> Hiểu Trung Quốc để có đối sách hợp lý
Phương tiện đánh bắt khai thác biển của Việt Nam còn nhỏ bé, thô sơ. Ảnh: T.L. |
Theo PGS Nguyễn Chu Hồi: Tổ quốc ta 3/4 diện tích là biển nên vị trí của biển rất quan trọng đối với sự sinh tồn và phát triển của dân tộc. Tuy nhiên, trình độ về khoa học công nghệ biển của Việt Nam còn lạc hậu so với khu vực và quốc tế. Chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực này cũng thấp.
Do đó, bên cạnh nỗ lực đầu tư của Nhà nước, thời gian qua và sắp tới, hợp tác quốc tế được coi là một chủ trương và giải pháp. Thông qua hợp tác quốc tế, chúng ta đa phương hóa được các lợi ích trên Biển Đông, góp phần đấu tranh bảo vệ chủ quyền an ninh của Việt Nam trên biển.
Ngoài ra, Việt Nam cũng sẽ sớm nâng được trình độ khai thác về tài nguyên, môi trường biển lên một mức mới… Hiện nay, hiệu quả khai thác biển của ta thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Hiện nay Việt Nam hợp tác quốc tế về nghiên cứu biển với những quốc gia nào, thưa PGS?
Việt Nam ưu tiên hợp tác quốc tế về biển với các nước trong khu vực Biển Đông, đặc biệt các nước có trình độ khai thác biển và kinh nghiệm quản lý biển tốt như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia.
Việt Nam đã ký với Hoa Kỳ thỏa thuận hợp tác về khoa học công nghệ biển và vùng duyên hải trong 15 năm (2000 – 2015). Trước mắt triển khai thử nghiệm dự án phân vùng, thử nghiệm không gian và lập kế hoạch quản lý không gian vùng duyên hải Hải Phòng - Quảng Ninh.
Chúng ta cũng đã ký bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác 5 năm với Tổ chức Quản lý Môi trường khu vực Đông Á về việc thực hiện chiến lược phát triển bền vững biển Đông Á tại Việt Nam và nhân rộng mô hình quản lý tổng hợp vùng duyên hải từ những mô hình thành công ở Đà Nẵng, Quảng Nam ra 7 tỉnh khác từ phía Bắc đến phía Nam bao gồm Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Khánh Hòa, Bà Rịa – Vũng Tàu, Sóc Trăng.
Ta cũng ký với Hàn Quốc chính sách biển, điều tra địa chất vật lý biển để mở rộng diện tìm kiếm khoáng sản biển, trong đó có băng cháy.
Ngoài ra, Việt Nam còn ký kết với Phân viện Hàn lâm của Viện Hàn lâm Khoa học Nga vùng Viễn Đông, về nghiên cứu hải dương học, sinh vật biển và địa chất địa vật lý biển. Chúng ta cũng đang triển khai hợp tác với sự hỗ trợ của Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc UNDP về tăng cường năng lực cho VN thực thi quản lý ô nhiễm biển từ nguồn đất liền.
Sắp tới VN chuẩn bị hợp tác với Nhật Bản để mở rộng xây dựng mạng lưới khu bảo tồn biển khu vực Đông Á, trong đó Việt Nam là thành viên.
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi . |
Việt Nam đã chuẩn bị về cơ sở vật chất ra sao trong hợp tác nghiên cứu biển, thưa ông?
Hơn 10 năm trước Việt Nam có được các phòng thí nghiệm và cơ sở vật chất trong điều tra khảo sát và nghiên cứu biển tương đối tốt. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam tuyên bố thoát nghèo nên các nước ít chú trọng tăng cường đầu tư trang thiết bị chiều sâu cho Việt Nam.
Thời gian tới để hợp tác quốc tế bình đẳng, với thực trạng phòng thí nghiệm, phương tiện cũ, lạc hậu, chưa đáp ứng được nhu cầu, Nhà nước phải chủ động đầu tư để tạo ra một số phòng thí nghiệm trọng điểm, để có một số con tàu hiện đại, nâng cao độ chính xác của kết quả điều tra nghiên cứu ứng dụng công nghệ biển trong thời gian tới.
Việt Nam chưa có tàu nghiên cứu cơ bản theo đúng nghĩa. Những cái đang có cũ kỹ, già cỗi, không thể ra biển. Đưa các thiết bị hiện đại lên đó cũng không thể chính xác. Nghiên cứu của ta thời gian qua mon men ven bờ, phải thuê tàu cá của ngư dân để đi lại. Hiện đại hóa khoa học công nghệ biển, trong đó có đội tàu, là nâng cao năng lực kết hợp với bảo vệ chủ quyền, rất quan trọng.
Hiện nay, Chính phủ có quyết định đóng một con tàu nghiên cứu biển lớn. Chúng tôi đang triển khai dự án này. Đây là con tàu hiện đại, cỡ hơn 2.000 mã lực. Việt Nam đang trình phương án mua hoặc tự đóng, ước tính chi phí khoảng 700 tỷ đồng. Nếu đóng, hết năm 2012 sẽ hoàn thành.
Đi mua thì có thể có ngay. Quan điểm của tôi là nên mua, càng có sớm càng tốt vì chúng ta đang cần. Mua có thể của các nước như Na Uy, Pháp, là những nước có kinh nghiệm trong việc đóng tàu. Con tàu này có chức năng nghiên cứu tổng hợp tài nguyên, môi trường, đánh giá điều tra nguồn lợi thủy sản, địa vật lý….
Cái quan trọng là nguồn nhân lực để vận hành con tàu đó đang thiếu. Số người làm chủ được công nghệ, thiết bị, hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ta đã gửi cán bộ ra nước ngoài đào tạo.
Cảm ơn PGS.
Mỹ Hằng