Đẩy nhanh tốc độ giảm nợ xấu

TP - “Từ khi triển khai Đề án xử lý nợ xấu đến nay, công tác xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng thời gian qua có nhiều “cái được”...", nhận định của Ngân hàng Nhà nước.
Đẩy nhanh tốc độ giảm nợ xấu ảnh 1

 Nợ xấu phấn đấu giảm ở mức khoảng 3% vào năm 2015. Ảnh: Như Ý

“Từ khi triển khai Đề án xử lý nợ xấu đến nay, công tác xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng thời gian qua có nhiều “cái được”, đó là đã giảm được một nửa nợ xấu, có giải pháp phù hợp với việc thành lập Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) và nâng cao tính công khai, minh bạch về thông tin”- Nhận định của Ngân hàng Nhà nước.

Nợ xấu giảm hơn một nửa

Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 9/2014, tỷ lệ nợ xấu là 3,88%. Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, mức nợ xấu này có chiều hướng giảm so với thời gian trước. Cụ thể, tháng 6 nợ xấu là 4,17%, tháng 7 là 4,11% và tháng 8 là 3,9%. Báo cáo tại phiên họp thường kỳ tháng 10 của Chính phủ, lãnh đạo NHNN cho biết, tính đến giữa tháng 9, nợ xấu của hệ thống tín dụng là 5,43%. Như vậy, kể từ khi triển khai Đề án xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng (năm 2012 đến tháng 10/2014), tỷ lệ nợ xấu đã giảm hơn một nửa (từ 460.000 tỷ đồng xuống còn 252.000 tỷ đồng, tương đương 54,3%).

Kinh nghiệm quốc tế về xử lý nợ xấu cho thấy để xử lý nhanh và hiệu quả, các nước thường phải chi một khoản lớn từ Nhà nước, đồng thời phải có khung khổ pháp lý hoàn chỉnh về xử lý nợ xấu, Luật về Công ty quản lý tài sản và có thị trường tài chính phát triển. Việc xử lý nợ xấu ở nước ta gặp nhiều khó khăn do khung khổ pháp lý chưa hoàn chỉnh, ngân sách nhà nước còn hạn hẹp và phải ưu tiên bảo đảm an sinh xã hội, đầu tư phát triển nên không có nguồn để xử lý nợ xấu. Kết quả xử lý nợ xấu trong thời gian qua thể hiện nỗ lực của các ngành, các cấp, hệ thống các tổ chức tín dụng và cộng đồng doanh nghiệp.

VAMC - Gom nợ, lấy lãi tương lai để trả

Một trong những giải pháp xử lý nợ xấu của NHNN, đó là thành lập và đưa vào hoạt động VAMC. Qua hơn một năm hoạt động, tính đến hết tháng 9/2014 đã mua vào khoảng 125.000 tỷ đồng nợ xấu. Dự kiến đến hết năm 2014, tổng số nợ xấu VAMC mua vào sẽ đạt từ 130.000 đến 150.000 tỷ đồng. Hiện nay, VAMC đã bán được khoảng 4.000 tỷ đồng nợ xấu. Theo đánh giá của Trung tâm Nghiên cứu của Ngân hàng BIDV, việc đưa VAMC vào hoạt động là tích cực với việc VAMC đã nhanh chóng gom nợ xấu về một mối giúp hệ thống ngân hàng giảm nhanh nợ xấu và có điều kiện sẵn sàng mở rộng cho vay.

Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong nhìn nhận: “VAMC là một mô hình độc đáo. Mặc dù còn chưa đồng bộ về mặt pháp lý trong tổ chức, vận hành, nhất là vấn đề xử lý tài sản thế chấp và tiêu chí mua - bán nợ xấu, phát triển thị trường nợ thứ cấp, song đây là một giải pháp mạnh dạn, là công cụ tương đối hữu hiệu trong bối cảnh chúng ta không có nhiều công cụ lựa chọn và thời gian để xử lý nợ xấu. Với cách thức mua nợ xấu mà VAMC đang thực hiện, thực chất chỉ là Nhà nước tạm ứng tiền, cho vay trước để các ngân hàng bán nợ có tiền mặt bổ sung vào hoạt động...”.

Phấn đấu giảm nợ xấu xuống còn 3%

Theo NHNN, ngay từ đầu 2012, Thống đốc đã quyết định công khai toàn bộ nợ xấu. Cùng với đó, một số số liệu trước đây vốn được xem là bí mật như dự trữ ngoại hối quốc gia, cũng được công bố rộng rãi. Liên quan đến những thắc mắc xung quanh số liệu về nợ xấu, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định: Trong điều hành, NHNN có kênh thông tin giám sát đánh giá nợ xấu khác so với số liệu của các TCTD báo cáo. Số liệu thống kê của NHNN dựa trên cả định lượng và định tính, trong đó, định lượng là số liệu từ các ngân hàng, định tính là đánh giá trên cả khả năng trả nợ của khách hàng theo chuẩn quốc tế.

Theo đó, trong thời gian qua, ngành ngân hàng đã rất tích cực, quyết liệt trong việc xử lý nợ xấu với các giải pháp chủ yếu là thông qua các biện pháp cơ cấu lại nợ, xử lý bằng dự phòng rủi ro và bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

Bên cạnh đó, để hạn chế nợ xấu phát sinh, NHNN đã chỉ đạo các TCTD mở rộng tín dụng phải đi đôi với an toàn, hiệu quả; Tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định an toàn hoạt động, chất lượng tài sản, tình hình tài chính, nợ xấu và kết quả xử lý nợ xấu; đồng thời hoàn thiện các quy định về cơ cấu lại nợ, phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro theo hướng chặt chẽ, minh bạch và phù hợp hơn với thông lệ quốc tế. Phấn đấu đến cuối năm 2015 đưa tỷ lệ nợ xấu xuống còn khoảng 3%.

Tại phiên họp thường kỳ tháng 10/2014, Chính phủ chỉ đạo NHNN tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại các TCTD ; phát huy vai trò của VAMC, trong đó có việc mua bán nợ theo cơ chế thị trường. Phát triển mạnh thị trường mua bán nợ; khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia mua bán nợ xấu. Yêu cầu các tổ chức tín dụng công khai, minh bạch về nợ xấu và kết quả xử lý, kiểm soát chất lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu gia tăng.

MỚI - NÓNG
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
TPO - Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, chưa bao giờ người dân thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lại chịu những thiệt hại dồn dập về nhà cửa, khu hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cá bị trôi mất, bị chết do sốc ngạt nước như hiện nay.