Điểm “kích hoạt” phát triển
Theo Bộ GTVT, tổng số đường cao tốc khởi công từ đầu năm đến nay là 1.332 km; cả nước đang triển khai thi công 1.693 km đường bộ cao tốc và dự kiến đến cuối năm nay, cả nước sẽ có 1.852 km cao tốc được đưa vào khai thác.
TS. Vũ Tiến Lộc, Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam nhận định, một trong những “điểm sáng” trong bức tranh kinh tế 9 tháng qua là lĩnh vực đầu tư công và sự phát triển hạ tầng, đặc biệt về hạ tầng giao thông. Đây cũng chính là điểm “kích hoạt” quan trọng để thúc đẩy sự phát triển kinh tế, tạo động lực cho sự tăng trưởng.
TS. Vũ Tiến Lộc, Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội |
Trong bối cảnh các động lực tăng trưởng gặp nhiều khó khăn, thách thức do sự tác động của kinh tế toàn cầu, thành viên Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, việc tập trung dồn lực vào phát triển đầu tư công cũng như hạ tầng giao thông có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, như “một mũi tên trúng được nhiều đích”.
“Đầu tư cho hạ tầng giao thông không phải chỉ tạo nên sự tăng trưởng trực tiếp, mà còn tạo ra sự phát triển gián tiếp thông qua các ngành công nghiệp hỗ trợ và dịch vụ hỗ trợ; góp phần giảm tải tắc nghẽn về giao thông, giảm chi phí logistics; đồng thời tạo công ăn việc làm cho người lao động, tạo nền tảng cho sự phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế”, ông Lộc phân tích.
Cùng quan điểm, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà, Uỷ viên Uỷ ban Pháp luật cũng đánh giá cao về “điểm sáng” về hạ tầng giao thông trong 9 tháng qua. Theo ông, kết quả này có được trên cơ sở các quyết sách của Trung ương, của Quốc hội, Chính phủ, có sự chỉ đạo quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm trong việc đầu tư cho hạ tầng giao thông. Đây cũng là điểm cốt lõi, vực dậy trong phát triển kinh tế.
“Nếu hạ tầng giao thông yếu kém thì việc thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu sẽ rất khó khăn. Nhưng khi hạ tầng giao thông phát triển tốt hơn, các địa phương sẽ thuận lợi hơn để phát triển du lịch, thu hút đầu tư trong và ngoài nước, từ đó góp phần giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân”, ông Hoà cho biết.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà (Đoàn Đồng Tháp) |
Theo đại biểu đoàn Đồng Tháp, việc hàng loạt các công trình giao thông lớn được khởi công như đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô, đường bộ cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu, các dự án giao thông lớn ở đồng bằng Sông Cửu Long; đặc biệt là 3 gói thầu quan trọng với tổng mức đầu tư khoảng 53.000 tỷ đồng của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành và dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất… đã kích hoạt tăng trưởng kinh tế của các địa phương nói riêng và cả nước nói chung.
Đồng thời, ông Hòa dẫn chứng thông tin cho thấy, kể từ khi tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đưa vào khai thác (ngày 29/4), giúp rút ngắn thời gian đi lại từ TPHCM. Chính từ lợi thế trên, việc khai thác du lịch của Phan Thiết đã gia tăng đáng kể.
Cụ thể, chỉ tính tới nửa đầu năm 2023, doanh thu từ hoạt động du lịch ước mang về cho Bình Thuận hơn 10 nghìn tỷ đồng (tăng 70% so với cùng kỳ năm 2022). Tương tự, kể từ khi tuyến cao tốc Mai Sơn - Quốc Lộ 45 thông xe (tháng 4/2023), chỉ sau vài tháng cao điểm du lịch, tính tới hết tháng 6/2023, Thanh Hóa đã đón hơn 8,3 triệu lượt khách, doanh thu ước hơn 15.000 tỷ đồng (tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm trước).
