ĐBQH: Miễn phí thông tin, dữ liệu đo đạc và bản đồ phục vụ quốc phòng

Chủ nhiệm Uỷ ban KHCN&MT Phan Xuân Dũng
Chủ nhiệm Uỷ ban KHCN&MT Phan Xuân Dũng
TPO - Trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật vẫn có ý kiến ĐBQH đề nghị cần quy định cụ thể ngay trong luật này việc cung cấp miễn phí thông tin, dữ liệu phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh để bảo đảm việc thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh cấp bách.

Sáng 12/3, báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đo đạc và Bản đồ, Chủ nhiệm Uỷ ban KH,CN&MT Phan Xuân Dũng cho biết: Có ý kiến ĐBQH đề nghị xem xét, bổ sung quy định việc cung cấp miễn phí thông tin, dữ liệu đo đạc và bản đồ (ĐĐ&BĐ) phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, cứu hộ, cứu nạn, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu, giám sát tài nguyên và môi trường.

Về việc này, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT cũng như ban soạn thảo cho rằng, tại Điều 10 Luật Phí và Lệ phí năm 2015 quy định về miễn, giảm phí, lệ phí và thẩm quyền quyết định đối tượng được miễn, giảm đối với từng khoản phí, lệ phí. Phụ lục 1 kèm theo Luật này quy định việc khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu ĐĐ&BĐ phải trả phí. Do vậy, việc miễn phí cung cấp thông tin, dữ liệu sản phẩm ĐĐ&BĐ phải thực hiện theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.

Theo đó, để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, Dự thảo Luật đã quy định tại điểm c khoản 5 Điều 41: “Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu, sản phẩm ĐĐ&BĐ thuộc sở hữu nhà nước phải trả phí theo quy định của pháp luật”.

Tuy nhiên, trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật vẫn có ý kiến ĐBQH đề nghị cần quy định cụ thể ngay trong luật này việc cung cấp miễn phí thông tin, dữ liệu phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh để bảo đảm việc thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh cấp bách.

Cho ý kiến về việc này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đồng ý quy định về nguyên tắc, có thể giao Chính phủ quy định cụ thể về việc này. 

Cũng theo ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT một số ý kiến của ĐBQH đề nghị nội dung quản lý nhà nước về ĐĐ&BĐ cần xem xét, rà soát các quy định liên quan tới trách nhiệm của Bộ TN&MT, Bộ Quốc phòng, các Bộ có liên quan và UBND các cấp. Ý kiến khác cho rằng không nên quy định trách nhiệm của các Bộ, ngành rải rác trong Luật và đề nghị cần quy định tập trung tại Chương quản lý nhà nước về ĐĐ&BĐ (Chương VIII).

Tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, Thường trực Ủy ban KHCN&MT cùng ban soạn thảo đã rà soát, bổ sung các quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về ĐĐ&BĐ vào Dự thảo Luật và được thể hiện như tại Chương VIII. Đồng thời, sau khi rà soát, chỉnh lý thì các quy định trách nhiệm của các Bộ, ngành tại các Chương, Điều chủ yếu về việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ cụ thể của các Bộ, ngành trong hoạt động ĐĐ&BĐ cơ bản và ĐĐ&BĐ chuyên ngành. Cơ quan thẩm tra đề nghị cho phép giữ những quy định này như trong Dự thảo Luật.   

Bên cạnh đó, một số ĐBQH cho rằng không nên thể hiện quá cụ thể trách nhiệm của Bộ Quốc phòng trong hoạt động ĐĐ&BĐ, khi cần quy định cụ thể trách nhiệm của Bộ Quốc phòng trong việc thực hiện các nội dung ĐĐ&BĐ thì Chính phủ sẽ phân công trực tiếp.

Nghiên cứu ý kiến xác đáng nêu trên, Thường trực Ủy ban KHCN&MT và ban soạn thảo trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hai phương án thể hiện Điều 24 (Đo đạc và bản đồ quốc phòng) và Điều 27 (Đo đạc, thành lập hải đồ) như trong dự thảo Luật.

“Việc thể hiện như vậy sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Bộ Quốc phòng cũng như các bộ, ngành khác triển khai tại những địa điểm nhạy cảm, thời gian nhạy cảm, nhất là những vấn đề liên quan đến biển đảo và chủ quyền quốc gia, vì lúc đó triển khai sẽ rất khó khăn, thậm chí không thể triển khai được”, ông Dũng cho hay.

