TS. Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch HĐTV Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) cho biết như vậy.
Mua nợ xấu là bước đầu
TS. Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch HĐTV VAMC cho biết, việc mua nợ xấu là bước ban đầu. Với các khoản nợ đã mua VAMC cơ cấu lại với số dư hàng chục nghìn tỷ đồng, ký hạn mức cho hàng trăm khách hàng được vay vốn, điều chỉnh lãi suất 3 lần; tiến hành đấu giá, ủy quyền bán tài sản đảm bảo, thu hồi nợ.
“Với các khoản nợ của DN không có khả năng hồi phục, như tài sản thế chấp là máy móc thiết bị để lâu dẫn đến mất giá, VAMC phải tiến hành xử lý ngay. Khoản nợ nào mà khách hàng thể hiện thái độ không hợp tác, VAMC có trách nhiệm tổ chức thu hồi nợ, thu giữ tài sản và tiến hành phát mại”, ông Hùng nhấn mạnh.
Cùng chung quan điểm với ông Hùng, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho biết, nhiều người lo ngại về khả năng xử lý nợ xấu nhưng khi theo dõi tiến trình xử lý nợ xấu có thể thấy, xử lý nợ phải thực hiện từng bước.
Bước đầu là gom nợ lại và bước tiếp theo sau đó là phát mại tài sản. Hiện VAMC phát mại chậm chủ yếu do tài sản thế chấp đa số là bất động sản. Khi xử lý tài sản là bất động sản, chúng ta bị mắc chủ yếu ở khâu pháp lý.
“Đây là đặc thù của Việt Nam khi quyền tài sản liên quan đến ngân hàng chưa được xác định đầy đủ. Những người làm ngân hàng và VAMC gặp khó khăn nếu như tài sản thu hồi rồi, nhưng khi chuyển sang người khác mà người mua tài sản không được toàn quyền sử dụng và sở hữu theo đúng nghĩa, dẫn tới khó khăn trong việc bán nợ.
Điểm nữa là khi xác định giá của tài sản, hầu như khi phát mại một tài sản trong tình trạng nợ xấu thì không bao giờ thu hồi được bằng như giá trị ban đầu” ông Thành nói.
Chia sẻ về vấn đề trên, Phó Tổng giám đốc Vietinbank - Trần Minh Bình cho rằng, trong các nghiệp vụ thì xử lý nợ là nghiệp vụ khó nhất. Trong xử lý nợ thì xử lý tài sản bảo đảm là chủ điểm và rất nóng với các NHTM. Mặc dù có tỷ lệ nợ xấu rất thấp, nhưng ngân hàng cũng dành nguồn lực rất lớn trong vấn đề xử lý các khoản nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm.
Mua bán nợ vướng khâu pháp lý
Trong thời gian qua VAMC đã tích cực, chủ động xây dựng phương án, kế hoạch mua nợ, xử lý nợ, bán nợ. Chủ tịch VAMC Nguyễn Quốc Hùng cho biết, đến nay VAMC đã hoàn thành 80% kế hoạch xây dựng từ đầu năm 2014. Riêng về thu hồi nợ, đã đưa ra kế hoạch từ thu hồi nợ, bán nợ là 2.500 tỷ đồng, nhưng đến nay vượt kế hoạch khi đạt 3.000 tỷ đồng.
“Tuy nhiên, việc thu giữ và phát mại tài sản kể từ khi làm thủ tục đến khi đấu giá thành công một khoản nợ là khoảng 4 tháng (có những khoản phải đấu giá đến lần thứ 4 mới thành công). Như vậy, bản thân VAMC đã có tác động rất tích cực, phải chấp nhận mức giá mỗi lần thay đổi và mỗi lần thay đổi mức giá là 1 tháng. Nhất là khi VAMC đã ủy quyền cho TCTD đấu giá lần thứ 7 không thành công” ông Hùng chia sẻ.
Ông Hùng cho biết thêm, khó khăn nhất hiện nay của quá trình xử lý nợ xấu là khâu đấu giá. Nguyên nhân là do định giá quá cao vì lo ngại định giá thấp lại sợ ảnh hưởng tới trách nhiệm với khoản nợ, nên khi phát mại muốn tương đương với khoản nợ gốc cộng với lãi.
Trong khi kinh tế khó khăn, kỳ vọng tăng giá tài sản BĐS thấp nên kể cả tài sản bán bằng giá thị trường chưa chắc đã hấp dẫn. Tính thanh khoản của thị trường cũng quyết định tới việc mua bán nợ xấu.
Sau hơn một năm hoạt động, VAMC đã mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt với 6.203 khoản nợ của 37 TCTD, trị giá nợ gốc xấp xỉ 93 nghìn tỷ đồng và giá trị mua là 76 nghìn tỷ đồng. Đến nay VAMC đã đưa 93 nghìn tỷ đồng nợ gốc của các TCTD ra ngoại bảng.
Điều này, giúp tỷ lệ nợ xấu giảm xuống, nhẹ gánh trong việc xử lý nợ xấu, tái cấu trúc lại chính các TCTD. Đặc biệt, theo quy định các TCTD có tỷ lệ nợ xấu từ 3% trở lên buộc phải bán nợ cho VAMC, nhưng hiện có những ngân hàng tỷ lệ nợ xấu dưới mức này vẫn bán cho VAMC.