Ủng hộ việc giám sát 1.000 cán bộ cấp cao thuộc diện Bộ chính trị, Ban bí thư quản lý, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho đây là quyết định quan trọng để triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, làm trong sạch đội ngũ cán bộ nắm vị trí trọng trách lớn nhất của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị xã hội, cũng như doanh nghiệp tập đoàn của nhà nước.
Theo ông Nhưỡng, qua một số nghị quyết từ Đại hội lần thứ XI, XII, Nghị quyết Trung ương 6 trước đây và Nghị quyết Trung ương 4 vừa qua, đây là bước triển khai thực hiện các nghị quyết chứ không phải vấn đề bây giờ mới đề ra.
“Đây là bước đột phá, được làm với tất cả những người đứng đầu, đặc biệt những trường hợp có sự tố cáo, có ý kiến của dư luận về vi phạm đạo đức, pháp luật, có thể tham nhũng”, đại biểu từng là thành viên Ban chỉ đạo cải cách tư pháp nhìn nhận.
Tuy nhiên theo ông, khi ban hành chủ trương này, lại có những ý kiến đặt ra: Tại sao lại không làm với những cán bộ khác? Vì theo báo cáo của Tổng thanh tra Chính phủ trước đây, tình trạng tham nhũng xảy ra ở mọi cấp, mọi ngành mọi lĩnh vực.
Lý giải việc này, ông Nhưỡng cho rằng, 1.000 cán bộ do Bộ chính trị, Ban bí thư quản lý là phần đưa vào diện giám sát đầu tiên để làm gương. Còn lại, Đảng chỉ đạo cho các địa phương, bộ ngành tiếp tục rà soát các cán bộ trong phạm vi của mình chứ không phải không làm. Bên cạnh đó, nếu đã làm được với đội ngũ cán bộ cao cấp nhất thì với đội ngũ cán bộ cấp dưới sẽ làm và làm được dễ dàng hơn.
“Đây là tuyên ngôn quan trọng đối với nhân dân, đảng viên về thái độ của Đảng đối với việc chống tiêu cực và tham nhũng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng phát biểu là không có “vùng cấm”. Vì thế, quyết định này có ý nghĩa tạo niềm tin của đảng viên, nhân dân đối với đảng, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay”, ông Nhưỡng cho hay.
ĐBQH cũng thể hiện mong muốn, Đảng đã đề ra thì quyết tâm làm đến cùng và xử lý một cách nghiêm khắc. Tất nhiên, quá trình làm phải xem xét thận trọng, đánh giá khách quan, vừa để giữ được uy tín cán bộ, nhưng phải xử lý được những cán bộ sai phạm. Đồng thời phải công khai cho nhân dân biết Đảng đã xử lý đến đâu, làm những gì.
Cùng với đó, trong quá trình giám sát, xử lý phải dựa vào MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội và dựa vào nhân dân, báo chí, đảm bảo tính khách quan, dân chủ. Trong đó, cần có sự ưu tiên tập trung vào những nơi mà có ảnh hưởng và quyết định lớn nhất đến công tác cán bộ và sử dụng tài sản, ngân sách nhà nước.
“Sự kiện này sẽ thu hút mạnh mẽ sự tham gia giám sát của nhân dân, của báo chí và tổ chức xã hội, thậm chí của báo chí quốc tế. Chính vì thế, chúng ta phải làm việc một cách nghiêm túc, nếu không cẩn thận sẽ đổ vỡ, dẫn đến việc mất uy tín của Đảng. Tôi hi vọng việc này có tiến triển tốt dù sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn”, ông Lưu Bình Nhưỡng bày tỏ.