Có chung nhận định, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang), Ủy viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho rằng, việc cho phép điều chỉnh quy mô đầu tư một số dự án cao tốc, hay Chính phủ phân cấp, mạnh dạn cho địa phương làm các tuyến đường cao tốc như Vành đai 3 và 4… được xem là những “bệ đỡ” trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
“Cử tri đánh giá cao hệ thống cao tốc đã mở ra không gian phát triển kinh tế cho các địa phương đi qua, thay đổi tư duy cho đội ngũ cán bộ cấp cơ sở. Nhà đầu tư nước ngoài cũng đánh giá cao và điều chỉnh chiến lược đầu tư, chuyển hướng vào Việt Nam”, ông Thịnh phản ánh.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang) |
Tận dụng cơ hội thế nào?
Thực tiễn đã chứng minh, phát triển hạ tầng giao thông, nhất là hệ thống đường bộ cao tốc đã và đang tạo động lực quan trọng giúp các địa phương mở ra không gian phát triển mới về kinh tế - xã hội trên địa bàn; đã hình thành nhiều khu đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ, du lịch và là một trong những sản phẩm thu hút đầu tư hấp dẫn… nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng quỹ đất, tạo thêm công ăn việc làm, sinh kế cho người dân.
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng được các đại biểu nêu ra, khi hạ tầng đã mở lối cho sự phát triển thì các địa phương sẽ tận dụng cơ hội thế nào?
"Tôi nhớ, lãnh đạo Chính Phủ đã nhiều lần chỉ đạo, đối với những khu đất, vị trí đẹp, có lợi thế phải ưu tiên dành cho sản xuất, kinh doanh, từ đó tạo công ăn việc làm cho người dân. Đây là một điều kiện rất quan trọng cho các địa phương trong việc nắm bắt, tận dụng cơ hội cho sự phát triển. Các địa phương phải sớm hoàn thiện quy hoạch phát triển của địa phương, phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đô thị… trên cơ sở bám sát vào các dự án khi giao thông đang mở ra”, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa nói.
Cùng mối quan tâm, T.S Vũ Tiến Lộc cũng cho rằng, các địa phương cần sớm rà soát việc kết nối với các tuyến đường bộ cao tốc nhằm phát huy hiệu quả đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các vùng, địa phương. Đặc biệt, tới đây Quốc hội chuẩn bị thông qua Luật Đất đai sửa đổi, các luật liên quan đến đầu tư, xây dựng sẽ tạo ra cơ hội rất lớn để phát triển.
“Các địa phương cần tận dụng tốt cơ hội này để giải quyết những điểm nghẽn hiện nay, nhất là trong việc kết nối hạ tầng, phát triển đô thị, thu hút đầu tư, phát triển các khu công nghiệp”, ông Lộc bày tỏ.
Theo các đại biểu Quốc hội, đầu tư cho phát triển hạ tầng giao thông là “một mũi tên trúng nhiều đích” |
Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức với các mục tiêu tăng trưởng, việc tận dụng các cơ hội phát triển mới được đại biểu Phạm Văn Hoà đánh giá là “vô cùng quan trọng”. Dẫn thông điệp của lãnh đạo Chính Phủ nêu ra trong nhiều cuộc họp: Nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân được hưởng thụ thật, ông Hòa cho rằng, để đạt được “5 thật” đó, bản thân các bộ, ngành, địa phương cũng phải bắt tay vào làm thật, không đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, mà phải nêu gương, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.
Trước mắt, theo đại biểu, các địa phương có các dự án giao thông mới đi qua cần đẩy nhanh việc quy hoạch, khai thác quỹ đất tại khu vực các nút giao và các không gian phát triển mới gắn với các tuyến cao tốc. Trong đó, đại biểu dân cử lưu ý, tập trung ưu tiên các dự án đường địa phương phục vụ sản xuất kinh doanh, tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu; các dự án động lực, có tính lan tỏa cao, tạo nguồn thu lâu dài cho địa phương, tạo công ăn việc làm và sinh kế cho người dân địa phương; ngược lại, cần hạn chế tối đa việc giao các vị trí thuận lợi để phát triển bất động sản nhà ở; khắc phục triệt để tình trạng phát triển manh mún, không đồng bộ.