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu quy hoạch lại đề án này. Đây là vấn đề rất nhạy cảm, phức tạp, ảnh hưởng đến nhiều công chức, cá nhân và các cơ quan báo chí trên cả nước” – Bộ trưởng Son nhấn mạnh, đồng thời cho biết, ít quốc gia có nhiều báo như ở nước ta.

Cũng theo ông Son, đây là văn bản cá biệt, đã lấy ý kiến tất cả các đối tượng, trong đó có các bộ, ngành, cơ quan chủ quản và các địa phương, đồng thời cũng tổ chức hội thảo khoa học. Ban cán sự Đảng Chính phủ đã trình Bộ Chính trị. “Trong kết luận của Bộ Chính trị cũng không yêu cầu phải lấy ý kiến của tất cả các đối tượng”, ông Son nói và cho biết thêm, trong quá trình triển khai, Bộ TT&TT đã làm đúng theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. 

“Đây là vấn đề lớn, phức tạp và đụng chạm đến nhiều cơ quan báo chí, nên sẽ phải xem xét lại và hoàn chỉnh đề án theo quyết định của Bộ Chính trị. Đề án quy hoạch báo chí sẽ sớm được ban hành trong thời gian tới và sẽ có kế hoạch quán triệt tổ chức triển khai” – Bộ trưởng Son nói. Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết thêm: “Chắc chắn Thủ tướng sẽ cân nhắc rất kỹ trước khi ban hành, nên báo chí cũng không nên quá băn khoăn”.

Nhà mạng nên xin lỗi người tiêu dùng

Đề cập đến sự cố đứt cáp quang trên biển vừa qua, Bộ trưởng Son cho biết, internet đã và đang trở thành dịch vụ thiết yếu, không thể thiếu trong đời sống xã hội. Vì vậy, việc này cũng đặt ra thách thức lớn cho doanh nghiệp trong việc cung cấp dịch vụ. Áp lực với doanh nghiệp càng tăng lên khi đường truyền trục trặc. Theo Bộ trưởng Son, Việt Nam hiện chưa có điều kiện xây dựng đường truyền độc lập và thời gian qua có nhiều tác nhân ảnh hưởng đến đường truyền, trong đó có sự phá hoại và những tác động từ các hoạt động trên biển khi tàu bè đi qua va quệt vào. 

“Chúng ta phải nâng cao cảnh giác, bảo vệ an toàn hạ tầng thông tin. Sau sự cố năm ngoái, Bộ đã chỉ đạo các tập đoàn phải gia cố hơn nữa công tác đảm bảo an toàn, đồng thời xây dựng thêm những tuyến cáp quang mới. VNPT đã triển khai thêm 2 tuyến cáp quang mới, cuối năm nay sẽ hoàn thành. Ngoài ra, Viettel cũng đang triển khai xây dựng tuyến cáp quang mới trên biển” – ông Son cho biết.

Theo ông Son, việc cung cấp dịch vụ thiết yếu xảy ra đứt đoạn thì người cung cấp dịch vụ cũng phải có trách nhiệm thông báo và có lời xin lỗi với người tiêu dùng. “Không phải chỉ vấn đề cáp quang biển, mà ngay cả dịch vụ di động nếu nghẽn mạng cũng phải có lời xin lỗi với khách hàng. Đó là văn hóa trong kinh doanh” – Bộ trưởng Son nói.

Đề cập đến việc tăng cước 3G, ông Son cho hay, hiện giá cước 3G đang được bán dưới giá thành, trong khi mức đầu tư cho đường truyền cáp quang rất lớn nhưng lại chưa tăng giá cước. “Việc tăng giá cước là cần thiết để đầu tư phục vụ chất lượng tốt hơn. Chúng tôi sẽ giám sát chặt chẽ hơn nữa để đảm bảo việc tăng giá cước phải theo đúng quy định của pháp luật” – Bộ trưởng Son nói.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.