Về việc này, Thường trực Ủy ban KHCN&MT và ban soạn thảo lựa chọn phương án 2 như tại Điều 24 và Điều 27 dự thảo Luật. Đồng thời, để làm rõ tránh nhiệm của Bộ Quốc phòng, Dự thảo Luật đã bổ sung quy định về trách nhiệm của Bộ Quốc phòng là thực hiện các nhiệm vụ đo đạc và bản đồ khác do Chính phủ giao (điểm g khoản 1 Điều 60).

Cụ thể, Điều 24 về Đo đạc và bản đồ quốc phòng

Phương án 1:

1. Nội dung đo đạc và bản đồ quốc phòng bao gồm:

a) Xây dựng, quản lý, khai thác hệ tọa độ quân sự; hệ thống điểm tọa độ, điểm độ cao quân sự; hệ thống định vị dẫn đường, hệ thống không ảnh dùng cho quân sự;

b) Xây dựng hệ thống bản đồ địa hình, hải đồ và các loại bản đồ chuyên ngành dùng cho quân sự; cơ sở dữ liệu địa lý phục vụ mục đích quân sự, quốc phòng;

c) Đo đạc, khảo sát, nghiên cứu biển phục vụ mục đích quốc phòng;

d) Các hoạt động đo đạc và bản đồ khác bảo đảm cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng.

2. Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm tổ chức triển khai hoạt động đo đạc và bản đồ quốc phòng.

Phương án 2:

1. Nội dung đo đạc và bản đồ quốc phòng bao gồm:

a) Xây dựng, quản lý, khai thác hệ tọa độ quân sự; hệ thống điểm tọa độ, điểm độ cao quân sự; hệ thống định vị dẫn đường, hệ thống không ảnh dùng cho quân sự;

b) Xây dựng các loại bản đồ chuyên ngành dùng cho quân sự; cơ sở dữ liệu địa lý phục vụ mục đích quân sự, quốc phòng;

c) Đo đạc, khảo sát, nghiên cứu biển phục vụ mục đích quốc phòng;

d) Các hoạt động đo đạc và bản đồ khác bảo đảm cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng theo phân công của Chính phủ.

2. Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm tổ chức triển khai hoạt động đo đạc và bản đồ quốc phòng.

Điều 27. Đo đạc, thành lập hải đồ

Phương án 1:

1. Hải đồ được thành lập trong hệ tọa độ quốc gia hoặc hệ tọa độ quốc tế, hệ độ cao hải đồ cho vùng nước cảng biển, luồng, tuyến hàng hải, vùng biển.

2. Nội dung đo đạc, thành lập hải đồ bao gồm:

a) Đo đạc, cập nhật tọa độ, độ sâu đáy biển, các đối tượng địa lý trên mặt biển, trong lòng biển, đáy biển;

b) Thu thập, cập nhật thông tin, dữ liệu về các đối tượng địa lý trên mặt biển, trong lòng biển, đáy biển;

c) Thành lập, cập nhật hải đồ;

d) Xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu hải đồ.

3. Hải đồ được đo đạc, thành lập theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và phù hợp tiêu chuẩn của Tổ chức thủy đạc quốc tế (IHO).

4. Bộ Quốc phòng tổ chức thực hiện đo đạc, thành lập hải đồ vùng biển Việt Nam và liền kề.

5. Bộ Giao thông vận tải tổ chức thực hiện đo đạc, thành lập hải đồ theo quy định của pháp luật về hàng hải.

6. Các bộ có liên quan tham gia đo đạc, thành lập hải đồ theo sự phân công của Chính phủ.

Phương án 2:

1. Hải đồ được thành lập trong hệ tọa độ quốc gia hoặc hệ tọa độ quốc tế, hệ độ cao hải đồ cho vùng nước cảng biển, luồng, tuyến hàng hải, vùng biển.

2. Nội dung đo đạc, thành lập hải đồ bao gồm:

a) Đo đạc, cập nhật tọa độ, độ sâu đáy biển, các đối tượng địa lý trên mặt biển, trong lòng biển, đáy biển;

b) Thu thập, cập nhật thông tin, dữ liệu về các đối tượng địa lý trên mặt biển, trong lòng biển, đáy biển;

c) Thành lập, cập nhật hải đồ;

d) Xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu hải đồ.

3. Hải đồ được đo đạc, thành lập theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và phù hợp tiêu chuẩn của Tổ chức thủy đạc quốc tế (IHO).

4. Các bộ có liên quan tham gia đo đạc, thành lập hải đồ theo sự phân công của Chính phủ.

MỚI - NÓNG